Tàu của Hải đội 2, BĐBP Quảng Nam lai dắt tàu bị nạn vào đất liền. Ảnh: Hồng Anh
Quản lý địa bàn có hơn 200 phương tiện đánh bắt xa bờ, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, BĐBP Quảng Nam luôn xác định, việc trở thành “điểm tựa” vững chắc cho ngư dân bám biển, vươn khơi phải bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Sự ra đời của mô hình “Tổ tàu thuyền đoàn kết” ở cửa khẩu cảng Kỳ Hà là một điển hình như thế. Những ngày này, không khí ở cửa biển An Hòa thuộc địa phận xã Tam Quang và Tam Hải, huyện Núi Thành khá nhộn nhịp với những chiếc ghe thuyền ra vào bến tấp nập để trao đổi mua bán hải sản.
Anh Võ Công Thái, ở xã Tam Quang, cho biết: “Năm 2016, tôi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà vận động tham gia vào đội tàu thuyền tự quản. Theo đó, cứ khoảng 4-5 thuyền vào một tổ, mỗi tổ có một kênh thông tin liên lạc, hỗ trợ nhau khi cần. Bản thân tôi thấy, từ khi tham gia “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, nhờ có sự chia sẻ thông tin giữa các tàu mà mở rộng được ngư trường đánh bắt. Khi tàu xảy ra sự cố, chúng tôi hỗ trợ nhau sửa chữa, lai dắt”.
Anh Thái cũng cho biết thêm, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà không chỉ thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không vi phạm vùng biển nước ngoài mà trước mỗi chuyến đi biển dài ngày, anh đều được các cán bộ, chiến sĩ tới thăm hỏi, động viên và cung cấp những thông tin liên quan đến ngư trường mà tàu của anh sắp tới, hướng dẫn ngư dân cách kết nối thông tin liên lạc, cách xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm. Chính điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho anh cũng như những ngư dân khác trước mỗi chuyến ra khơi.
Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP Quảng Nam thăm hỏi, động viên ngư dân Quảng Nam gặp nạn trên biển. Ảnh: Hồng Anh
Trung tá Võ Viết Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết, các tàu đánh bắt xa bờ luôn là “tai mắt”, “cánh tay nối dài” của BĐBP. Trong quá trình làm ăn trên biển, ngư dân đã cung cấp hàng nghìn thông tin phục vụ kịp thời công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến nay, tất cả các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn đều được cấp, lắp đặt các máy định vị và máy thông tin. Các tàu thường xuyên thông tin đăng ký tần số, trao đổi thông tin với trạm bờ của đồn Biên phòng. Đối với các ngư dân đi biển, mối quan tâm nhất chính là những thông tin về tình hình thời tiết trên biển, chính vì vậy, việc trang bị và đầu tư các máy móc thông tin cho các tổ tàu thuyền giữ vai trò quan trọng.
Ngoài ra, tại các trạm kiểm soát của đồn luôn có cán bộ trực canh 24/24 giờ để kịp thời nắm bắt tình hình trên biển và ứng cứu ngư dân mỗi khi gặp nạn. Trước sự diễn biến phức tạp của thời tiết, đơn vị chủ động, tích cực xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; tổ chức diễn tập đưa ra các tình huống giả định khác nhau, sát với tình hình thực tế; tập trung huy động sức mạnh của các lực lượng, phương tiện ứng cứu theo đúng tinh thần phương châm “4 tại chỗ”, thể hiện vai trò xung kích của lực lượng vũ trang địa phương trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.
Nếu như Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà là “điểm tựa” để ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi thì Hải đội 2, BĐBP Quảng Nam lại được coi là “bạn đồng hành” của ngư dân trên biển. Sở hữu đội tàu luôn sẵn sàng xuất kích khi có yêu cầu, những năm qua, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Hải đội 2 còn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi ngư dân lao động trên biển.
Điển hình, vào cuối tháng 4-2018, tàu cá QNa 90749 TS do ông Huỳnh Quốc Việt, trú tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, làm thuyền trưởng khi đang khai thác ngoài khơi, gặp thời tiết biển động, gió to, sóng lớn khiến tàu bị chết máy và trôi dạt trên biển. Ngay sau khi nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam đã chỉ đạo Hải đội 2 điều tàu BP 43-11-01 cùng 8 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương lên đường tổ chức ứng cứu tàu bị nạn. Mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, sóng to, gió lớn, tàu BP 43-11-01 tổ chức khoanh vùng, rà soát và tìm kiếm liên tục. Sau hơn 3 giờ, Hải đội 2 đã tiếp cận thành công tàu gặp nạn và hỗ trợ lương thực, y tế cho các thuyền viên và lai dắt tàu về cảng an toàn.
Với đặc thù là thực hiện nhiệm vụ trên biển, trong thời tiết khắc nghiệt, việc huấn luyện cho bộ đội các kỹ năng bơi lội, cứu chữa người bị nạn trên sông, trên biển là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình huấn luyện hàng năm của Hải đội 2, BĐBP Quảng Nam. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều thuần thục các kỹ thuật bơi cơ bản, bơi nâng cao, bơi cứu người bị nạn..., kết hợp với đó là các bài tập tạo sức bền thể lực giúp bộ đội chống chọi với sóng to, gió lớn khi làm nhiệm vụ.
Trước tình hình mưa bão diễn biến ngày càng phức tạp, nhằm nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai, các cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 luôn chú trọng rèn luyện kỹ năng xử lý các tình huống, cứu hộ, cứu nạn, nhất là trong điều kiện mưa bão, lũ lụt, sạt lở vùng ven biển... Việc sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm, giúp hỗ trợ cao nhất trong “cuộc chiến” với mưa bão.
Để những con tàu luôn sẵn sàng ra khơi, Hải đội 2, BĐBP Quảng Nam còn thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng tàu thuyền, vũ khí trang bị kỹ thuật và các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn có trong biên chế. Ngày, giờ công tác kỹ thuật được thực hiện có nền nếp, mọi hư hỏng hoặc sự cố về kỹ thuật đều được phát hiện, sửa chữa kịp thời, công tác bảo quản tàu thuyền, chống hơi mặn cho vũ khí, trang bị, khí tài được chú trọng, bảo đảm hệ số kỹ thuật cao nhằm sẵn sàng xuất bến làm nhiệm vụ khi có yêu cầu và đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.