Với sự am tường nhiều nền văn hóa nhân loại, lại đi nhiều, đọc nhiều, biết nhiều ngoại ngữ, cùng với nét tinh tế, sâu sắc vốn có, hiếm nhà văn hóa nào có "đôi mắt xanh" như ông. Bằng con mắt của người thuần Việt, ông khám phá được vẻ đẹp của những nền văn minh nhân loại. Và bằng con mắt của "công dân toàn cầu", ông phát hiện ra những riêng biệt của Việt Nam mà nhiều khi người Việt không nhận ra. Hữu Ngọc là sợi dây liên kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới.
Ông dẫn dắt người đọc theo chiều dài lịch sử, qua những con người cùng thời – những người ông trực tiếp gặp, giao lưu hoặc chịu ảnh hưởng gián tiếp, bao gồm cả ở trong nước và nước ngoài; những cá nhân (nhân vật xuất sắc và cả người bình thường), và tập thể vô danh (cộng đồng dân tộc, nhóm người trong xã hội...) – những người giờ ít nhiều đã về với cõi thương nhớ. Độc giả có thể gặp lại "những người quen mặt" qua các kỉ niệm, câu chuyện thú vị, hóm hỉnh... Qua từng bức họa chân dung, những nét vẽ về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ dần hiện lên sinh động và chân thực, không chỉ là những hình khối truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc mà còn những khối hình hiện đại làm nên một Việt Nam hội nhập trong tiến trình toàn cầu hóa. Người đọc hoàn toàn có thể tin tưởng vào một nền văn hóa phát triển không ngừng nghỉ. Mỗi bài viết là một lời nói từ con tim của chính Hữu Ngọc.
Cuốn sách gồm ba chương: Chương 1: Những người Việt cùng thời; Chương 2: Những người nước ngoài cùng thời; Chương 3: Những góc nhìn văn hóa.
Có thể xem cuốn sách "Hữu Ngọc đồng hành cùng thế kỷ văn hóa – lịch sử Việt Nam" như là một cuốn hồi ký với những trang viết đa diện về văn hóa dân tộc. Nhà văn hóa Hữu Ngọc đã khắc họa một cách sắc nét qua những dòng ký sự đặc biệt lôi cuốn người đọc, qua đó, bạn đọc thấy được một bức tranh lịch sử văn hóa gần trăm năm của dân tộc Việt Nam.