Rào cản lớn nhất đến từ việc tiểu thương chưa nhận thức nhu cầu số hoá

Thứ năm, 01/09/2022 06:01

Trong bối cảnh nhiều tiểu thương gặp khó khăn trong mô hình kinh doanh truyền thống ngay cả trong giai đoạn bình thường mới, nhiều sản phẩm đã ra đời hoặc triển khai các sáng kiến hỗ trợ như Utop, Sổ Bán Hàng, Grab… Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn đến từ việc nhiều tiểu thương chưa nhận thức được nhu cầu số hoá, để từ đó tạo động lực thay đổi thói quen kinh doanh truyền thống.

Tiểu thương truyền thống gặp khó trong đại dịch trước các "chợ online"

Trong hơn 2 năm khi COVID-19 bùng lên ở nhiều nơi, chuỗi cung ứng hàng hóa gặp nhiều khó khăn, đứt gãy. Để rồi, nhiều cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống đóng cửa, người dân không thể mua hàng hóa, người bán loay hoay với nỗi khó tồn hàng. Khi nguồn khách trực tiếp không còn, nhiều tiểu thương sụt giảm doanh số nặng nề, loay hoay nhắn tin mua bán với khách quen hoặc buộc phải chuyển hình thức bán online.

20221027-ta22.jpg

Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng nhiều tiểu thương cho biết, khách đến chợ không còn đông như trước. Chị Hồng có 28 năm bán thịt bò tại chợ Bàu Cát (quận Tân Bình - HCM) cho biết, số lượng thịt tại sạp hàng của chị tiêu thụ ước chừng bằng khoảng 70% so với các năm. Trước đây, khách hàng chính của chị Cẩm Hồng là các quán phở, quán cơm kèm lượng lớn người dân khu vực. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chị Hồng giảm một nửa lượng khách tiềm năng vì bản thân các quán phở không đông khách như trước.

Đánh giá về thực trạng này, chị Hồng cho rằng, dịch bệnh xuất hiện khiến cuộc sống của nhiều người khó khăn. Nhiều lao động mất việc, họ chọn cách về quê thay vì lập nghiệp ở thành phố lớn. Kinh tế khó khăn nên mỗi người cần tiêu dùng thông minh hơn, giảm chi tiêu. Ngoài ra, để hạn chế tiếp xúc, nhiều người cũng có xu hướng đi chợ online để an toàn vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Trường hợp của chị Hồng chỉ là một trong số nhiều tiểu thương gặp khó, loay hoay tìm cách bán hàng trong tình hình mới.

Theo ấn phẩm điện tử E-Magazine số 05: "Tái kết nối với khách hàng mùa lễ hội 2021 - 2022" do Adsota phát hành, thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã làm thay đổi những thói quen lâu năm, khiến ngay cả những người lớn tuổi và các đối tượng tiêu dùng vốn chỉ trung thành với cách mua hàng truyền thống cũng đang dần có sự dịch chuyển sang việc mua hàng trực tuyến. Có thể thấy, các kênh TMĐT đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi khả năng mới tới môi trường mua sắm thoải thoái, trải nghiệm mua sắm trọn vẹn.

Bên cạnh đó, dù không phải hình thức mới xuất hiện, mô hình mua bán giữa người tiêu dùng với nhau (C2C) cũng được dự đoán sẽ trở thành xu hướng mua sắm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng trong cuối năm 2021 và trong năm 2022, khi mà từ thực phẩm tươi, đồ đông lạnh cho đến các món chay… đều được rao bán nhộn nhịp trong các "chợ online" - là các Group cư dân trên Facebook, Zalo…

Nở rộ nhiều mô hình hỗ trợ tiểu thương truyền thống kinh doanh online

Trong đại dịch, đứng trước bối cảnh hàng loạt chợ truyền thống đóng cửa để phòng dịch, Hội Quảng cáo TP. HCM và Hiệp hội thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) cũng đề xuất giải pháp hỗ trợ tiểu thương tiếp cận kênh online. Hay trước đó, tháng 9/2020, "Chợ phiên online Chợ Lớn" đã lần đầu tiên được tổ chức, nhằm giới thiệu các sản phẩm tinh hoa Chợ Lớn qua kênh bán hàng trực tuyến.

Đại diện Sở Công Thương TP. HCM cho biết, trong đợt nhiều tỉnh thành áp dụng các giải pháp siết chặt để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, việc gia tăng các giải pháp bổ trợ để cung ứng hàng hóa đến với người dân là cần thiết. Theo đó, tiếp nối những thành công, hiệu ứng tích cực từ Dự án "Chợ nghĩa tình", giải pháp mô hình "Chợ truyền thống trực tuyến" ra đời. Mô hình đã triển khai tại 19 chợ, xử lý được 3.193 đơn hàng với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng.

Hiện, với mong muốn giúp tiểu thương truyền thống khắc phục khó khăn trong bán hàng, Sở Công Thương TP HCM, FPT ra mắt "Chợ trực tuyến" trên ứng dụng Utop. Mô hình là cầu nối gắn kết tiểu thương, người dân, giúp cung ứng nhu yếu phẩm trở nên dễ dàng hơn trong thời điểm dịch bệnh.

