Lần đầu tiên được tổ chức tại Đồng Tháp, Diễn đàn thu hút trên 350 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã, làng nghề, các tổ chức xúc tiến thương mại và các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của 32 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự.
Với thế mạnh sàn TMĐT thuần Việt, định hướng phát triển thành sàn TMĐT chuyên biệt về nông sản, Postmart.vn cam kết sẽ nhanh chóng đưa toàn bộ các sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL và các sản phẩm OCOP trên cả nước lên môi trường số. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP và nông sản, đặc sản vùng miền đến đông đảo người tiêu dùng, hiện thực hóa mục tiệu đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên nền tảng số. Thông qua những tiện ích ở cả phiên bản web và mobile app, Postmart.vn đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp tham gia diễn đàn tiếp cận, nghiên cứu và triển khai các bước phối hợp đưa sản phẩm lên sàn ngay sau khi kết thúc diễn đàn.
Tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP" và Hội thảo "Định hướng phát triển thị trường nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại vùng ĐBSCL”, Đại diện Bưu điện Việt Nam - đơn vị sở hữu và phát triển sàn TMĐT Postmart.vn cho biết: TMĐT trong nước và thế giới đang đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng đã hoàn toàn thay đổi, chuyển dịch từ các phương thức mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến qua nền tảng số.
Sàn TMĐT Postmart.vn hiện đang có hơn 400.000 HTX, nhà cung cấp, trên 50.000 mặt hàng nông sản được đưa lên để tiếp cận đông đảo khách hàng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó đội ngũ Postmart.vn cũng đang tăng cường phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương tổ chức truyền thông, đào tạo cho người nông dân những kỹ năng số nhằm tạo thói quen mua-bán hàng hóa trên sàn TMĐT một cách thuần thục. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi hành vi, nhận thức của người dân nhất là người dân nông thôn về chuyển đổi số và TMĐT.
“Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước Postmart.vn đã và đang hiện thực hóa khát vọng đưa nông sản Việt ra thế giới thông qua mạng lưới Logistics và lợi thế doanh nghiệp Bưu chính quốc gia đại diện Việt Nam tham gia liên minh Bưu chính thế giới (UPU). Với lợi thế về mạng lưới và hệ sinh thái công nghệ số hiện đại như bản đồ số VMAP, địa chỉ số, sàn TMĐT Postmart.vn, ứng dụng thanh toán toán điện tử Postpay…, Bưu điện Việt Nam sẽ mang đến các giải pháp tối ưu trong số hóa giao thương sản phẩm OCOP và nông sản của ĐBSCL”, đại diện Vietnam Post chia sẻ thêm.
Ngay sau Diễn đàn, đã có 75 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của riêng tỉnh Đồng Tháp có mặt trên sàn TMĐT Postmart.vn. Bên cạnh đó các sản phẩm OCOP của 12 tỉnh còn lại của khu vực ĐBSCL cũng sẽ được nhanh chóng đưa lên Postmart.vn trong tháng 5 tới đây.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, tại Hội nghị "Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL với các nhà thu mua và xuất nhập khẩu", đại diện Bưu điện Việt Nam đã giới thiệu và trao đổi về năng lực Logistics và kinh nghiệm triển khai xuất khẩu nông sản trong những năm qua của doanh nghiệp bưu chính quốc gia hàng đầu với đa dạng dịch vụ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; trong đó nổi bật là xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ tham tán nông nghiệp tại các quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa nông sản Việt ra thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Bưu điện Việt Nam đã triển khai xuất khẩu thành công nhiều loại nông sản tươi như chuối, sầu riêng sang Hà Lan, đồng thời là đầu mối thương mại xuất khẩu tới các quốc gia trong khu vực EU.
Song song với việc xuất khẩu các mặt hàng tươi, Bưu điện Việt Nam cũng kết nối xuất khẩu các mặt hàng đông lạnh, sấy khô và các loại đồ khô, gạo đến các thị trường mục tiêu như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Đơn vị đã lên kế hoạch kỹ lưỡng xuất khẩu các mặt hàng phù hợp với từng thị trường. Với Mỹ, chúng tôi tập trung vào các loại trái cây tươi và trái cây chế biến. Tại Nhật Bản, chủ yếu là vải thiều, xoài, sầu riêng cũng như các loại trái cây thế mạnh của Việt Nam. Theo lộ trình phát triển bền vững của mình, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển hướng dần sang chế biến các mặt hàng nông sản chất lượng cao thay vì xuất khẩu thô để nâng cao hiệu quả kinh tế về lâu dài”, đại diện Bưu điện Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị.
Cùng với đó, Bưu điện Việt Nam cam kết cung cấp giải pháp logistics tối ưi cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối vận chuyển nội địa đến các cảng biển, cảng sông, vận chuyển xuyên biên giới qua đường biển và đường hàng không với mức giá cạnh tranh nhất.
Tại Hội nghị, đơn vị cho biết sẽ thắt chặt sự phối hợp với các cơ quan quản lý tại địa phương, các Sở, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để tiến cận các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy hải sản trên địa bàn khu vực ĐBSCL để cung cấp các giải pháp vận chuyển tối ưu, an toàn, cạnh tranh, tăng thuận tiện, góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19, đưa các sản phẩm chủ lực khu vực ĐBSCL ra thế giới.