PV: Chào Uyên! Chúc mừng Uyên đã đạt thành tích cao trong cuộc thi Thử thách An ninh mạng Quốc tế 2022. Uyên có thể chia sẻ với độc giả của Tạp chí An toàn thông tin về cơ hội nào giúp Uyên trở thành một trong các thành viên của đội tuyển đại diện châu Á tham dự cuộc thi hay không?
Sinh viên Hồ Huỳnh Thanh Uyên: Thời điểm đó em cùng đội tuyển sinh viên với an toàn thông tin của Học viện Kỹ thuật mật mã đang tập trung ôn luyện để tham dự các cuộc thi về bảo mật và an toàn thông tin. Đây là hoạt động thường xuyên của Học viện Kỹ thuật mật mã, giúp tìm kiếm các hạt nhân trẻ có tài năng trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin, từ đó bồi dưỡng, rèn luyện đưa đi tham dự các cuộc thi trong nước và quốc tế nhằm cọ sát, trau dồi kinh nghiệm.
Khi thấy tổ chức bảo mật VNSEC đưa thông tin về cuộc thi Asian Cyber Security Challenge 2021 - giải CTF cấp Châu Á để tuyển chọn đội tuyển cho ICC 2022, em cùng cả đội đã đăng ký tham gia với tinh thần học hỏi là chính, bởi cuộc thi này là nơi quy tụ nhiều tài năng, là sân chơi cho các bạn trẻ có niềm đam mê trong lĩnh vực an toàn thông tin. Sau khi kết thúc cuộc tuyển chọn, rất may mắn em đã được chọn là một trong ba thành viên tham gia ICC 2022 đến từ Việt Nam.
PV: Có thể thấy thực sự không dễ dàng để trở thành thành viên của đội Châu Á đại diện tham dự cuộc thi, vậy Uyên có thể chia sẻ những khó khăn gặp phải khi tham gia ICC 2022?
Sinh viên Hồ Huỳnh Thanh Uyên: Em thì không gặp trở ngại nào lớn trong cuộc thi. Tuy nhiên, do là một cuộc thi quốc tế nên cả đội giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh. Trong khi đó tiếng Anh không phải là ngôn ngữ phổ thông của đa số các nước trong khu vực Châu Á và khả năng của mỗi người mỗi khác nên việc giao tiếp cũng có một số trở ngại nhỏ, nhưng tổng thể thì cả đội vẫn phối hợp rất ăn ý. Còn về mọi thứ từ việc xin visa Hy Lạp đến sinh hoạt và tham gia cuộc thi đều diễn ra thuận lợi và suôn sẻ.
PV: Uyên có cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được trong cuộc thi vừa qua hay không?
Sinh viên Hồ Huỳnh Thanh Uyên: Về kết quả thì em thấy hơi tiếc một chút thôi khi đội của mình xếp hạng Nhì chung cuộc. Nhưng trên hết em đã được giao lưu, kết nối với các tài năng trẻ khác đến từ khắp nơi trên thế giới, đồng thời học hỏi kinh nghiệm cũng như trau dồi thêm kiến thức về an toàn thông tin. Đặc biệt thông qua lần tham dự cuộc thi ICC 2022 này, em đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò và trách nhiệm của chính bản thân trong việc phát triển cũng như mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa trong lĩnh vực an toàn thông tin.
PV: Sau khi tham dự cuộc thi ICC 2022 và đạt thứ hạng cao, Uyên có thể bật mí với Tạp chí cũng như bạn đọc về mục tiêu sắp tới của bản thân?
Sinh viên Hồ Huỳnh Thanh Uyên: Mục tiêu sắp tới của em là tập trung vào việc tìm và nghiên cứu lỗ hổng ứng dụng Web/Mobile, vì đây là các nền tảng được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Về CTF thì em sẽ ít hoạt động hơn, chủ yếu tham gia CTF khi có thời gian ngoài giờ. Em sẽ luôn sẵn sàng để học hỏi, trao đổi kiến thức hoặc chia sẻ kinh nghiệm với các bạn khác có mong muốn tìm hiểu, phát triển trong lĩnh vực an toàn thông tin.
PV: Thật thú vị khi biết định hướng con đường tương lai của Uyên là trở thành một nhà nghiên cứu bảo mật. Uyên có lời khuyên hay kinh nghiệm nào có thể chia sẻ cho các bạn sinh viên khác cũng đang có có cùng mục tiêu?
Sinh viên Hồ Huỳnh Thanh Uyên: Có thể nói bản thân em cảm thấy rất may mắn khi là sinh viên của Phân hiệu Học viện Kỹ thuật mật mã tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy Phân hiệu mới thành lập, nhưng với kinh nghiệm hơn 15 năm đào tạo về lĩnh vực an toàn thông tin của Học viện Kỹ thuật mật mã và được sự quan tâm của ban giám hiệu nhà trường, ngay từ khi bắt đầu em cũng như các bạn sinh viên khác đã có cơ hội tham gia nhiều cuộc thi và phong trào về an toàn thông tin do nhà trường tổ chức và phát động. Điều này đã tạo cho em cơ hội để phát triển cũng như động lực học tập, nghiên cứu về lĩnh vực này.