Kéo cột sóng vào bản
Tại thôn Quang Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), khi chúng tôi ghé đến căn nhà nhỏ đã xuống cấp nằm ở cuối làng, em Nguyễn Trần Mỹ Duyên (16 tuổi, học sinh Trường THPT Phan Thành Tài) vừa kết thúc giờ học online. Những ngày đầu năm học, bị trùng giờ, Duyên và em gái phải nhường nhau chiếc điện thoại cũ của mẹ.
Không đành lòng, mẹ Duyên, chị Trần Thị Bé (công nhân Công ty TNHH SX Bao bì Carton Hòa Bình, TP Đà Nẵng, đang nghỉ ở nhà vì công ty cắt giảm lao động) mỗi sáng lại qua nhà hàng xóm mượn thêm điện thoại cho con học. Chưa hết khó khăn, để tham gia giờ học online, hai chị em Duyên có khi phải chịu nắng nóng, kéo bàn ghế ra sân ngồi học vì mạng chập chờn.
Em Nguyễn Trần Mỹ Duyên nhận phần quà là thiết bị học tập từ Công đoàn Khu CNC và các KCN Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, cho biết: “Công đoàn đã trực tiếp khảo sát từng hoàn cảnh và vận động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ những trường hợp đặc biệt khó khăn như trường hợp hai con của chị Bé. Hiện chúng tôi đã vận động được 40 triệu đồng để mua tặng điện thoại, sim, tai nghe cho 13 học sinh là con em công nhân không có điều kiện học trực tuyến”.
Bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nằm sâu trong biên giới Việt - Lào. Đường vào bản liên tục bị sạt lở, bên là vực thẳm, bên là núi cao, giáo viên lúc đi dạy trực tiếp phải lội bộ hơn 10km. Để có thể học online, học sinh tại đây phải lên núi tìm sóng rất gian nan. Trước thực tế đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã vận động các nhà mạng kéo cột sóng vào bản Bạch Đàn, giúp các em có điều kiện học tập tại chỗ, không đi rừng tìm sóng rất nguy hiểm. “Mẹ cháu dùng tiền chắt chiu, dành dụm từ bán sắn, mua cho mỗi đứa một chiếc điện thoại thông minh để học trực tuyến, nhưng phải đi bộ lên núi dựng lán thì mới có sóng để học… Từ hôm có cột sóng, chúng cháu học tốt hơn, đỡ vất vả hơn. Các em lớp dưới cũng được tặng điện thoại thông minh, thêm cơ hội học tập để có thêm tri thức. Mưa lũ, chúng cháu rất sợ sạt lở đất, được ngồi ở nhà học thì yên tâm hơn lên lều nhiều”, em Hồ Thị Thanh Huyền (lớp 11) và Hồ Thị Son (lớp 12), hai chị em ruột cùng học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, đang ở nhà học online, chia sẻ.
Không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, “Sóng và máy tính cho em” mang thông điệp thích ứng phù hợp và lan tỏa lòng nhân ái, giúp học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các học sinh khó khăn được tiếp cận việc học tập bình đẳng. Chương trình đã truyền năng lượng tích cực, ý nghĩa nhân văn đến cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn trong kỷ nguyên số.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, thống kê sơ bộ hiện tỉnh có hơn 14.000 học sinh thiếu máy móc, phương tiện học tập trực tuyến. Thời gian tới, các nhà mạng sẽ phủ sóng 10 thôn còn lại trên địa bàn tỉnh để đảm bảo việc dạy - học trực tuyến. Ngành giáo dục đang huy động sự chung tay đóng góp của các nhà giáo, các nguồn lực xã hội, hội doanh nghiệp… để mua sắm hoặc cho mượn thiết bị học tập dưới hình thức thư viện trường học, bảo đảm không học sinh nào không hoàn thành chương trình học tập do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, thông tin, ngoài đề nghị các trường học tiếp tục vận động ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đơn vị đã đề nghị Liên đoàn Lao động, Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện cùng phát động chương trình đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các nhà hảo tâm. Song song đó, Sở GD-ĐT vận động nhà mạng hỗ trợ sim 3G, 4G giúp việc học trực tuyến của học sinh thuận lợi hơn. Hưởng ứng lời kêu gọi, Công ty CP FPT đã trao tặng 1.000 thiết bị học trực tuyến cho học sinh nghèo.
Tại Quảng Bình, hơn 1.000 điện thoại kết nối sóng 4G đã được Hội Khuyến học tỉnh trao tận tay các học sinh nghèo, học sinh lớp 9 và 12 ở miền núi, giúp các em thuận lợi, kịp thời tiếp thu chương trình học, nhất là đối với các lớp cuối cấp trong thời điểm học sinh chưa thể đến trường học hiện nay.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng nhằm hỗ trợ thiết bị học trực tuyến và dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em ở vùng đang có dịch Covid-19. Giải pháp là huy động nguồn lực tổng thể từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để hỗ trợ học sinh, sinh viên trên cả nước có đủ điều kiện học trực tuyến; thúc đẩy phát triển xã hội số, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả; không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”, không có cơ hội học tập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. |