Được trường cho nghỉ Tết sớm, Thanh dự định tìm việc làm thêm để phụ gia đình. Sau khi đăng thông tin trên một loạt trang tuyển dụng, giữa tháng 1, cô được một người liên hệ, giới thiệu về công việc "tăng like video cho đối tác". Sau khi được đưa vào một nhóm chat trên Telegram, trưởng nhóm của Thanh giao cho cô 20 nhiệm vụ like video, với thù lao 5.000 đồng mỗi lượt. Nếu nhận thêm nhiệm vụ "đặt đơn hàng", thù lao cho nhiệm vụ ban đầu kia sẽ tăng gấp ba lên 15.000 đồng, cộng với lãi từ 10-30% cho các đơn hàng đã đặt. Với nhiệm vụ thứ hai, cô phải ứng trước số tiền từ 100.000 đến 700.000 đồng cho công ty để chuyển đổi thành tài khoản trên một website. "Ngày đầu tiên tham gia đã lời gần một triệu đồng, trả thẳng về tài khoản. Đó là số tiền lớn đầu tiên tôi kiếm được", Thanh kể. Giữ hy vọng đó, đến ngày thứ hai, Thanh được trưởng nhóm trao cho nhiều "cơ hội" hơn, nhưng cũng yêu cầu số tiền lớn hơn, trong đó có nhiệm vụ nộp hàng chục triệu đồng. Nghĩ đến tiền lãi có thể thu về, cô quyết định theo tiếp. Để làm nhiệm vụ, Thanh dùng hết khoản lãi của ngày hôm trước, thêm ba triệu tiền tiết kiệm hiện có và vay bạn bè để đóng cho hệ thống. Tuy nhiên lúc này, các nhiệm vụ "đặt đơn hàng" trở nên phức tạp, yêu cầu nhiều thao tác hơn, trong khi thời gian rút ngắn. Một lần, lấy lý do cô thao tác sai, hệ thống khóa tài khoản. Cô sau đó được trưởng nhóm hướng dẫn "làm bù", bằng cách thực hiện nhiệm vụ với số tiền lớn hơn. Tiếc số tiền gốc và lãi sắp được nhận, Thanh chấp nhận chuyển tiền như yêu cầu, trong đó lần nhiều nhất là 28 triệu đồng. Đến khi muốn rút tiền, cô tiếp tục bị cho là chưa hoàn thành nhiệm vụ và được yêu cầu nộp 55 triệu đồng. Lúc này, Thanh không còn khả năng nộp và bắt đầu nhận ra mình có thể bị lừa. Chưa đầy hai ngày, cô đã chuyển tổng cộng cho họ gần 50 triệu đồng, phần lớn là tiền đi vay. "Tiếc tiền và khó chịu vì mình đã cực kỳ cảnh giác mà vẫn bị lừa. Tết này tôi sẽ quay lại TP HCM sớm để vừa học vừa kiếm tiền trả nợ", Thanh nói. Tương tự Thanh, Ngọc Duy, sinh viên năm hai của một trường Đại học tại Hà Nội, hiện chưa dám về nhà vì khoản nợ gần 20 triệu đồng sau khi làm cộng tác viên online. Duy cho biết đó là số tiền cậu vay từ gia đình, với mong muốn kiếm thêm và có thể trả cả gốc lẫn lãi trước khi về quê ăn Tết. Tuy nhiên, sau một lần làm "cộng tác viên online", số tiền trên gần như không còn khả năng lấy lại. Không dừng ở đó, Duy cho biết để thực hiện nhiệm vụ, cậu được hệ thống yêu cầu xác minh danh tính bằng cách gửi thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại, email. "Vừa lo gia đình hỏi về khoản tiền lớn, vừa lo thông tin cá nhân có thể khi sử dụng vì mục đích xấu, tôi chẳng còn tâm trạng nào cho Tết", Duy kể. Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết từ đầu tháng 1 tới nay, dự án nhận được hàng chục báo cáo từ các nạn nhân là sinh viên bị lừa khi làm cộng tác viên online. "Phần lớn đều là người lần đầu đi làm. Họ không có tiền, ít kinh nghiệm nên dễ bị dụ dỗ vào những việc như vậy", ông nói. Ngoài ra, người muốn kiếm thêm tiền dịp Tết hầu hết không quá dư dả. Số tiền nộp cho hệ thống phần lớn phải đi vay. Theo ông Hiếu, mặc dù hình thức lừa đảo "làm cộng tác viên" không mới, chúng liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Trong số những người bị lừa, có cả sinh viên công nghệ thông tin, vốn tiếp xúc với môi trường mạng từ lâu. Trên một nhóm có tên Kiếm tiền online miễn phí trên Facebook, mỗi ngày liên tục có hàng chục bài viết tuyển dụng, với công việc khác nhau như: like video, tăng view livestream, tạo email, hỗ trợ duyệt thành viên, đặt đơn hàng... cùng những lời giới thiệu như "có thể làm tại nhà", "mỗi ngày làm 30 phút", "chỉ cần có điện thoại là làm được". Mỗi bài viết như vậy thu hút vài trăm bình luận ứng tuyển. Theo ông Hiếu, kịch bản chung của thủ đoạn là dụ dỗ người dùng vào cộng đồng bằng công việc đơn giản, mức thù lao hậu hĩnh. Thời gian đầu, kẻ gian sẽ thả mồi bằng cách trả đầy đủ gốc và lãi cho người dùng. Nhưng sau đó, mức tiền nạp vào ngày càng tăng cùng thủ đoạn dụ dỗ, dọa dẫm để nạn nhân làm theo. Cuối cùng, khi số tiền đủ lớn, hệ thống sẽ "sập", hoặc lấy cớ nạn nhân vi phạm để không cho rút tiền, thậm chí yêu cầu nạp thêm nếu muốn lấy. Chuyên gia của dự án Chống lừa đảo cũng cho biết, các tài khoản đứng sau đều là tài khoản ẩn danh, dùng ảnh giả, giấy tờ giả nên nạn nhân gặp khó khăn khi muốn truy cứu. Trong trường hợp của Thanh, cô tự nhận là người luôn cẩn thận trong các khoản chi. Nhưng đến nay khi nhớ lại, Thanh cho biết khi được đưa vào đường dây, cô dường như bị "thao túng tâm lý". Tác động từ việc liên tục bị thúc ép chọn nhiệm vụ trong thời gian ngắn, lo lắng mất số tiền đã nạp, đồng thời có một số "chim mồi" là các thành viên khác trong nhóm khoe làm nhiệm vụ thành công, cô bị tác động và làm theo yêu cầu. "Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ và tăng tiền, tôi luôn được yêu cầu vào nhóm nói cảm ơn. Có thể tôi cũng vô tình trở thành chim mồi để lừa người mới", Thanh kể. Từ cuối tháng 12/2022, Bộ Công an đã gửi tin nhắn cảnh báo đến người dân về những chiêu lừa đảo nở rộ dịp trước Tết, trong đó có ba thủ đoạn được nhắc đến gồm: lừa tuyển cộng tác viên, lừa đảo mạo danh tổ chức, hoặc lừa đảo mạo danh các cơ quan thực thi pháp luật. Trong cả ba trường hợp, kịch bản chung là người dùng sẽ phải nộp tiền vào các dịch vụ với số tiền tăng dần, hoặc cung cấp thông tin số tài khoản, thông tin cá nhân cho kẻ gian. Theo khuyến cáo của Bộ, người dân cần cảnh giác không tham gia hoạt động như làm cộng tác viên online nhưng phải nộp tiền tạm ứng, đăng nhập thông tin vào trang mạng không chính thức. Các chuyên gia bảo mật khuyến nghị người dùng có thể cài các tiện ích giúp phát hiện tên miền lừa đảo trên trên điện thoại hoặc trình duyệt.