Hội sách TP Hồ Chí Minh lần thứ IX đã thu hút đông đảo du khách tới xem và mua sách. Ảnh: Phương Vy - TTXVN
Doanh thu kỷ lục
Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh, hay còn gọi là Hội sách Công viên Lê Văn Tám, được tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2000; đến nay đã trải qua 9 hội chợ rất thành công; góp phần tạo dựng một địa điểm giao lưu, mua bán, trao đổi sách; cũng như khuyến khích văn hóa đọc của giới trẻ nói riêng và người Việt Nam nói chung trong thời đại số hiện nay.
Theo thống kê của Ban tổ chức, trong 7 ngày diễn ra Hội chợ sách TP.HCM lần VIII, năm 2014 với chủ đề “Sách - Văn hóa và Phát triển”, đã thu hút sự tham gia của 156 đơn vị xuất bản có uy tín trong và ngoài nước với 525 gian hàng được trang trí độc đáo, giới thiệu đến bạn đọc 200.000 tựa sách hay với trên 2 triệu bản sách, đạt doanh thu khoảng 36 tỷ đồng, tăng 20% so với doanh thu hội sách lần VII/2012. Đã có hơn 1 triệu lượt người đến tham quan, mua sách tại hội chợ sách, trong đó khoảng 70% là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Đây được xem như một tín hiệu đáng mừng đối với Ban tổ chức nói riêng và đối với những ai trăn trở về tình trạng thoái hóa của văn hóa đọc trong một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là trong những người Việt trẻ.
Còn tại Hội chợ sách lần thứ IX, diễn ra từ ngày 21 - 27/3 vừa qua, đã có 172 đơn vị tham gia và 710 gian hàng, khoảng 30.000 tên sách với hơn 30 triệu bản sách được bày bán. Theo thông báo của BTC, sau 7 ngày mở cửa, hội chợ sách đã thu hút trên 1 triệu bạn đọc ghé thăm, tăng hơn 20% so với kỳ hội sách trước. Tổng doanh thu hội sách 2016 đạt trên 50 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với kỳ trước.
Không có “tuổi đời” như Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh, nhưng “Phố sách Xuân” lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 2 vừa qua, cũng đã thu được những thành công vang dội. Sau 6 ngày diễn ra phố sách (từ ngày 10/2 đến 15/2), phố sách đã đạt doanh thu gần 5 tỷ đồng (bình quân mỗi ngày đạt gần 1 tỷ đồng). Tổng số bản sách bán ra là gần 10.000 bản. Có 5 đầu sách được bạn đọc quan tâm nhất tại Phố sách: "Nhật ký chú bé nhút nhát" của Nhà xuất bản Văn học, "Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu" và "Giấc mơ hóa rồng" (Công ty CP Sách Thái Hà và Nhà xuất bản Lao động liên kết xuất bản), "Xứ Đông Dương" (Nhà xuất bản Lao động và Công ty cổ phần Sách Alpha liên kết xuất bản) và "Bộ lược sử bằng tranh" (Công ty cổ phần Sách Alpha và Nhà xuất bản Dân trí liên kết xuất bản). “Phố sách đã thực sự trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa xã hội của Thủ đô, tạo thêm nhiều cơ hội để các đơn vị xuất bản - phát hành có điều kiện giao lưu, gặp gỡ, khẳng định và quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó, việc các hội, phố sách được tổ chức nhiều hơn sẽ ngày càng nhân rộng thêm không gian văn hóa đọc cho nhân dân Thủ đô, góp phần tôn vinh văn hóa đọc và hướng tới xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đại diện BTC chia sẻ. Dự kiến, sắp tới đây cũng sẽ là hoạt động thường niên của Hà Nội mỗi dịp xuân về.
Hun đúc tình yêu sách
Một trang web “Thích đọc sách” đã ra đời, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người đọc với slogan “Đọc là cách học tốt nhất”. Các chuyên mục trên trang web cũng rất đa dạng và được bàn luận sôi nổi như “Sách hay nên đọc”, “Tin ngành sách”, “Hội sách”, “Cảm nhận sách”, “Giới thiệu sách”... Điều đáng nói, các thành viên trên trang đều rất trẻ, độ tuổi từ 20 - 29 tuổi.
Trần Việt Phú, một thành viên của diễn đàn trên web “Thích đọc sách” chia sẻ: “Sách là món ăn tinh thần - món ăn trí tuệ - món ăn cảm xúc con tim. Thứ nhất, bản chất của sách là sản phẩm vật chất của tinh thần. Sách được sinh ra từ hoạt động tư duy trừu tượng của con người thông qua quá trình lao động sản xuất ra tài nguyên, của cải vật chất của con người. Cấu tạo của sách gồm hai loại tài nguyên: Vật chất hữu hạn như giấy, mực in... và tài nguyên vô hạn đó là chất xám, là ngôn ngữ - tư tưởng sáng tạo của người viết. Chỉ có con người mới có thể sản xuất ra sách. Giá trị và giá trị sử dụng của sách đặc biệt và khác biệt với các sản phẩm vật chất thông thường. Lợi ích hữu hình của sách là dùng để học tập, dùng để giải trí, dùng để trao đổi buôn bán trên thị trường. Chúng ta có thể nhân bản hàng triệu triệu cuốn cho mọi thế hệ, cài đặt trí tuệ cho người u mê. Cái giá trị cốt lõi và vô hình của sách là bởi công cụ trí tuệ này có thể sản sinh ra các loại hình tư tưởng văn hóa, chính trị, kinh tế xã hội...”. Cái cảm nhận về sách sâu sắc thế, từ một người 26 tuổi, xem ra cũng là điều khiến ta có thể mừng về tình yêu sách dường như đã “nóng” hơn trong xã hội.
Không chỉ khiêm tốn như các trang mạng, không phải rộng khắp như những hội chợ; các hoạt động trao đổi sách cũ, giao lưu, giới thiệu, đọc sách... trong các trường đại học cả trong Nam, ngoài Bắc cũng đã tự phát diễn ra trong thời gian qua; do các sinh viên tự tổ chức, sau đó là thu hút cả trường, rồi liên trường... Điều đó cho thấy, sách in và đọc sách in - đã trở lại, khiến cho những người yêu sách thấy lạc quan hơn rất nhiều về việc một nền văn hóa đọc sẽ lại sớm lan tỏa rộng, sâu trong thời gian tới đây.