Sóc Trăng: Chuyển đổi số bắt đầu từ lĩnh vực nông nghiệp

Thứ hai, 21/11/2022 14:38

Sóc Trăng là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp nên tỉnh có thể thực hiện chuyển đổi số bắt đầu từ thế mạnh sẵn có của mình, đó là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đó là đề xuất của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại Hội nghị Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 21/11/2022.

Tham dự Hội nghị có ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

20221121-pg1-tc.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Văn hoá và Hội nghị tỉnh, kết hợp trực tuyến với 120 điểm cầu của các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn với hơn 3.000 đại biểu tham dự.

Sóc Trăng hãy bắt đầu chuyển đổi số với lĩnh vực nông nghiệp – thế mạnh sẵn có của tỉnh

20221121-pg6-CT.png

Ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.Sóc Trăng phát biểu tại Hội nghị

Tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Vì là sự thay đổi của một tổ chức nên chuyên đổi số trước tiên là việc của lãnh đạo, của người đứng đầu, nếu không thì không ai dám làm và có thể làm. Vì chuyển đổi số là tổng thể và toàn diện nên đó là việc của tất cả mọi thành viên trong tổ chức.

Sóc Trăng là một tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp nên tỉnh có thể thực hiện chuyển đổi số bắt đầu từ thế mạnh sẵn có của mình, đó là chuyển đổi số trong nông nghiệp, Thứ trưởng đề xuất.

Thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay chính là làm sao nâng cao hiệu quả, nâng cao hiệu năng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Xét từ góc độ này, dư địa cho nông nghiệp phát triển đột phá trong giai đoạn tới là rất lớn. Nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để kinh tế của Sóc Trăng và của Việt Nam phát triển đột phá một cách bền vững trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh lại chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số: Chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số.

20221121-pg2-cucCDS.jpg

Đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu

Do vậy, các kết quả triển khai chuyển đổi số của tỉnh Sóc Trăng cần mang lại những kết quả thiết thực nhất cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ có những đánh giá, phản hồi từ chính người dân, doanh nghiệp mới thể hiện rõ được sự hiệu quả của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng tỉnh Sóc Trăng trong hành trình chuyển đổi số thời gian tới. Sóc Trăng sẽ thực hiện chuyển đổi số thành công trong cả ba trụ cột Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng tin tưởng.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số - một trong những giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. 

Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 07 về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 03 ngày 06/10/2022 về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030; đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực, địa phương.

Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã. 100% dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điện tử từ tỉnh đến cơ sở được liên thông qua môi trường số; Hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh, cấp huyện đạt từ 80-90%; Người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại các ngân hàng đạt trên 40% trên tổng số dân tỉnh; Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; Tình hình an toàn thông tin mạng cơ bản được kiểm soát. Và nhất là nhận thức của các các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu cũng chỉ ra một số hạn chế trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, cụ thể: Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, nhất là ở cơ sở; Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất ít; Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu; Nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của chuyển đổi số ở một số cán bộ, công chức và người dân chưa đầy đủ.

Một số kết quả đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số của Sóc Trăng

Báo cáo về một số kết quả chuyển đổi số của tỉnh, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 27 văn bản về chuyển đổi số. Đến cuối năm 2021, tỉnh đã hoàn tất xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh (IOC); Triển khai tổ Công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thị xã, thành phố với việc thành lập 775 Tổ công nghệ số cộng đồng, đạt tỷ lệ 100% với 5.466 thành viên. Tỉnh đã phối hợp Cục Chuyển đổi số quốc gia, Cục An toàn thông tin đào tạo 464 lãnh đạo cấp xã, công chức, viên chức liên quan đến chuyển đổi số và an toàn thông tin.

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai một số nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cụ thể: Nền tảng điện toán đám mây tỉnh (đã triển khai cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh), Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LSGP), Nền tảng hệ thống Điều hành thông minh tỉnh, Nền tảng hóa đơn điện tử (ngành thuế đã triển khai), Nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử (đã phối hợp Công an tỉnh hoàn thành công tác chuẩn bị kết nối và đã được Bộ Công an chấp thuận cho kết nối).

Liên quan đến chỉ số chuyển đổi số của tỉnh, đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, cho biết chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh Sóc Trăng năm 2021 xếp thứ 56/63 trên cả nước, tăng một bậc so với năm 2020, thứ tự xếp hạng 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đều tăng so với năm 2020.

Đối với chính quyền số, tại Sóc Trăng đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Gần 72% DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến. Đã có 10 nghìn tài khoản người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVC tỉnh và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công đạt gần 92%.

Tại sự kiện, các đại biểu đã nghe một số tham luận quan trọng của đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể: Quản lý đội ngũ công chức viên chức của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng cải cách hành chính, hướng tới xây dựng chính quyền số; Chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường; kế hoạch, giải pháp và định hướng triển khai tại Sóc Trăng../.

GP
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top