Công nghệ trên giấy là một thực tế đúng nghĩa khi ứng dụng công nghệ nhưng cuối cùng vẫn phải in thông tin ra giấy để xử lý. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ trong nhiều hoạt động để hạn chế tiếp xúc nhưng đã bộc lộ những bất cập khi triển khai.
Mỗi nơi ứng dụng mỗi kiểu
Từ đầu năm 2021, Sở Y tế TP HCM đã triển khai chuyển đổi số trong công tác khai báo y tế (KBYT) điện tử tại tất cả bệnh viện (BV) để thay thế hình thức khai báo thủ công bằng giấy trước đây. Hiện Sở Y tế đã áp dụng đồng loạt hệ thống này cho hơn 6.000 cơ sở y tế trên toàn TP.
Thanh toán viện phí bằng thẻ khám bệnh thông minh tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM)
Tuy nhiên, người ta cũng nhận ra sự rối rắm khi đang có một số ứng dụng khác nhau. Người viết mấy lần khá vất vả khi làm thủ tục khám bệnh tại BV mà không được chấp nhận mã QR từ ứng dụng KBYT chính thức vẫn thường dùng khi đi lại như Vietnam Health Declaration của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, còn có cả ứng dụng KBYT NCOVI của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông). Nhưng BV chỉ chấp nhận mã QR KBYT từ trang web kbyt.khambenh.gov.vn. Hiện Bộ Y tế khuyến khích sử dụng nhiều giải pháp như KBYT điện tử bằng mã QR, ứng dụng truy vết Bluezone, sổ sức khỏe điện tử đăng ký tiêm vắc-xin, bản đồ an toàn Covid-19... Mỗi địa phương, mỗi cơ sở y tế còn có những ứng dụng riêng do mình phát triển. Tình trạng này dễ dẫn tới tình trạng lộn xộn về dữ liệu và trước hết là gây rối cho người dùng. Đó là lý do mà nhiều chuyên gia đề nghị cần xây dựng một ứng dụng dùng chung hay hợp nhất các ứng dụng tương tự hoặc liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng.
Vài tuần trở lại đây, khi dịch Covid-19 bùng phát mà người dân khi đi đường phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm (KQXN) âm tính với SARS-CoV2 - một loại giấy thông hành dù chỉ có giá trị trong 3 ngày rồi phải xét nghiệm lại nếu cần. Việc trực tiếp tới cơ sở y tế được công nhận để lấy mẫu xét nghiệm, rồi phải quay lại chờ nhận giấy in KQXN rất bất tiện và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để tiện cho người dân, ngày 8-7, Sở Y tế TP HCM đã triển khai thí điểm trả KQXN bằng mã QR qua hệ thống "Khai báo Y tế" tại 4 BV: Nhân Dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, TP Thủ Đức và Lê Văn Thịnh. Sau thời gian thí điểm, Sở Y tế mới ứng dụng hình thức này cho các cơ sở y tế toàn TP. Để nhận được KQXN điện tử bằng mã QR, người dân cần tải ứng dụng "Y tế HCM" về cài đặt trên thiết bị di động của mình. Hệ thống được cài đặt tập trung tại Trung tâm Dữ liệu TP HCM, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong quá trình khai thác và vận hành. Ứng dụng di động này cho phép xác thực OTP qua SMS tới số điện thoại của người dùng.
TP HCM đang triển khai đợt tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đợt 5. Đợt này sẽ ưu tiên tiêm vắc-xin cho người có bệnh mãn tính (bệnh nền), người trên 65 tuổi, người nghèo, đối tượng chính sách; người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tiện ích, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và một số ngành nghề khác. Tuy nhiên, việc lập danh sách các đối tượng do các tổ dân phố tiến hành mỗi nơi một khác. Chỉ tính với người trên 65 tuổi, có chỗ yêu cầu từng gia đình cung cấp tên họ, số CCCD, BHYT, điện thoại…; trong khi cũng có nơi chủ động lên danh sách dựa trên cơ sở dữ liệu dân cư đã có. Tất nhiên, với các đối tượng khác vẫn cần trực tiếp từng hộ gia đình khai báo.
Thay đổi tư duy, phong cách làm việc
Hiện những BV lớn yêu cầu người bệnh chờ lấy các KQXN để trở lại phòng khám cung cấp cho bác sĩ hoặc cần có nhân viên điều dưỡng trực tiếp tới các phòng xét nghiệm lấy kết quả. Việc này vừa mất thời gian vừa gây bất tiện cho người bệnh, nhất là khi các phòng xét nghiệm nằm rải rác nhiều nơi. Trong khi đó, hệ thống y tế điện tử của BV có thể ngay lập tức chuyển KQXN qua mạng tới bác sĩ khám bệnh.
Sau khi khám bệnh, đơn thuốc cần được in ra giấy cho người bệnh trực tiếp cầm tới nhà thuốc mua hay nhận thuốc BHYT. Nhưng vẫn có những BV ứng dụng công nghệ tốt từ phòng khám chuyển đơn thuốc qua mạng tới khu cấp thuốc BHYT để chuẩn bị sẵn cho bệnh nhận sau đó. Nhiều BV đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ nhưng chẳng hiểu sao vẫn chưa bỏ cuốn sổ khám bệnh giấy, thậm chí mỗi BV có loại sổ riêng. Hậu quả là một người bệnh phải giữ nhiều cuốn sổ khác nhau cho mỗi BV mình tới khám bệnh. Lẽ ra, nếu liên thông dữ liệu khám chữa bệnh hay tốt hơn cả là tập trung dữ liệu sức khỏe về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế, người bệnh chỉ cần sổ sức khỏe điện tử dùng chung tiện lợi cho cả họ lẫn các bác sĩ.
Những ai từng đi làm CCCD có gắn chip ắt rất thích khi không cần phải điền vào bất cứ tờ khai nào vì các dữ liệu cần thiết đã có sẵn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân chỉ cần xác nhận thông tin cần thay đổi đối với các dữ liệu được nhân viên cung cấp và sau đó ký tên điện tử hay xác thực bằng dấu vân tay. Tuy nhiên, hiện nơi làm CCCD vẫn phải in hồ sơ để người dân trực tiếp ký xác nhận. Hay khi thanh toán hóa đơn bằng thẻ tín dụng, nhiều nơi buộc khách hàng phải ký tên vào biên nhận giấy trong khi có nơi không cần ký tên. Rõ ràng có sự bất nhất trong ứng dụng.
Không thể phủ nhận trình độ ứng dụng công nghệ ở Việt Nam giờ đã cao hơn trước. Sau một thời gian triển khai, hiện các hình thức hội họp không cần giấy đã được vận hành trơn tru khi tất cả dữ liệu, báo cáo đều được chuyển tới người dự qua thiết bị di động. Nhưng để triển khai ứng dụng hiệu quả trên diện rộng ở nhiều lĩnh vực, cần có sự thay đổi về tư duy và phong cách làm việc phù hợp với thời 4.0.