Chiều 28/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo về công tác tư pháp quý III/2022.
Trong thời gian qua, Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực, Bộ Tư pháp thường xuyên phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an rà soát đồng bộ dữ liệu hộ tịch và dân cư để trong thời gian sớm nhất có thể đưa vào vận hành. Bộ Tư pháp cũng đang tích cực triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin không chỉ với CSDLQGVDC mà các chuyên ngành khác.
Ông Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin thêm, nhiệm vụ kết nối cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT) và CSDLQGVDC đã được triển khai từ ngày 01/01/2016. Đến ngày 01/01/2021 đã kết nối trao đổi bình thường, liên tục.
Để khai thác dữ liệu công dân từ CSDLQGVDC, hai Bộ: Tư pháp và Công an đã hoàn thành thử nghiệm dịch vụ khai thác thông tin công dân trong CSDLQGVDC trên cơ sở số định danh cá nhân/CCCD/Số CMND của công dân; trao đổi, nghiên cứu thử nghiệm dịch vụ đồng bộ thông tin giữa 02 cơ sở dữ liệu; dự kiến sẽ cập nhật các chức năng khai thác trên Hệ thống chính thức để kiểm thử và đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian tới.
Trước những ý kiến cho rằng không cần ghi "nguyên quán", "quê quán" mà chỉ cần ghi "nơi sinh" trên các giấy tờ tuỳ thân như căn cước công dân, giấy khai sinh..., ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện Bộ Tư pháp đã nắm được thông tin về vấn đề này.
"Tuy nhiên trước khi có quyết định chính thức, chúng tôi cần xin ý kiến của các đơn vị liên quan. Hiện chúng tôi đang cố gắng đốc thúc các đơn vị liên quan cho ý kiến sớm về vấn đề này", ông Hải nói.
Ông Hải thông tin thêm, liên quan đến "nơi sinh", Luật Hộ tịch trong giấy khai sinh biểu mẫu cũng thể hiện rõ "nơi sinh". "Nơi sinh" thể hiện giá trị phân biệt cá nhân này với cá nhân khác và liên quan đến việc một cá nhân chào đời. "Nơi sinh" cũng là một trong những thông tin cơ bản sẽ kết nối sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong quý III, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 07 Đề án do Bộ Tư pháp trình. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 04/04 theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành 55/55 nhiệm vụ được giao. Bộ Tư pháp cũng đã thực hiện quy trình kiểm thử và kết nối thành công thêm 10 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 50 dịch vụ công.
Công tác thẩm định được Bộ Tư pháp thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, đồng thời bảo đảm thời hạn thẩm định theo quy định, bảo đảm tiến độ soạn thảo, trình VBQPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính thực hiện quyết liệt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương, theo đó toàn Hệ thống THADS đạt nhiều kết quả tích cực cụ thể. Kết quả THADS năm 2022 (01/10/2021-30/9/2022): Thi hành xong là 539.290 việc, tăng 44.785 việc , đạt tỉ lệ 82,50% (tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2021) với tổng số tiền thi hành xong trên 75 nghìn tỷ đồng đạt tỉ lệ 45,42% (tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong Quý III/2022, Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai các hoạt động thực hiện Kế hoạch hưởng ứng 10 năm Ngày pháp luật của Bộ Tư pháp, nhất là công tác chuẩn bị tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam vào tối ngày 6/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1)./.