ảnh minh họa
Tại Hội thảo, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Trên cơ sở các ý kiến đóng góp; Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, chỉnh lý và hoàn thiện Thông tư này. Dự thảo Thông tư đã nêu những quy định cụ thể về việc thực hiện địa điểm cấm hút thuốc lá; các vị trí phải đặt biển báo cấm hút thuốc... là các vấn đề nhận được sự quan tâm, thảo luận của các đơn vị, chuyên gia.
Theo đó, Dự thảo Thông tư đã nêu cụ thể những địa điểm cấm hút thuốc lá gồm: Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên; các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà; phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn; địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá; đồng thời khuyến khích việc cấm hút thuốc lá trong xe hơi tư nhân; cấm hút thuốc lá hoàn toàn đối với địa điểm công cộng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.
Thông tư cũng yêu cầu chung đối với địa điểm cấm hút thuốc lá phải có biển chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá.
Cụ thể, biển cấm hút thuốc lá phải bảo đảm các yêu cầu như: Có thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ; được in trên chất liệu bền, khó phai; biển đặt ngoài trời phải chịu được tác động của môi trường bên ngoài; kích thước, cỡ chữ biển phù hợp với vị trí, không gian đặt biển; chữ in đậm, dễ đọc, màu chữ tương phản với màu nền; biển đặt tại địa điểm công cộng trong điều kiện không đủ ánh sáng phải có phản quang hoặc được chiếu sáng.
Việc bố trí, đặt biển phải bảo đảm có đủ số lượng biển cần thiết, ưu tiên đặt biển ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy, khu vực có nhiều người qua lại; tối thiểu phải đặt ở cổng, cửa ra vào, sảnh trước, khu vực tiếp đón, ghế chờ, các tầng của cầu thang bộ và sảnh thang máy, ban công, hành lang có mái che, nhà để xe...
Bên cạnh đó, đối với địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên cũng có những yêu cầu riêng.
Đặc biệt, nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải đáp ứng các yêu cầu như: Có biển khu vực được hút thuốc lá; phòng dành riêng cho người hút thuốc lá có diện tích tối đa 15 mét vuông; bảo đảm là phòng riêng biệt, không sử dụng chung hệ thống thông khí, hệ thống điều hòa với các phòng, khu vực không hút thuốc lá; không có lỗ thông khí sang các phòng không hút thuốc lá. Không mở cửa ra vào, cửa sổ sang được phòng khác; không mở thông khí ra hành lang chung của khu vực cấm hút thuốc lá; có các vật dụng để chứa mẩu thuốc lá, tàn thuốc lá ở nơi dành riêng cho người hút thuốc lá; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy…
Chia sẻ kinh nghiệm thực thi môi trường không khói thuốc của quốc tế, Ths. Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá (Hoa Kỳ) cho biết: “Các nước trong khu vực như: Singapore, Hong Kong… cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng, tập trung đông người. Ở các quốc gia này, đối với những nơi được phép hút thuốc, cũng quy định rất chặt chẽ và cụ thể về biển báo, diện tích… Đơn cử như tại Singapore, các khu vực được phép hút thuốc không được đặt tại các lối đi chính, lối đi chung mà được bố trí ở một khu vực riêng biệt với diện tích không quá 20 mét vuông. Tại các khu vực này, cơ sở vật chất cũng đặt ở mức tối thiểu, không có ghế ngồi và trưng bày các sản phẩm truyền thông, đường dây nóng kêu gọi người hút bỏ thuốc… Đối với Việt Nam, để thực hiện tốt cần có sự tập huấn nâng cao về năng lực thanh kiểm tra tại các cấp các ngành, thực thi Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”.
Theo ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, thống kê cho thấy, mỗi năm thế giới có tới 890.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động; trong đó 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. Đặc biệt hút thuốc thụ động có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của cả trẻ em và người trưởng thành, gây ra các bệnh như: Ung thư, đột quỵ, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn…
Theo đó, việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều lợi ích, trong đó lợi ích trực tiếp như: Cải thiện chất lượng không khí các khu vực trong nhà; giảm các triệu chứng do tiếp xúc với khói thuốc thụ động; môi trường không khói thuốc giảm số ca nhồi máu cơ tim… Bên cạnh đó, tác động gián tiếp được kể đến như người dân giảm hút thuốc và tăng tỷ lệ bỏ thuốc lá.