Sở TT&TT Quảng Bình nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh

Thứ hai, 30/09/2024 17:03

Thực hiện các Chương trình, Chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, thời gian qua, Sở TT&TT Quảng Bình đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, từng bước khẳng định vai trò dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Dự án "Chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025" đã được Sở tập trung thực hiện hiệu quả.

Đến nay, Quảng Bình đã xây dựng được Hạ tầng công nghệ thông tin và Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh hiện đại, đồng bộ, hướng tới hạ tầng số. Rất nhiều hệ thống phần mềm đã được xây dựng và đưa vào ứng dụng đảm bảo phục vụ cho nhu cầu phát triển Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh và chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Sở TT&TT Quảng Bình nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh   - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp quý I/2024 đánh giá kết quả triển khai hoạt động CĐS và Đề án 06

Xây dựng Hạ tầng công nghệ thông tin và Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh hiện đại, đồng bộ

Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh được khởi động thiết lập từ năm 2012 theo dự án của World Bank do Bộ Thông tin và Truyền thông tài trợ, tuy nhiên đến năm 2020 đã xuống cấp, tài nguyên không còn đủ đáp ứng phục vụ xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Do đó, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã có chủ trương giao nhiệm vụ cho Sở TT&TT nâng cấp, phát triển Trung tâm theo Dự án chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn đến năm 2025. Tháng 8/2023, Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp, với hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin và hạ tầng thiết yếu được đầu tư vượt tiêu chuẩn Tier 2 và hướng tới đạt tiêu chuẩn Tier 3 trong 4 mức xếp hạng tiêu chuẩn về Trung tâm dữ liệu điện tử. Hiện Trung tâm có 36 máy chủ vật lý và cụm thiết bị lưu trữ với dung lượng gấp 20 lần trước khi nâng cấp; triển khai công nghệ ảo hóa đảm bảo hạ tầng phục vụ cho 12 nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung hiện tại của tỉnh và dự phòng triển khai các nền tảng ứng dụng mới trong giai đoạn 2023-2028.

Ngoài ra, với hạ tầng đạt tiêu chuẩn, vận hành ổn định 24/7, Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh hiện đang là nơi đặt và vận hành 06 máy chủ vật lý; cung cấp các máy chủ ảo để cài đặt, triển khai 18 hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành. Với việc triển khai thiết bị hiện đại và công nghệ ảo hóa, Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh cơ bản đáp ứng hạ tầng cho việc lưu trữ, cài đặt, tích hợp các hệ thống thông tin cho nhiệm vụ chuyển đổi số, phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của tỉnh; cung cấp các máy chủ ảo để cài đặt, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

Sở TT&TT Quảng Bình nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh   - Ảnh 2.

Hệ thống thiết bị Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh Quảng Bình

Thiết lập Hệ thống Hội nghị trực tuyến liên thông kết nối 4 cấp

Từ năm 2020, Hệ thống Hội nghị truyền hình chuyên dùng nội tỉnh đã được triển khai để phục vụ các cuộc họp từ xa, kết nối từ trung ương đến cấp tỉnh và huyện. Đến giữa năm 2023, trong khuôn khổ Dự án chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình, Hệ thống Hội nghị trực tuyến tỉnh tiếp tục được đầu tư mở rộng đến 151 xã, phường, thị trấn. Từ đó cho phép cấp huyện chủ động tổ chức họp trực tuyến với cấp xã, tạo điều kiện cho các cấp chính quyền tiếp cận nhanh chóng với phương thức làm việc trực tuyến, đồng thời tạo sự liên kết chặt chẽ và đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Có thể khẳng định, việc đầu tư và đưa vào vận hành Hệ thống Hội nghị trực tuyến tỉnh đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ góp phần cải cách hành chính, cải tiến phương thức hội họp, tiết kiệm về thời gian, giảm thiểu chi phí mà còn dần đưa các hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền lên môi trường số hóa.

Sở TT&TT Quảng Bình nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh   - Ảnh 3.

Hội nghị trực tuyến tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa

Đặc biệt, hệ thống hội nghị trực tuyến 4 cấp đã sẵn sàng thay thế các cuộc họp trực tiếp trong các tình huống thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hay ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi giao thông cách trở, đảm bảo thông suốt sự chỉ đạo, điều hành của các cấp trong trường hợp khẩn cấp, điều kiện khó khăn không thể tổ chức hội nghị trực tiếp.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan nhà nước

Để đẩy mạnh phát triển chính quyền số, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường hoạt động ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với chương trình cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, trong đó tập trung vào việc phối hợp nâng cấp, hoàn thiện, quản lý, vận hành và đẩy mạnh sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành của tỉnh. Bao gồm: Cổng/Trang thông tin điện tử; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao; Hệ thống thư điện tử công vụ; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; Hệ thống thông tin báo cáo; Cổng điều hành, không gian làm việc số cho cán bộ, công chức; Hệ thống quản lý công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; CSDL dùng chung trên nền thông tin địa lý (quy hoạch xây dựng, đất đai…); Phần mềm tiếp nhận và xử lý phản ánh hiện trường; Phần mềm giám sát thông tin trên môi trường mạng; Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng và phòng chống mã độc tập trung…

Sở TT&TT Quảng Bình nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh   - Ảnh 4.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Ngọc phát biểu tại phiên họp quý II/2024 đánh giá kết quả triển khai hoạt động CĐS và Đề án 06

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được xây dựng tập trung, thống nhất

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được xây dựng tập trung, thống nhất ở tỉnh từ năm 2018. Việc nâng cấp Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh đã đảm bảo duy trì ổn định, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng của hệ thống. Đến nay, Hệ thống được ứng dụng tại tất cả sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã; duy trì kết nối và cung cấp tiện ích "Tra cứu thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư"; có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để triển khai Trợ lý ảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công. 1.175 TTHC của tỉnh đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được xây dựng, tích hợp, liên thông để cung cấp bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh đạt 77,53%. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 58,77%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 88,87%. Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công đạt 93,7%.