Theo đó, với mô hình này, tiểu thương chợ truyền thống sẽ được hỗ trợ mở gian hàng trên ứng dụng Utop để tiếp cận với hình thức bán hàng công nghệ 4.0. Người dân ở nhà muốn đi chợ trực tuyến, sử dụng ứng dụng Utop, chọn chợ gần nhà để mua. Trên Utop, người tiêu dùng có thể tìm thấy những sạp hàng quen thuộc, những mối hàng quen thuộc giống như mình đang đi chợ thực tế. Sau khi chọn hàng xong, hàng sẽ được xử lý và giao tận nhà. Để giúp tiểu thương truyền thống, nhân viên vận hành của Utop tại chợ sẽ tiếp nhận đơn hàng từ người dân, kiểm tra chất lượng mặt hàng nhận từ tiểu thương, giao hàng cho khách.

Việc "số hoá" tiểu thương cũng là lý do khiến hai ông Bùi Hải Nam, Bùi Hải Long và các cộng sự bắt tay phát triển Sổ bán hàng - một ứng dụng trên điện thoại hỗ trợ phân phối online vào giữa năm 2021. 

Theo ông Nam, CEO Sổ bán hàng, ý tưởng ra đời sản phẩm đến từ khi ông Nam tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm tiểu thương ở các khu chợ Đồng Nai hay tại Quận 5 - TP HCM. Khi đó, ông Nam cảm nhận rõ ràng được về sự ảnh hưởng của đại dịch tới các tiểu thương. Rồi sau đó đợt dịch lần thứ 4 bùng lên, khó kiểm soát, cuộc sống của các tiểu thương càng ngày càng khó khăn, điều này lại càng thôi thúc ông Nam cùng các đồng đội tạo ra sản phẩm Sổ bán jàng, đội ngũ phát triển đã làm việc cật lực trong 2 tuần để tạo ra sản phẩm với phiên bản đầu tiên. 

"Sổ Bán Hàng có thể giúp các nhà bán hàng dễ dàng chuyển sang mô hình kinh doanh từ truyền thống sang online và tiếp cận thêm nhiều khách hàng để đảm bảo được việc kinh doanh", ông Nam nói.

Tính đến nay, Sổ bán hàng đã được hơn 170.000 chủ cửa hàng trên toàn quốc tin dùng. Cũng như đánh giá tới 4.8/5 sao trên AppStore và Google PlayStore chỉ sau 8 tháng phát triển.

Không chỉ các startup, Tập đoàn One Mount Group với ứng dụng VinShop cũng đang tích cực tham gia thị trường, với mục tiêu "số hoá" các tiệm tạp hoá truyền thống. Khi mà công nghệ được xem là át chủ bài để 1,4 triệu tạp hóa có thể phát huy những thế mạnh, cạnh tranh sòng phẳng với mô hình bán lẻ hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu - vốn vẫn chiếm trên 70% thị phần tại Việt Nam.

Sau hơn 1 năm tham gia thị trường, đầu tháng 3/2021, nền tảng chuyển đổi số (CĐS) trong ngành bán lẻ VinShop đón tạp hóa thứ 100.000 nhập hàng qua ứng dụng. Tính trung bình, mỗi ngày có tới hơn 200 cửa hàng tạp hóa đã lên đời công nghệ từ VinShop để nhập hàng "một chạm" trên ứng dụng di động, cũng như tận dụng các giải pháp tài chính ưu việt của nền tảng.

Hay Grab, vào cuối năm 2020, đơn vị này cũng đã công bố triển khai sáng kiến số hóa chợ truyền thống, hỗ trợ các tiểu thương tại các chợ truyền thống khắp cả nước chuyển sang kinh doanh trên nền tảng online của GrabMart. Từ đó, có thể tiếp cận thêm lượng khách hàng mới và tận dụng nền tảng giao hàng rộng khắp của Grab để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.

Nhiều khó khăn khi số hoá tiểu thương truyền thống

Nói về sự khác biệt của Sổ bán hàng, ông Nam cho rằng, kinh nghiệm sâu sắc về TMĐT trong thời gian làm việc ở Lazada, đã giúp ông hiểu và vận dụng kinh nghiệm đó vào sản phẩm, giúp cho các tiểu thương có thể kinh doanh online một cách dễ dàng hơn. Bởi vì, tiểu thương khác với những người bán hàng trên các TMĐT nên việc bán hàng trên sàn còn quá phức tạp với họ. Vì vậy, Sổ bán hàng với các tính năng đơn giản, cực kỳ dễ sử dụng và phù hợp với các tiểu thương.

Chưa kể, đối với các sàn TMĐT, tiểu thương phải chịu chi phí hoa hồng cao. Tuân thủ nhiều quy định phức tạp; khách hàng cũng phải chịu phí giao hàng. Trong khi đó, tiểu thương truyền thống chủ yếu bán cho khách trong khu vực, khách quen. Không phải giao hàng, đóng gói phức tạp hay thanh toán điện tử. Thậm chí, họ còn cho khách mua chịu… Tuy nhiên, khi cửa hàng bị đóng bởi dịch, hoạt động ấy không thể diễn ra bình thường.

