Doanh nghiệp sản xuất đồ may mặc
Trong khi chờ đợi kết quả, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa gửi đến Tổng cục Thống kê một số đề xuất về việc thay đổi năm gốc cố định (giá so sánh năm 2010) sang năm gốc liên hoàn (để các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được cập nhật thường xuyên, giảm nguy cơ xảy ra những sai lệch so với cách tiếp cận dựa trên năm gốc cố định); thống kê tài khoản quốc gia toàn diện (bao trùm cả những hoạt động không quan sát được, thường được gọi nôm na là “kinh tế ngầm”)…
Hệ quả dễ thấy nhất nếu thực hiện theo những đề xuất này là quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ lớn hơn đáng kể so với hiện nay. Những năm gần đây, IMF đã 2 lần hỗ trợ Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP. Lần thứ nhất là đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 và cho kết quả tăng bình quân 25,4%/năm so với trước đó. Lần thứ 2 là đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2018-2020, cũng cho kết quả tăng bình quân trên 25%/năm so với trước đó. Mặc dù vậy, IMF nhận định, 2 đợt thực hiện đánh giá lại quy mô GDP trên chỉ mới xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, mà chưa đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm, bất hợp pháp. Việt Nam đã loại trừ một số hoạt động kinh tế không quan sát được, dẫn đến ước tính thiếu, có thể làm sai lệch tốc độ tăng trưởng GDP, gây trở ngại cho so sánh quốc tế.
Đề xuất của IMF nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Ở chiều ủng hộ, các ý kiến cho rằng, theo thông lệ quốc tế, việc tính lại GDP được thực hiện 5 năm/lần. Do không tính lại GDP thường xuyên nên trong lần gần nhất (tháng 4-2020), mặc dù đã được điều chỉnh tăng thêm đến 25,4%, GDP Việt Nam vẫn được xem là chưa phản ánh đúng thực tế. Ở các nước tiên tiến, các hoạt động thương mại, mua bán đều có hóa đơn, chứng từ, nên cơ quan chức năng dễ dàng quản lý. Nhưng ở Việt Nam, thói quen sử dụng tiền mặt cộng với một tỷ lệ không nhỏ các hoạt động kinh tế không hóa đơn, chứng từ, nằm ngoài sổ sách và chính sách “2 giá” dẫn đến hệ quả là tính thiếu GDP. Tính lại GDP sát thực tế hơn sẽ giúp Chính phủ xây dựng các chính sách, chiến lược kinh tế phù hợp hơn, giúp các tổ chức quốc tế so sánh các quốc gia đúng hơn, giúp nhà đầu tư quốc tế thuận lợi hơn trong quyết định đầu tư, thương mại.
Từ một góc nhìn khác, có thể việc thay đổi năm gốc cố định sang năm gốc liên hoàn là cần thiết, song giả sử GDP theo cách tính mới có tăng mạnh như dự đoán thì cũng cần rất thận trọng xem xét. Bởi sự “lớn lên” này không có ý nghĩa thực tế đối với đa số người dân, không làm họ giàu lên. Khi công nhận số liệu GDP mới, nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa sẽ thay đổi vì đều so sánh với GDP. Các mức trần, mức sàn đang được tính toán trên nền GDP cũ sẽ bị “xô lệch” và không còn hợp lý. Sự thay đổi này, nếu vẫn áp dụng các chỉ tiêu cũ, có thể tạo ra dư địa thu ngân sách và thuế, cũng như “nới” thêm chi tiêu và vay nợ, làm thay đổi nhiều quy hoạch/kế hoạch đã xây dựng hoặc đang thực hiện…
Cuối cùng, khi GDP được công bố “lớn lên”, mức đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên cũng sẽ tăng theo.