TX dịch vụ nông, lâm nghiệp Yên Nhân (Thanh Hóa) đã nhanh chóng tiếp cận với quy trình chuyển đổi số khi đưa sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao lên sàn thương mại điện tử như PostMart, thông qua ứng dụng thương mại điện tử... HTX đã tiêu thụ được khoảng 400 lít mật ong/tháng, doanh thu khoảng 80 triệu đồng/tháng.
Hay như sản phẩm chè của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc (Phú Thọ) đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để mở rộng thị trường, HTX vừa thực hiện bán hàng trên website: chelongcocphutho.vn, trên các sàn thương mại điện tử và trên Zalo, Facebook. Cách làm này đã giúp HTX mở rộng khách hàng, đại lý, kênh phân phối trên cả nước. Trung bình mỗi năm, HTX bán khoảng 70 - 80 tấn chè tươi; 10 - 12 tấn chè khô thông qua hình thức này.
Cũng giống như các ngành nghề khác, nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP của các HTX đang tiếp bước và phát triển mạnh dịch vụ bán online trong thời kỳ dịch bệnh.
Hình thức bán hàng online tuy không mới, nhưng đối với các HTX sản xuất và kinh doanh những sản phẩm OCOP là cả một quá trình bởi sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng và bị bó hẹp theo vùng miền. Muốn để nhiều người biết đến, chỉ có thể áp dụng kinh doanh trên nền tảng số mới giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), đã có 45,6 triệu người Việt (gần bằng 50% dân số) từng mua hàng online. Cùng với đó là thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng trưởng ấn tượng với mức 18%, quy mô đạt gần 12 tỷ USD, ước đạt 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2025, quy mô ngành thương mại điện tử sẽ còn tăng trưởng mạnh, đạt mức 35 tỷ USD.
Những số liệu trên cho thấy tiềm năng to lớn của việc kinh doanh trong môi trường số hiện nay và các chủ thể sản xuất và kinh doanh mặt hàng OCOP vẫn còn thị phần trong “miếng bánh” thương mại điện tử. Điều quan trọng là các chủ thể, đặc biệt là các HTX có nắm bắt được cơ hội này hay không? Bởi theo các chuyên gia, thương mại điện tử ngày nay là một trong những công cụ trực tuyến có thể giúp các HTX phát triển và mở rộng quy mô ra toàn cầu. Nhưng ngược lại, nó cũng có không ít khó khăn đòi hỏi các HTX phải vượt qua.
Thống kê cũng cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân khiến các đơn vị bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội không trụ vững sau một thời gian hoạt động. Trong đó, sản phẩm kém chất lượng chiếm 83%, dịch vụ chăm sóc khách hàng kém chiếm 47%, khách hàng lo ngại tin cá nhân bị tiết lộ chiếm 43%, giá cả đắt hơn mua trực tiếp chiếm 37%; dịch vụ vận chuyển kém 36%.
Chia sẻ về điều này tại chuyên đề hướng dẫn quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong môi trường số do Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức ngày 28/10, bà Ngô Thị Ngọc Ánh (công ty cổ phần giải pháp KYC) cho biết, những lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở bởi khách hàng không được xem sản phẩm trực tiếp trước khi thanh toán. Những sản phẩm tươi, đông lạnh nếu không bảo đảm được khâu vận chuyển thì rất khó đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo hàng hóa giữ được chất lượng.
“Những khó khăn này buộc bản thân các HTX phải vượt qua và HTX cũng hoàn toàn có thể tự hoàn thiện để đứng vững khi tham gia thị trường thương mại điện tử”, bà Ngô Thị Ngọc Ánh chia sẻ.
Về phía HTX, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ thương mại Thụy Hương (Hà Nội) cho biết sản phẩm gạo của HTX có đặc thù là người tiêu dùng cần sử dụng ngay và có thể mua bất cứ chỗ nào nên việc bán sản phẩm này qua các sàn thương mại điện tử phải đầu tư chỉn chu, chuyên nghiệp mới có thể thu hút được khách hàng và mở rộng được các đại lý.
