Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, sau 2 năm triển khai, Việt Nam đã có mặt trong số 100 quốc gia trên thế giới triển khai dịch vụ MNP. Việt Nam là nước thứ 4 trong ASEAN triển khai MNP, cũng không quá chậm sau Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Thứ trưởng Phan Tâm cho rằng việc triển khai thành công dịch vụ MNP đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả cơ quan quản lý nhà nước, thị trường dịch vụ viễn thông, nhà mạng. Cụ thể, đối với cơ quan quản lý nhà nước thì việc triển khai MNP có thêm công cụ thúc đẩy cạnh tranh, để chính xác hoá thông tin thuê bao. Qua quá trình triển khai dịch vụ MNP, cơ quan quản lý nhà nước tích luỹ thêm được nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều phối, dẫn dắt các doanh nghiệp viễn thông trong việc triển khai các đề án lớn mang lại lợi ích cho xã hội. Đối với doanh nghiệp viễn thông, việc triển khai MNP có thêm động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với người sử dụng dịch vụ, việc triển khai đã giúp người dùng có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình. Đối với thị trường viễn thông hiện nay, dịch vụ MNP cũng là một trong những kênh để phát triển dịch vụ nội dung số.
Để hướng tới mục tiêu dịch vụ viễn thông đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của người tiêu dùng Thứ trưởng Phan Tâm cũng nhấn mạnh một số nội dung mà Cục Viễn thông, doanh nghiệp viễn thông cần thực hiện trong thời gian tới:
Cục Viễn thông cần phát huy vai trò chỉ đạo điều phối, giám sát chỉ đạo điều phối của cơ quan nhà nước và kịp thời xử lý khó khăn vướng mắc phát sinh và chấn chỉnh các vi phạm; Xem xét đánh giá việc triển khai thực hiện Thông tư 35/2017/TT-BTTTT và đề xuất sửa đổi bổ sung các nội dung cần thiết và tổng hợp đề xuất dựa trên các kiến nghị của các doanh nghiệp.
Cục Viễn thông phải đảm bảo Trung tâm chuyển mạng vận hành trơn tru, không bị gián đoạn, cũng như tiếp tục chuẩn bị các phương án dự phòng cho các tình huống bất khả kháng.
Phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, các cơ quan thông tấn, báo chí để quảng bá dịch vụ, giúp cho xã hội hiểu đúng, rõ hơn về dịch vụ MNP.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tiếp tục tin học hoá, chuyển đổi số để tự động hoá 100% quy trình nghiệp vụ, cho phép các thuê bao đăng ký chuyển mạng thuê bao; Xem xét phối hợp với Cục Viễn thông để xử lý nghiêm các hành vi sai phạm cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ và thực hiện mục tiêu dịch vụ MNP.
Tại Hội nghị, Bộ TT&TT trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích điển hình trong việc triển khai dịch vụ MNP
Theo báo cáo kết quả sau hai năm triển khai dịch vụ MNP: Từ năm 2018 đến ngày 07/12/2020, số thuê bao đăng ký chuyển mạng từ 6.814 thuê bao lên 2.777.582 thuê bao; Số lượt thuê bao đăng ký chuyển mạng từ 14.934 thuê bao lên 6.204.549 thuê bao; Số lượng thuê bao chuyển mạng thành công 1.808 thuê bao lên 1.957.040 thuê bao. Theo đó, tỉ lệ chuyển mạng thành công từ 26,53% lên 92,9%; Tỉ lệ từ chối sai (Thống kê từ 06/2019) từ 3,80% lên 4,49%.
Việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, sau hai năm đã mang lại sự tự do lựa chọn doanh nghiệp di động cung cấp dịch vụ trên cơ sở chất lượng, dịch vụ, loại bỏ rào cản mất số điện thoại hiện có khi chuyển mạng (chuyển nhà cung cấp dịch vụ), đồng thời giúp cho người dùng có thể hưởng lợi ích từ việc cạnh tranh giữa các nhà mạng được thúc đẩy do tác động của MNP cũng như chất lượng dịch vụ được nâng cao, giá cước giảm, nhiều tiện ích và hệ sinh thái dịch vụ đa dạng.
Đối với các doanh nghiệp di động, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số đã tạo nên sân chơi cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp di động. Các doanh nghiệp có thể trực tiếp cạnh tranh thu hút khách hàng (từ nhà mạng khác do thị trường gần bão hòa) trên cơ sở tạo ra những lợi thế về chất lượng dịch vụ, giá cước, chăm sóc khách hàng; Góp phần loại bỏ rào cản gia nhập thị trường đối với doanh nghiệp di động mới do có thêm cơ hội thu hút thuê bao từ nhà mạng khác chứ không phải chỉ phát triển thuê bao mới (như khi chưa có dịch vụ MNP).
Ngoài ra, dịch vụ còn thúc đẩy tính cạnh tranh. Dịch vụ MNP buộc các doanh nghiệp di động phải nỗ lực để giữ chân khách hàng hiện có và thu hút khách hàng mới thông qua việc giảm giá cước, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Đối với những thị trường đã có tính cạnh tranh cao trong đó có vấn đề giá cước, MNP được coi như là một yếu tố góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh hoàn hảo. Đồng thời, mở rộng quy mô và tăng tính bền vững của thị trường, tạo sức ép cạnh tranh sẽ buộc các doanh nghiệp di động mở rộng quy mô mạng lưới và dịch vụ cung cấp, không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể trụ vững trên thị trường./.