Toàn cảnh Hội nghị
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã lắng nghe tình hình phát triển ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh ở các lĩnh vực TT&TT, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra vừa qua.
Theo tỉnh Hưng Yên, thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) đến năm 2020, Sở TT&TT Hưng Yên đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên, ban hành các quyết định, kế hoạch, quy định và văn bản chỉ đạo về phát triển, ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước phục vụ mục tiêu phát triển CQĐT của tỉnh theo giai đoạn, hàng năm và kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Chính phủ.
Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Phát biểu tại Hội nghị
Trên cơ sở các kế hoạch, đề án về xây dựng CQĐT tại tỉnh, Sở TT&TT đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, các phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo một hệ thống nền tảng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ của tỉnh để phát triển các ứng dụng CQĐT: Xây dựng, cập nhật Kiến trúc CQĐT tỉnh Hưng Yên; Xây dựng trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội bộ tỉnh (LGSP); trục liên thông văn bản nội bộ tỉnh; Xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng nội bộ tỉnh (WAN); Xây dựng Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử của tỉnh (17 sở, ngành, 10 UBND cấp huyện, 161 UBND cấp xã và triển khai ứng dụng dùng chung khác. Tỉnh cũng Xây dựng đề án Đô thị thông minh tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025.
Sau khi nghe các đại biểu thông tin về tình hình ứng dụng CNTT của các lĩnh vực cũng như những khó khăn, kiến nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bộ TT&TT quản lý nhà nước trên 6 lĩnh vực gồm bưu chính, viễn thông, ứng dụng CNTT, an toàn thông tin (ATTT), công nghiệp điện tử - CNTT và thông tin tuyên truyền.
Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Trao đổi về những khả năng lĩnh vực TT&TT đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã nêu 8 nội dung mà tỉnh có thể quan tâm. Đầu tiên là mỗi người dân Hưng Yên nên có 01 máy smartphone. Đây sẽ là công cụ để người dân, các tổ chức, doanh nghiệp có thể chuyển đổi số. Đến năm 2022, Việt Nam cũng sẽ tắt sóng mạng 2G. Để mỗi người dân có smartphone, tỉnh Hưng Yên có thể giao việc này cho Sở TT&TT.
Tiếp theo, Bộ trưởng cho rằng, mỗi hộ dân Hưng Yên cần có một đường cáp quang bởi nếu không có đường cáp quang thì họp, học tập trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa sẽ khó khăn.
Mỗi hộ gia đình cũng phải có mã bưu chính, địa chỉ số để nhấp vào phần mềm có thể đến địa chỉ cần, cơ bản năm nay, 90% hộ gia đình có mã bưu chính.
Một trong những mục tiêu mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đặt ra cho Hưng Yên là 100% dịch vụ công trực tuyến tại địa phương phải đạt cấp độ 4. Điều này có thể làm được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu.
Mục tiêu tiếp theo mà Hưng Yên cần đặt ra là hệ thống CNTT phải được bảo vệ 4 lớp theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Về viễn thông, tất cả khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên phải phủ sóng 5G, chậm nhất là vào năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Hưng Yên cần phát triển ít nhất 1.000 doanh nghiệp (DN) công nghệ số.
Để phát triển, Hưng Yên cũng nên tăng cường truyền thông qua các phương tiện truyền thông mới. Ví dụ như nhắn tin qua mạng viễn thông, truyền thông qua các mạng xã hội, đặc biệt là các mạng xã hội Việt Nam, qua hệ thống loa phường kiểu mới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề xuất lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cần giao thêm nhiều nhiệm vụ cho Sở TT&TT. Đây là cánh tay nối dài của Bộ TT&TT ở các địa phương. Nếu tỉnh có khó khăn gì về lĩnh vực TT&TT có thể liên hệ trực tiếp với Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hiến kế về việc Hưng Yên cần tập trung nguồn lực CNTT về một đầu mối, thay vì chia nhỏ cho các đơn vị có liên quan. Nếu Sở TT&TT gặp khó khăn về vấn đề cán bộ, có thể đề xuất với Bộ TT&TT. Bộ sẽ biệt phái cán bộ hoặc cử lực lượng phản ứng nhanh để hỗ trợ.
