“Tàu là nhà, biển cả là quê hương”
Sinh ra trong gia đình có bố là lính hải quân nên từ nhỏ, Quang đã được nghe những câu chuyện và dành tình cảm đặc biệt đối với nghề thủy thủ. 18 tuổi, cậu học trò tên Quang thi đỗ vào Học viện Hải quân Việt Nam.
Năm 2012, tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển, anh đảm nhận công việc trưởng ngành hàng hải ở tàu vận tải. Anh “bén duyên” với tàu KN 290 năm 2014, cũng là khi con tàu này được bàn giao cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Anh trở thành Phó Thuyền trưởng vào tháng 6/2015 và đến tháng 2/2018, Quách Hữu Quang nhận trọng trách mới: Thuyền trưởng tàu KN 290. Lúc đó anh mới 29 tuổi.
Quách Hữu Quang trở thành thuyền trưởng tàu kiểm ngư lớn nhất Việt Nam khi mới 29 tuổi.
Ảnh chụp trong chuyến KN 290 chở các đoàn ra thăm và làm việc tại các đảo, nhà giàn trên quần đảo Trường Sa năm 2018.
Thuyền trưởng quê Hà Tĩnh có làn da rám nắng của người đi biển lâu năm và trông chững chạc hơn tuổi trong bộ trang phục của lực lượng kiểm ngư, nhưng bù lại là nụ cười tươi rói. Gặp nhau trên tàu trong một chuyến hải trình ra thăm Trường Sa và biết là người cùng quê, vị thuyền trưởng này gọi chúng tôi bằng từ ngữ thân thương, bình dị: “Quê ơi”. Gương mặt điển trai, nét hiền lành cùng với tính cách sôi nổi, hòa đồng và chất giọng miền Trung ấm áp, Quang được nhiều người gọi là “soái ca” của tàu.
Đối với anh, con tàu như là ngôi nhà của mình, không chỉ là trách nhiệm công việc mà còn là tình cảm gắn bó, nơi sinh sống hơn 5 năm qua.
Kể về những ngày trên tàu, anh nói vui: “Dành cả thanh xuân gắn bó với tàu và biển”. “Anh em trên tàu coi nhau như gia đình. Kỷ niệm thì nhiều vô kể, nhất là những chuyến tàu ra với quần đảo Trường Sa” - Quang chia sẻ.
Thuyền trưởng - Vừa tự hào, vừa trọng trách
Thuyền trưởng Quang cho biết: “Tàu kiểm ngư có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, công tác cứu hộ cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ dân sự khác”.
Mỗi năm tàu có khoảng 3-4 chuyến chở các đoàn ra thăm và làm việc tại các đảo, nhà giàn trên quần đảo Trường Sa và vùng biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Những chuyến đi thường kéo dài 9-11 ngày. Trong mỗi hải trình ra với biển đảo, tính ra mỗi ngày anh chỉ ngủ được 4-5 tiếng, thậm chí là ít hơn, vì buổi tối phải chia ca trực.
Quách Hữu Quang tâm sự: “Những ngày biển êm sóng lặng thì không sao, còn những ngày mưa bão, sóng biển dữ dội, thời tiết xấu thì vất vả lắm. Sóng làm tàu chao đảo, hất tung cả đồ đạc trên tàu là chuyện bình thường”.
Là thuyền trưởng, đó vừa là niềm tự hào, vừa là trọng trách. Vì thế, bản thân anh luôn phải cố gắng làm tốt công việc. “Con tàu khi ra khơi là đại diện của một quốc gia trên biển. Mỗi quyết định của người thuyền trưởng - người chỉ huy cao nhất trên tàu là rất quan trọng. Trong đó, việc xử lí tình huống trên biển là quan trọng nhất. Người thuyền trưởng phải luôn giữ được bình tĩnh khi xử lí các tình huống, phải có bản lĩnh vững vàng” – thuyền trưởng Quách Hữu Quang nhận định về trách nhiệm công việc của mình.