Sôi động thị trường mua ngay, trả sau tại châu Á - Thái Bình Dương

Thứ sáu, 25/11/2022 15:54

Theo báo cáo của FIS, trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng, giao dịch tiền mặt và thẻ trả trước sẽ mất dần thị phần, thay vào đó ví điện tử và mua ngay, trả sau (BNPL - buy now, pay later) sẽ trở thành phương thức thanh toán trực tuyến phát triển nhanh nhất.

Xu hướng mua ngay, trả sau đang rất phổ biến trên thế giới. Đây là hình thức thanh toán trong đó người tiêu dùng mua hàng và trả dần trong một khoảng thời gian thành nhiều đợt. Với dịch vụ này, người mua có thể kéo dài thời hạn thanh toán và giảm bớt áp lực tài chính. Còn người bán sẽ có thêm công cụ để hấp dẫn khách hàng. 

Hiện nhiều công ty còn cung cấp các gói không tính lãi suất, nhưng sẽ tính các phụ phí và phí trả chậm cao. Chính vì vậy, BNPL đang trở thành một miếng bánh ngon của ngành fintech.

Trong năm 2021, thị trường này phát triển sôi động cả về người dùng lẫn các dịch vụ mới. Gaylon Jowers, Trưởng bộ phận TSYS Issuer Solutions tại Global Payments, nhận định: "BNPL đang trở thành xu hướng nhờ một số yếu tố, nổi bật nhất là sự chấp nhận ngày càng rộng rãi của người bán, chiến lược đa kênh, tính linh hoạt và tập khách hàng trẻ tuổi trung thành".

Trong những năm tới, BNPL có thể trở thành xu hướng thanh toán chủ đạo trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo báo cáo thanh toán toàn cầu năm 2022 được công bố gần đây của công ty công nghệ tài chính FIS của Mỹ, hiện tại, các ví số vẫn đang thống trị phương thức thanh toán toàn cầu. Trong đó, khu vực APAC tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng nhanh.

FIS cho biết ví số chiếm gần một nửa (48,6%) tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trên toàn cầu vào năm 2021, với giá trị hơn 2,6 nghìn tỷ USD. Đến năm 2025, ví số được dự đoán sẽ chiếm tới 52,5% tổng giá trị giao dịch. "APAC tiếp tục thiết lập tốc độ sử dụng ví số tăng cao do sự phổ biến rộng rãi của Alipay và WeChat Pay", báo cáo chỉ ra.

Nói một cách chính xác, tại APAC, ví số chiếm khoảng 68,5% giá trị giao dịch TMĐT trong khu vực trong năm 2021. Theo dự báo của FIS, con số đó dự kiến sẽ tăng lên hơn 72% vào năm 2025. Xét theo quốc gia, báo cáo cho thấy ví số là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng ở Trung Quốc. Chỉ riêng Alipay và WeChat Pay đã chiếm gần 83% tổng giá trị giao dịch TMĐT năm 2021 của Trung Quốc.

Ở những quốc gia khác trong khu vực, ví số cũng là phương thức thanh toán TMĐT dẫn đầu: Ấn Độ (45,4%), Indonesia (38,8%) và Philippines (30,5%). Các ví khác bao gồm GCash, GrabPay, LINE Pay, OVO và Paytm là những yếu tố góp phần tạo nên một hệ sinh thái thanh toán đa dạng và cạnh tranh, FIS cho biết.

Thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ sẽ dần biến mất?

Báo cáo của FIS cũng cho thấy, thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng, giao dịch tiền mặt và thẻ trả trước sẽ dần sụt giảm thị phần, thay vào đó ví điện tử và BNPL sẽ trở thành phương thức thanh toán trực tuyến phát triển nhanh nhất. Thẻ tín dụng chiếm 21% trong chi tiêu cho TMĐT toàn cầu vào năm 2021 và dự kiến sẽ giảm xuống 18,8% vào năm 2025, mặc dù tổng giá trị sẽ tăng lên hơn 1,56 nghìn tỷ USD.

Mặt khác, thẻ ghi nợ được dự báo sẽ giảm đáng kể, từ 13,2% tổng giá trị giao dịch TMĐT toàn cầu vào năm 2021 xuống 12,9% vào năm 2025, với tổng giá trị tăng lên hơn 1,07 nghìn tỷ USD. Trong khi chuyển khoản ngân hàng chỉ chiếm 7,4% tổng giá trị giao dịch TMĐT toàn cầu vào năm 2021 và dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,2% vào năm 2025.

Tuy nhiên, tại khu vực APAC, thẻ tín dụng và thẻ tính phí chiếm 12,8% tổng giá trị giao dịch TMĐT của khu vực vào năm 2021 và sẽ giảm nhẹ xuống 11% vào năm 2025. "Thị phần thẻ tín dụng trong khu vực cũng khác nhau khi các nền kinh tế trưởng thành ở Nhật Bản (58,3% của năm 2021), Hàn Quốc (56%) và Hồng Kông (42,8%) tiếp tục sử dụng chúng mạnh mẽ ", FIS cho biết.

Sau đó là Trung Quốc, nơi tỷ lệ thẻ tín dụng trên giá trị giao dịch tương đối thấp, ở mức 4,1%. Việc sử dụng thẻ tín dụng cũng còn hạn chế ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ (13,3%), Indonesia (10,2%) và Thái Lan (12,2%).

