Thông tin trên được ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” ngày 7/11.
Ông Đức cho biết, hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam phát triển rất nhanh trong những năm trở lại đây, nếu như năm 2017 chỉ có khoảng 40 công ty thì hiện đã lên đến khoảng 150 công ty với đầy đủ lĩnh vực, nhiều nhất là trong lĩnh vực trung gian thanh toán. “Hiện 66% người dân vẫn sinh sống ở nông thôn và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc với ngân hàng truyền thống. Vì thế, sự phát triển của Fintech sẽ hỗ trợ người dân vùng sâu vùng xa qua các kênh như Internet và di động”, ông Đức nói.
Ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu của cơ chế thử nghiệm Fintech nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ chưa được cấp phép.
Tuy nhiên, ông Đức cũng thừa nhận đang tồn tại một khoảng trống pháp lý đối với Fintech. Đầu tiên là thể chế quản lý hoạt động Fintech chưa được đề cập tại bất cứ văn bản pháp lý cụ thể nào. Tiếp theo, chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ xử lý căc vấn đề liên quan đến hoạt động của Fintech.
Bên cạnh đó, ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, các hoạt động Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý. Rào cản cuối cùng là các quy định pháp lý hiện hành liên quan tới hoạt động nghiệp vụ của các tổ chức tín dụng chưa cho phép áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán như xác thực khách hàng từ xa. “Xây dựng sandbox cho lĩnh vực Fintech là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của CMCN 4.0, đặc biệt trong ngắn hạn khi chưa thể ngay lập tức xây dựng được một khung pháp lý tổng thể”, ông Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cho rằng, trên thế giới đang có 2 luồng quan điểm, quan điểm đầu tiên ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương như Singapore, đó là ủng hộ cơ chế sandbox vì giúp các công ty Fintech có thời gian thử nghiệm mô hình và đánh giá có an toàn hay không. Quan điểm thứ 2 là ở các nước châu Âu, họ quản lý lĩnh vực Fintech bằng các quy định chặt chẽ vì cho rằng điều đó sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng. “Hiện đã có 33 quóc gia ban hành cơ chế sandbox cho Fintech và sẽ tăng lên trong thời gian tới vì một số nước đang nghiên cứu, trong đó có Việt Nam”, ông Đức cho biết thêm.
Tại Việt Nam, từ năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech và trình Chính phủ từ tháng 5/2019. Trong đó, cơ chế nhằm mục tiêu thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hoá lĩnh vực hoạt động ngân hàng, qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân; tạo môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý; hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ Fintech chưa được cấp phép chính thức.
Phạm vi điều chỉnh của cơ chế thử nghiệm Fintech là hướng đến các mô hình/giải pháp công nghệ tài chính được tổ chức Fintech cung ứng; giải pháp công nghệ được ứng dụng hoặc hỗ trợ trong các hoạt động ngân hàng được quy định tại Luật các tổ chức tín dụng (nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản).
Tuy nhiên, các Fintech để được thử nghiệm cần đáp ứng những yêu cầu: là giải pháp sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc giải pháp được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao; là giải pháp đã được công ty Fintech hoặc tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp đánh giá phù hợp và chính xác chức năng, công dụng và tính hữu ích; là giải pháp có tính khả thi và tính thương mại cao, có kế hoạch cung ứng ra thị trường cụ thể sau khi thử nghiệm; là giải pháp mà hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh.
Cuối cùng, trong quá trình xây dựng và triển khai cơ chế, ông Đức cho biết đã gặp phải rất nhiều thách thức. Bởi Fintech là lĩnh vực mới, biến đổi không ngừng nên Ngân hàng Nhà nước khó xác định phạm vi dịch vụ cũng như tiềm ẩn rủi ro chưa thể dự đoán, ảnh hưởng tới niềm tin và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. “Sự gia tăng không ngừng của các dịch vụ xuyên biên giới và lợi dụng cho những mục đích phi pháp như rửa tiền, tài trợ khủng bố… cũng là thách thức đối với chúng tôi”, ông Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn có nhiều thách thức khác như: chưa có khuôn khổ về thể chế quản lý dẫn đến cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành còn vướng mắc; khó khăn trong việc xác định điều kiện và tiêu chuẩn khi thẩm định đơn vị tham gia sandbox; hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý vì Fintech, blockchain, AI… là những công nghệ mới.