Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu và chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam và các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông trong phối hợp hoàn thiện Quy chế Giải thưởng Sách Quốc gia, Điều lệ Giải thưởng Sách Quốc gia và Quy chế của Hội đồng Giải thưởng. Đồng thời, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao công tác chấm giải của các Hội đồng.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Chúng ta đã đi được chặng đường dài hơn 5 năm, đối với Giải thưởng Sách Quốc gia, với việc yêu sách và nâng niu sách phải bằng những hành động cụ thể, phải thực sự có những cuốn sách tạo ra sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội. Hiện nay, phương thức đọc sách đang chuyển lên không gian điện tử, vì vậy trong những tiêu chí lựa chọn sách là phải lan tỏa, tôn vinh những cuốn sách được đông đảo độc giả yêu thích và có sự thành công trên thị trường, đặc biệt là cần gắn với xu thế mới đó là công nghệ. Bên cạnh sách truyền thống thì nên có những phương thức khác như sách tinh gọn…
Báo cáo tổng kết 5 năm Giải thưởng Sách Quốc gia, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: Trong năm năm qua, Giải thưởng Sách Quốc gia được tổ chức liên tục, không gián đoạn với 139 cuốn sách, bộ sách đạt giải, trong đó có 14 Giải A, 54 Gỉải B, 71 Giải C. Qua từng năm, Giải thưởng Sách Quốc gia đã bao quát được các mảng sách của xuất bản Việt Nam, đáp ứng được tính đa dạng trong các lĩnh vực; sách dự giải có chất lượng ngày một tốt, đóng góp của các tác giả ngày một lớn.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành trình bày báo cáo tại Hội nghị
“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua 5 lần tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Số nhà xuất bản còn ít, số lượng sách dự giải chưa nhiều, vẫn còn một số bộ sách, đầu sách được dư luận quan tâm nhưng chưa được các nhà xuất bản, đơn vị liên kết gửi dự giải. Thực tế cho thấy dù số lượng nhà xuất bản dự giải duy trì ổn định, số sách dự giải tăng dần qua các năm nhưng nhìn chung số lượng sách gửi dự giải chưa nhiều chỉ khoảng 300 tên sách/mùa giải, chưa đến 1% số lượng sách xuất bản hàng năm”- ông Nguyễn Nguyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Nguyên cũng mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học và sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí chủ trì Hội nghị đối với việc tiếp tục hoàn thiện quy chế, điều lệ Giải cũng như công tác tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia để Giải thưởng thực sự trở thành một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa, khoa học xã hội và nhân văn.
Tăng cường tuyên truyền và phát hành rộng rãi những cuốn sách được Giải
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Kỷ- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc VOV đánh giá: Giải thưởng Sách Quốc gia được sự phối hợp của Bộ TT&TT, Hội Xuất bản và các đơn vị tài trợ thì giải thưởng thực sự đã được nâng tầm, trong những lần tổ chức, qua từng năm, cách thức tổ chức, bình chọn, trao giải chuyên nghiệp hơn và bài bản hơn, thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học uy tín hàng đầu trong các lĩnh vực, làm cho việc thẩm định sách tốt hơn, chính xác hơn rất nhiều. Trên cơ sở những bài học những năm vừa qua, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền để giải thưởng thêm hấp dẫn, lan tỏa được văn hóa đọc trong xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần làm sao giảm dung lượng những cuốn sách quá dày.
Quang cảnh Hội nghị
Ông Hoàng Phong Hà - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cho rằng tổ chức Giải thưởng vào tháng 4 hàng năm là bất cập, bởi quá trình nộp lưu chiểu là từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 10 năm sau, vì thế số lượng sách tham gia còn ít. Giải thưởng sách có 5 hạng mục, nhưng giải A chưa đủ, Giải đặc biệt qua 5 kỳ chưa có. Ngoài ra, nên có giải Khuyến khích.
“Về quy chế; Điều 5 quy định tiêu chí cho 5 loại sách rất rõ ràng minh bạch, quy trình chấm rất chặt chẽ của những chuyên gia rất tâm huyết, công tâm, tuy nhiên xung quanh đó còn có nhiều vấn đề như: sách bán chạy chưa được chọn, sách Giải A thì quá dày, số lượng in thấp, không quảng bá được nhiều và còn khó khăn trong công tác tuyên truyền và trao giải…” - ông Hà chia sẻ.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng cho biết: số lượng sách chấm so với số lượng sách xuất bản hàng năm quá ít - khoảng 1%. Vậy nên, các NXB chọn được tác giả nào có khả năng, tiềm năng thì nên đầu tư ngay từ đầu cho bản thảo và quá trình biên tập, duyệt bản thảo để có những tác phẩm chất lượng tốt nhất;
Số lượng sách dày nhiều, số lượng in quá ít, bởi vậy trong một số sách dày có khả năng phổ cập thì nên thu gọn lại và phát hành rộng rãi để nâng cao chất lượng;
“Đề nghị kết hợp nhuần nhuyễn giữa Hội Xuất bản Việt Nam, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương trong các công tác của Giải. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, kiên trì làm truyền thông ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều sự kiện để quảng bá sách. Đồng thời, tăng cường sách giáo dục cho đối tượng thanh niên khi mà sách điện tử và sách nói đang ngày một phát triển” - GS.TS. Đinh Xuân Dũng đề nghị.
PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng: 5 lần chấm giải đã làm rất chặt chẽ, nghiêm túc, các cuốn sách trao giải rất xứng đáng, đặc biệt là Giải A. Tuy nhiên, chúng ta cần truyền thông trên các phương tiện thông tin truyền thông mạnh mẽ hơn. Sách không chỉ giới hạn ở các NXB gửi lên mà cần mở rộng là các cá nhân gửi lên. Phải có cách lan tỏa sức sống của những cuốn sách để rộng rãi nhân dân, độc giả được tiếp cận. Bên cạnh đó, cần có tiêu chí chấm giải riêng cho sách dịch, cần đưa vào quy chế là trao giải cho người dịch hay tác giả. Hiện nay, sách điện tử rất phổ biến, nên cũng có tiêu chí riêng để chấm giải cho mảng sách điện tử.
Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng bày tỏ: Giải thưởng Sách quốc gia là giải thưởng rất quan trọng, những năm gần đây giải thưởng đã tạo được những ấn tượng rất tốt. Tuy nhiên cũng nên mở rộng việc đề cử những cuốn sách. Đặc biệt, Bộ TT&TT và Hội Xuất bản nên có tờ trình về những cuốn sách được giải trở thành tiêu chí cho những giải thưởng khác tiếp theo.
GS. TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng để tiếp tục giữ được đà của giải thưởng sách hiện nay thì rất khó khăn trong thời gian tới. Trong giải thưởng tuy đã lượng hóa được các tiêu chí, nhưng cũng cần thêm tiêu chí “sách được độc giả yêu thích”…
Nhân dịp này, Bộ TT&TT cũng tặng hoa cảm ơn các đơn vị tài trợ đã đồng hành cùng Giải thưởng Sách quốc gia trong suốt những năm qua./.