Thông qua Sổ bán hàng, tiểu thương có thể chủ động tiếp cận khách hàng. Với việc đưa cửa hàng online của mình đến với khách, qua đó có thể ổn định dòng tiền. Chỉ cần chia sẻ địa chỉ cửa hàng online lên Facebook, gửi qua Zalo, tin nhắn SMS…. Tiểu thương có thể bán được hàng. Khách hàng cũng dễ lựa chọn hơn, vì thấy được sản phẩm, có thông tin đơn hàng, không lo đặt sai, đặt thiếu…

Sổ bán hàng còn giúp tiểu thương ghi nợ nếu khách chưa thanh toán ngay, hoặc chính tiểu thương cũng chưa có tài khoản để nhận tiền trước. Ứng dụng này sẽ tự động nhắc nhở khách thanh toán qua tin nhắn SMS; giúp tiểu thương ghi lại các giao dịch thu - chi trên điện thoại thay vì cuối ngày mất công ngồi kiểm kê lỗ - lãi. Như vậy, tiểu thương có thể chủ động quản lý dòng tiền của mình. 

"CĐS là hành trình cực kỳ khó khăn, ngay cả các tập đoàn lớn - tỉ lệ thất bại lên tới 80%. Sổ bán hàng có một số kế hoạch để giải quyết khó khăn cho các tiểu thương. Chúng tôi sẽ kiên trì và chọn các phương pháp thử sai liên tục, tốc độ nhanh để tìm lời giải, tháo gỡ những khó khăn cho người bán hàng", ông Nam chia sẻ thêm.

Nói về những khó khăn trong quá trình tiếp cận, giúp "online hoá" mô hình kinh doanh truyền thống, ông Nam cho rằng, rào cản lớn nhất đến từ việc họ chưa nhận thức nhu cầu số hoá.

Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh CĐS cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng để đưa các chợ truyền thống lên sàn TMĐT, khó khăn nhất đến từ người bán, từ khâu vận động thuyết phục tham gia, tự chuẩn bị nội dung hình ảnh và mô tả sản phẩm, đến phần vận hành trong và sau phiên chợ. Do đã quá quen với truyền thống và đã tìm hiểu bán hàng online nhưng chưa thực sự triển khai. Vì vậy, người bán cảm thấy nó quá phức tạp và bị cạnh tranh và giá cả dẫn đến họ không tin tưởng môi trường mua bán online.

"Ngoài ra họ hoàn toàn xa lạ với cách vận hành bán hàng online do chưa triển khai bao giờ và cũng do tuổi tác của của chủ hộ tiểu thương cũng tầm trên 45 nên khả năng ứng dụng CNTT của họ không được tốt", ông Bảo lý giải.

Một khó khăn lớn nữa đến từ bài toán tạo động lực để thay đổi thói quen, khi mà càng có tuổi thì để thay đổi thói quen ngày càng trở nên khó khăn, cũng chính vì điều đó mà lớp bán hàng thành công trên TMĐT là lớp trẻ chứ không phải những tiểu thương lâu năm.

"Dịch COVID-19 chính là động lực đủ lớn để rất nhiều người thay đổi. Vì sức mạnh của dịch có thể làm một cửa hàng doanh thu cả chục triệu một ngày trở về con số 0 trong nhiều ngày liên tục", ông Bảo nhấn mạnh.

Theo đại diện Grab, trong kỷ nguyên CĐS, những hộ kinh doanh siêu nhỏ thiếu nguồn lực đang bị bỏ lại đằng sau, nếu không có sự hỗ trợ của doanh nghiệp hay hiệp hội ngành nghề thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Grab đang đưa các chợ truyền thống lên ứng dụng của họ để khách hàng có nhiều lựa chọn hơn.

Nói về những khó khăn, đại diện Grab cho rằng, trong thời gian đầu triển khai, các tiểu thương vốn thường nhận "tiền tươi thóc thật" nên ban đầu khá e dè khi nhận tiền vào tài khoản ngân hàng, vì 75% thanh toán trên GrabMart đều không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, việc không quen dùng ứng dụng, không quen vận hành mua bán trên app, thiếu kinh nghiệm (những tiểu thương ở tuổi 50 - 60 lần đầu tiếp cận công nghệ) chính là những khó khăn tiếp theo. Việc quản lý chất lượng sản phẩm, quy trình đổi trả, trang bị giấy tờ kinh doanh cần thiết... là những vấn đề khác cần tháo gỡ. Tuy vậy, theo phía Grab, rất nhiều vấn đề đều có thể giải quyết bằng công nghệ.

Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD/năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do vậy, quá trình chuyển đổi từ hình thức đi chợ trực tiếp sang trực tuyến sẽ khó diễn ra nhanh chóng, dù cho đây là xu hướng tất yếu./.

theo ictvietnam.vn
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top