Nâng cấp hệ thống thông tin báo cáo tỉnh, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành trong thời đại công nghệ 4.0.

Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh được nâng cấp tổng thể vào năm 2023, theo Dự án chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình. Hệ thống phiên bản mới chính thức đưa vào sử dụng ngày 01/01/2024, đáp ứng đầy đủ chức năng, yêu cầu kỹ thuật; chia sẻ dữ liệu đối với 08/08 chỉ tiêu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện cơ bản thực hiện cập nhật thông tin, số liệu đầy đủ, kịp thời theo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Khung đánh giá và Chế độ báo cáo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Quảng Bình.

Song song với việc cấp tài khoản khai thác, sử dụng các thông tin, số liệu báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội cho cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc theo nhu cầu trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh để phục vụ công tác chuyên môn, Sở TT&TT đã cử đầu mối kỹ thuật tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai, sử dụng. Đồng thời, tổng hợp các phản ánh về vướng mắc trong quá trình thực hiện để tiếp tục hoàn thiện các chức năng, tính năng, tiện ích của hệ thống, đáp ứng nhu cầu mở rộng ứng dụng trong thời gian tới.

Xây dựng Cổng điều hành, không gian làm việc số

Cũng theo Dự án chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung cơ bản của tỉnh được Sở TT&TT triển khai tích hợp vào nền tảng Cổng điều hành, không gian làm việc số, tạo một giao diện đăng nhập tập trung cho cán bộ, công chức, viên chức khi truy cập khai thác, sử dụng các phần mềm chính quyền số. Đến nay, hệ thống đã triển khai ứng dụng tại 16 sở, ban, ngành cấp tỉnh; dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành mở rộng ứng dụng tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

Sở TT&TT Quảng Bình nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh   - Ảnh 5.

Giao diện Cổng điều hành, không gian làm việc số

Những kết quả quan trọng của giai đoạn 1 dự án Chuyển đổi số, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình đã từng bước đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh đó là: phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở dữ liệu, xây dựng các hệ thống, kho, hồ dữ liệu lớn, tin cậy, ổn định phục vụ hoạt động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Thúc đẩy mạnh mẽ việc số hóa, phát triển, làm giàu dữ liệu số, bảo đảm cung cấp dữ liệu cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ trực tuyến. Cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phục vụ chuyển đổi số toàn diện. Tổ chức kết nối, chia sẻ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu, nền tảng số của tỉnh với các bộ, ban, ngành Trung ương để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và chồng chéo.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phát triển hạ tầng số, xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh thời gian tới

Phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được, trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu, tổ chức triển khai, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện theo các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 698 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tinh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, về phát triển hạ tầng số, xây dựng chính quyền số, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, Sở sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng kết nối internet băng rộng chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, chú trọng bảo đảm tại các khu công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, nơi tập trung dân cư mật độ cao; đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ triển khai giải pháp phù hợp đối với 21 bản thuộc 05 xã miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện chưa có điện lưới và chưa có sóng điện thoại di động.

Thứ hai, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và hạ tầng kết nối internet băng rộng, đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; ưu tiên hiện đại hóa hạ tầng số cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp cập nhật, khai thác, sử dụng dữ liệu Chính quyền số và tại Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa các cấp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, tổ chức quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả các hệ thống hạ tầng số dùng chung của tỉnh đã hoàn thành đầu tư mới, hiện đại theo pha 1 của Dự án Chuyển đổi số đến năm 2025, nhất là Trung tâm Dữ liệu điện tử dữ liệu tỉnh, nơi cung cấp dịch vụ máy chủ có năng lực xử lý mạnh và tài nguyên lưu trữ lớn hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ Chính quyền số, đô thị thông minh.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện pha 2 của Dự án Chuyển đổi số đến năm 2025 để xây dựng, hoàn thiện các hệ thống, phần mềm dùng chung quan trọng phục vụ cho Chính quyền số trong giai đoạn trung hạn. Trong đó, sẽ tập trung xây dựng Hệ thống các nền tảng quản lý, phân tích, tổng hợp, tích hợp, chia sẻ, biểu diễn dữ liệu của tỉnh, thúc đẩy kết nối, khai thác, chia sẻ các dữ liệu dùng dùng, chuyên ngành và mở theo hướng chuyển đổi số lấy dữ liệu làm trung tâm (Data-Centric). Đồng thời, nâng cấp tổng thể nền tảng công nghệ cho Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, hoàn thiện tính năng, tiện ích đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trên môi trường mạng.

Thứ năm, tham mưu duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử, Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình; hướng dẫn, hỗ trợ các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh số hóa quy trình, dữ liệu, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; xây dựng, phát triển Trung tâm điều hành thông minh và triển khai các ứng dụng, dịch vụ thông minh cơ bản, thiết thực cho cộng đồng xã hội.

Xác định chuyển đối số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, góp phần cùng toàn tỉnh từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược chuyển đổi số quốc gia đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, sự phát triển bền vững và hạnh phúc của người dân.

banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top