20221212-pg17.jpg

"Thẻ ghi nợ chiếm 7,8% chi tiêu cho TMĐT trong khu vực vào năm 2021, với mức tăng trưởng khiêm tốn dự kiến là 8,6% vào năm 2025. Giá trị giao dịch thẻ ghi nợ dao động từ mức cao nhất trong khu vực là 15,3% ở Úc xuống mức thấp nhất là 3% ở Đài Loan", báo cáo.

BNPL sẽ thống trị?

Theo SCMP, những người mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc từ lâu đã quen với các khoản cho vay siêu nhỏ - những khoản tín dụng quy mô nhỏ được cung cấp với sự hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (big data). Ant Group, đơn vị công nghệ tài chính của tập đoàn Alibaba, đã vận hành dịch vụ Huabei từ năm 2014, trong khi đối thủ JD.com ra mắt dịch vụ Baitiao cũng trong khoảng thời gian này.

Ông Han Feng, một đối tác của McKinsey ở Thượng Hải, cho biết: "Ngành công nghiệp BNPL ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua, mặc dù mọi người thường coi đó là hình thức cho vay vi mô trực tuyến".

Gần đây, BNPL lại đang nổi lên với tư cách là phương thức thanh toán trực tuyến có tốc độ phát triển nhanh nhất ở một loạt quốc gia châu Á khác, bao gồm Úc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore, trong bối cảnh xu hướng mua sắm trực tuyến gia tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Thị phần của hình thức BNPL trên thị trường thanh toán TMĐT toàn cầu lên tới 2,9% vào năm 2021. Trong ba năm tới, FIS dự báo con số này sẽ tăng lên 5,3%.

Chuyên gia Han Feng cho biết: "Xu hướng cho vay vi mô trực tuyến đang chậm lại ở Trung Quốc, nhưng đối với một số thị trường Đông Nam Á, vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt, đặc biệt là Thái Lan và Ấn Độ, những nơi tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng còn thấp. Khu vực này bây giờ giống như giai đoạn đầu của thị trường Trung Quốc".

 

Những công ty cung cấp BNPL hàng đầu trên thế giới bao gồm Klarna, Afterpay (được Square mua lại) và PayPal, cùng với những đối thủ cạnh tranh như Zip, Sezzle và hàng chục doanh nghiệp (DN) địa phương nhỏ hơn đang nổi lên để tranh giành thị phần cho phân khúc thanh toán đang phát triển nhanh này.

Tại APAC, mặc dù chỉ chiếm 0,6% giá trị giao dịch TMĐT vào năm 2021, nhưng BNPL được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lên 1,8% (hay 78 tỷ USD) vào năm 2025. "Tencent gần đây đã ra mắt tính năng BNPL trong WeChat và những doanh nghiệp BNPL trong khu vực là Atome, Hoolah và Rely đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ ở Singapore", FIS cho biết.

Atome hiện đang hoạt động tại 9 thị trường, bao gồm Singapore, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Trung Quốc. Họ có hơn 20 triệu khách hàng đã đăng ký ở châu Á, là một phần của công ty mẹ Advance Intelligence Group.

Theo FIS, cơn sốt BNPL cũng đã thu hút các ngân hàng truyền thống vào cuộc, nhằm tận dụng cơ hội tại một thị trường có thể tăng trưởng 43% hàng năm trong vòng ba năm tới. Hồi tháng 10/2021, Standard Chartered đã công bố khoản đầu tư 500 triệu USD vào Atome Financial. Còn United Overseas Bank (UOB), một trong ba ngân hàng lớn nhất của Singapore, trong tháng trước cũng đã công bố kế hoạch giới thiệu dịch vụ BNPL tại Indonesia thông qua ứng dụng ngân hàng số của mình.

Trong khi đó, một tên tuổi khác của ngành dịch vụ tài chính thế giới là Mastercard lại nhắm vào đối tượng người bán hàng, khi cho ra mắt thẻ thương mại mua ngay, trả sau để cung cấp các lựa chọn tài chính linh hoạt hơn cho các DN nhỏ ở khu vực APAC. Theo Mastercard, loại thẻ mới có tên gọi Pay&Split sẽ cho phép các DN dễ dàng mua hàng trả góp từ các nhà cung cấp trên toàn cầu và quản lý dòng tiền tốt hơn, đồng thời giảm bớt các rắc rối khi quản lý các khoản thanh toán nhỏ lẻ.

Bắt nhịp cùng thế giới, các fintech Việt Nam cũng nhanh chóng gia nhập cuộc chơi BNPL. Fundiin là một công ty đi đầu tham gia cung cấp dịch vụ BNPL từ cuối năm 2020. Người tiêu dùng Việt có thể mua ngay, dùng ngay nhưng có thể thanh toán với 3 kỳ hạn lần lượt trong 3 tháng hoàn toàn không mất lãi. Fundiin hiện có hơn 100 đối tác và đang dự tính hợp tác với Sapo, kết nối với 100.000 đơn vị bán lẻ trên nền tảng này.

Ví trả sau MoMo, sản phẩm hợp tác của TPBank và MoMo mới đây đã cho phép người dùng sử dụng hạn mức trên ví trả sau để thanh toán, mua sắm hàng trăm dịch vụ ngay trên ứng dụng MoMo và trả tiền sau (từ 35 - 45 ngày). Người dùng Việt Nam có thể thanh toán các dịch vụ thiết yếu như: hóa đơn điện và nước, Internet, phí chung cư, học phí; mua hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi; dịch vụ ăn uống; mua sắm online.../.

theo ictvietnam.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top