“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, các HTX có vô vàn lựa chọn để có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trên môi trường điện tử.
Một trong những phương thức quen thuộc và cũng được nhiều HTX áp dụng đó là bán hàng qua website. Tuy nhiên theo chia sẻ của bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy (Bắc Kạn), việc bán hàng qua website hiện rất khó thu hút khách hàng vì hai năm gần đây, các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội phát triển rất mạnh.
Đồng tình với chia sẻ của bà Nhung, ông Nguyễn Khánh Toàn (CEO công ty cổ phần giải pháp KYC) cho biết hiện chỉ những doanh nghiệp lớn như thế giới di động, FPT shop… là đang kinh doanh hiệu quả trên website. Vì để thu hút được khách hàng, việc đầu tư cho website cần nguồn vốn lớn, nguồn nhân lực hùng hậu. “Điều này thì các chủ thể là các HTX, tổ hợp tác cần có thời gian để hoàn thiện”, ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết.
Tương tự như bán hàng trên các website, bán qua app, super app như Grab, shopee food (now)… cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị. Tuy nhiên, theo nghiên cứu chi phí đầu tư vào các app này khá cao, chiếm 20-25%. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của HTX nếu đầu tư bán hàng theo hình thức này.
Tuy nhiên, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử thì lại khác. Ưu điểm của kênh bán hàng này là chi phí vận hành gian hàng không quá lớn, chỉ chiếm khoảng 8-12%. HTX chỉ cần tập trung vào bảo đảm chất lượng, đóng hàng, giao hàng và làm sao để có sản phẩm phổ biến, đa dạng nhằm thu hút khách hàng.
Nghiên cứu cho thấy, các trang thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… vào những ngày cao điểm có đến 30-40 triệu lượt người ghé thăm. Riêng Shopee, vào ngày lễ hội giảm giá 12/12 năm 2019, sàn thương mại này đã bán được 12 triệu sản phẩm và cũng ngày này vào năm 2020, sàn này đã bán được 70 triệu sản phẩm. Theo các chuyên gia, HTX có thể nắm bắt thế mạnh từ các sàn thương mại điện tử để liên kết đầu tư các gian hàng về sản phẩm OCOP một cách chuyên nghiệp.
Nắm bắt được điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Bưu chính Viettel triển khai tư vấn, hướng dẫn các chủ thể cách bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn; Postmart…
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh (Tổ trưởng tổ 1034, Bộ Thông tin và Truyền thông), đến nay, các chủ thể như HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa hơn 3.000 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử và có đến 21 nghìn đơn hàng/tháng được chuyển đến tận tay người mua.
Song song với bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok đang là lựa chọn của nhiều HTX, tổ hợp tác. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Facebook đã có mặt ở thị trường Việt khoảng 10 năm và đang thực hiện việc quản lý nghiêm ngặt việc bán hàng. Tuy nhiên, đối với mạng Tiktok thì ngược lại.
Theo báo cáo bán hàng của Tiktok, số lượng người trong độ tuổi từ 25-35 tuổi chiếm đến 38% lượng người vào Tiktok. Bên cạnh đó, Tiktok đang rất mở về mặt nội dung nên chi phí làm thương hiệu ít. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Khánh Toàn, các HTX có thể tận dụng điều này để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, muốn đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, các HTX cần hiểu biết và nắm bắt được xu thế, từ đó xây dựng lộ trình một cách tổng thể và lựa chọn kênh bán hàng điện tử phù hợp.
HTX có thể bắt đầu từ những hoạt động nhỏ như tự chụp ảnh, quay video đưa lên các trang mạng xã hội hoặc lớn hơn có thể thuê các chuyên gia làm hình ảnh, marketing để được hỗ trợ theo hướng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do công nghệ luôn luôn phát triển nên việc chủ động trau dồi kiến thức về thương mại điện tử, về bán hàng là điều vô cùng cần thiết nhằm giúp HTX tối ưu chi phí và khẳng định được giá trị cốt lõi của sản phẩm trên thị trường.