Sáng ngày 26/9/2019, tại tỉnh Lâm Đồng, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị với chủ đề “Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tham dự và phát biểu khai mạc. Tham dự Hội nghị có gần 300 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lâm Đồng; Hội Nông dân Việt Nam; một số Bộ, ngành, địa phương, các Sở TT&TT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Hội Nông dân địa phương, các tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ và các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực CNTT.
Sản phẩm, giải pháp công nghệ số Việt Nam – lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam
Thứ năm, 26/09/2019 14:03
Các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số cho nông nghiệp Việt Nam phải phù hợp với các bài toán nông nghiệp của Việt Nam, nhu cầu thực tế của người nông dân Việt Nam, áp dụng điều kiện canh tác nuôi trồng của từng vùng miền, con giống cây trồng, đặc sản nông nghiệp của Việt Nam. Đó là nhận định của Thứ trưởng Phan Tâm trong phần phát biểu khai mạc Hội nghị “Phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam”.
Thứ trưởng Phan Tâm: "Yêu cầu đặt ra đối với các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số cho nông nghiệp Việt Nam là phải phù hợp với các bài toán nông nghiệp của Việt Nam, nhu cầu thực tế của người nông dân Việt Nam". Ảnh: Duy Hữu
Thứ trưởng Phan Tâm nhận định, với các công nghệ của cuộc CMCN4.0 như IoT, AI, Big data,… các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã và đang cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ thương hiệu Việt thế hệ mới. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, đã có nhiều sản phẩm, giải pháp hữu ích như giải pháp nền tảng IoT hỗ trợ doanh nghiệp quản lý môi trường, vận hành và giám sát quá trình nuôi trồng, không chỉ người sản xuất mà người tiêu dùng cũng có thể theo dõi, kiểm soát theo thời gian thực qua mạng Internet và thiết bị di động, quá trình phát triển cây trồng, vật nuôi. Những sản phẩm, giải pháp này không chỉ nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà còn phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm.
Yêu cầu đặt ra đối với các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số cho nông nghiệp Việt Nam là phải phù hợp với các bài toán nông nghiệp của Việt Nam, nhu cầu thực tế của người nông dân Việt Nam, áp dụng điều kiện canh tác nuôi trồng của từng vùng miền, con giống cây trồng, đặc sản nông nghiệp của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị
Là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về CNTT, đầu năm 2019, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra hai chủ trương lớn. Đó là phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trọng tâm là doanh nghiệp CNTT, công nghệ số với nhiệm vụ phát triển và đưa sản phẩm, giải pháp công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Thứ hai là phát triển sản phẩm dịch vụ Make in Việt Nam với nội hàm sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Đây là một chủ trương quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, hiện thực hoá khát vọng về một Việt Nam hùng cường.
Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong việc tìm ra những giải pháp công nghệ ứng dụng hiệu quả, giải quyết các bài toán đặc thù trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo cần tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung bao gồm:
Với cuộc CMCN4.0, tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải thay đổi, phải thực hiện chuyển đổi số để tận dụng cơ hội phát triển mà công nghệ số đem tới. Doanh nghiệp công nghệ chính là người dẫn dắt quá trình này, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho chuyển đổi số. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh rất quan trọng. Đây là một nhận thức quan trọng cần có sự quán triệt để thống nhất trong hành động phát triển doanh nghiệp công nghệ.
Các cơ quan nhà nước cần ưu tiên đầu tư, mua sắm và ứng dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ sản phẩm, dịch vụ công nghệ thương hiệu Việt. Đây là giải pháp quan trọng để tạo ra thị trường cho doanh nghiệp. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, khi mua sắm Chính phủ hướng vào các sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt, Make in Việt Nam sẽ góp phần đáng kể nuôi dưỡng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, nhất là trong giai đoạn đầu.
Ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn và ngành TT&TT cần hợp tác chặt chẽ hơn, gắn kết hữu cơ hơn để đề xuất Chương trình hoặc Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp cao, nông nghiệp thông minh dựa trên nền tảng, trọng tâm việc ứng dụng giải pháp công nghệ của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng hàng năm cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Riêng đối với tỉnh Lâm Đồng - với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu thuận lợi, nông nghiệp của Lâm Đồng đã phát triển có tính đột phá trên cơ sở nông nghiệp thông minh với tốc độ tăng trưởng cao và giá trị sản xuất vượt trội so với mặt bằng chung cả nước. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm, giải pháp Make in Việt Nam. Đồng thời, Bộ TT&TT mong muốn Lâm Đồng xây dựng Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cho các lĩnh vực khác tại địa phương theo giai đoạn 2020-2025 và 2025-2030.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có bài tham luận quan trọng về thực trạng và nhu cầu ứng dụng CNTT trong phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Đại diện Công ty TNHH VinEco, Công tyTNHH Dalat Gap …. chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng chuyển đổi số trong nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh nông sản tại Vineco; các giải pháp công nghệ phù hợp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt.
Đại diện các công ty công nghệ như Công ty CNTT VNPT, Công ty TNHH Farmtech Việt Nam, Công ty CP Công nghệ Xelex … đã giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ cho lĩnh vực nông nghiệp như: Giải pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống mạng giám sát môi trường trong nông nghiệp; máy tính bảng Xelex phục vụ yêu cầu phát triển bền vững kinh tế hộ nông dân, trang trại và hợp tác xã.