Bộ TT&TT mong muốn Hưng Yên sẽ chú trọng hơn nữa vào hạ tầng kho bãi để giúp đỡ các DN bưu chính.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo tỉnh nên thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm CNTT để có thể trải nghiệm trực tiếp, từ đó phát sinh nhu cầu và đặt ra những yêu cầu cao hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng mong muốn Hưng Yên có một nghị quyết chuyên đề hoặc chương trình về chuyển đổi số. Bộ TT&TT sẽ giúp Hưng Yên trong việc xây dựng chương trình chuyển đổi số cho tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ sẽ hỗ trợ Hưng Yên trong việc đo đạc các chỉ số phát triển lĩnh vực TT&TT, đồng thời đưa ra số liệu so sánh trực tiếp với các tỉnh khác và một vài nước trong khu vực. Điều này sẽ giúp lãnh đạo tỉnh nhìn ra vấn để và tìm cách thúc đẩy lĩnh vực TT&TT trên địa bàn địa phương.
Trước những đề xuất, gợi ý của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh uỷ Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ trân trọng cho biết: Hưng Yên sẽ tiếp tục chú trọng ứng dụng CNTT. Tỉnh sẽ nghiên cứu và xây dựng nội dung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Hưng Yên sẽ xây dựng các biện pháp, chủ trương lớn, đầu tư con người, cơ sở vật chất cho ứng dụng CNTT.
“Ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu nếu không làm sẽ tụt hậu. Ứng dụng CNTT sẽ đưa Hưng Yên phát triển ở mức cao hơn nữa khi Hưng Yên đã được đồng ý về chủ trương xây dựng khu công nghiệp lớn nhất ở Đông Nam Á”, Bí thư Đỗ Tiến Sỹ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá đã có những phân tích về lợi thế của Hưng Yên trong việc phát huy các thế mạnh của địa phương khi thực hiện chuyển đổi số.
Trong báo cáo đề xuất giải pháp phát triển ngành TT&TT tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hoá đã có những phân tích về lợi thế của Hưng Yên trong việc phát huy các thế mạnh của địa phương khi thực hiện chuyển đổi số.
Theo ông Dũng, tỉnh có nhiều nông sản quốc gia như Gà Đông Tảo, nhãn lồng.., tuy nhiên, cần phải quảng bá nhiều hơn các nông sản trên môi trường mạng. Thay vì người dân bán nông sản theo truyền thống chỉ cho vài ngàn người cho địa bàn tỉnh, một vài tỉnh, nhưng với việc bán hàng qua mạng, người dân có thể tiếp cận tới thị trường thế giới và khu vực.
Theo nghiên cứu của Cục Tin học hoá về quảng bá thương hiệu nông sản Hưng Yên trên mạng vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Gà Đông Tảo được giới thiệu trên mạng trong 2 năm gần đây cũng chỉ có 417.000 lượt truy cập. Đây là con số nhỏ cho thấy cần phải quảng bá sản phẩm tốt để đạt tiềm năng như vốn có. Điều này cũng cho thấy nếu Hưng Yên phát triển được startup ứng dụng công nghệ số sẽ giúp hỗ trợ bà con việc này.
Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số, theo đó mong muốn Hưng Yên cũng sớm xây dựng và công bố chương trình của tỉnh với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số gắn với đô thị thông minh; Phát triển kinh tế số gắn với phát triển DN công nghệ số mà cụ thể tập trung vào DN khởi nghiệp tư vấn ứng dụng CNTT, TMĐT và Xã hội số gắn với đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho người dân.
Các đại biểu bấm nút khai trương hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành trực tuyến.
Tỉnh ủy Hưng Yên hôm nay (5/6) cũng đã khai trương hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành trực tuyến. Hệ thống phục vụ chỉ đạo, điều hành trực tuyến của Tỉnh ủy Hưng Yên bao gồm các ứng dụng: phòng họp không giấy tờ VNPT eCabinet, kết hợp hội nghị truyền hình eMeeting và Quản lý văn bản điện tử VNPT eOffice.
Hệ thống đưa vào hoạt động sẽ là công cụ vô cùng quan trọng, hỗ trợ đặc lực cho Tỉnh ủy trong công tác quản lý, điều hành, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, góp phần kiến tạo chính quyền điện tử.
Tổng công ty Viễn thông Mobifone trao tặng máy tính cho tỉnh Hưng Yên