Khi lĩnh vực tiền số phổ biến hơn, hacker nhắm tới hình thức tấn công cryptojacking, gồm các bước xâm nhập vào hệ thống máy tính, sau đó chạy phần mềm đào coin trên phần cứng mà không để người dùng phát hiện. Trong khi đó, chủ sở hữu hệ thống máy tính phải đối phó tình trạng cường độ sử dụng CPU cao và hóa đơn tiền điện tăng vọt.
So với ngành bán lẻ ở vị trí thứ 2, lĩnh vực tài chính ghi nhận con số cao gấp 5 lần.
Một nguyên nhân khác khiến số trường hợp cryptojacking tăng mạnh là việc các chính phủ mạnh tay đối phó với ransomware. Theo dữ liệu của Chainalysis, tổng thiệt hại do ransomware lên tới hơn 600 triệu USD vào năm ngoái. Khi các nhà chức trách ngày càng hiểu rõ hơn về loại hình tấn công này, tội phạm mạng quyết định chuyển đổi phương thức.
"Ransomware chỉ được kích hoạt khi nạn nhân tương tác với mã độc và nạn nhân sẽ phát hiện ngay lập tức. Trong khi đó, cryptojacking âm thầm tấn công mà nạn nhân không hề hay biết. Trước vòng vây của các chính phủ, một số tội phạm mạng sẽ chọn phương án an toàn hơn", báo cáo của SonicWall nhận định.
Sau khi sử dụng phần mềm độc hại truy cập vào mạng lưới máy tính, những kẻ tấn công cryptojacking sẽ khai thác tiền mã hóa. Quá trình này thường đòi hỏi các thiết bị đắt tiền với lượng điện năng tiêu thụ lớn. Do đó, khi bị tấn công, PC của người dùng thường hoạt động chậm hơn, tiêu tốn nhiều điện và tỏa nhiều nhiệt hơn. Máy tính xách tay cũng đặc biệt tụt pin nhanh chóng.
Cuối cùng, báo cáo của SonicWall chỉ ra loại tội phạm này có thể hoạt động mạnh theo chu kỳ. Trong quý II/2022, số vụ cryptojacking giảm hơn 50% so với 3 tháng trước đó xuống còn 21,6 triệu. Họ dự đoán các đợt tấn công sẽ tiếp tục chững lại vào quý III và tăng trở lại trong 3 tháng cuối năm.