Chỉ tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học (tương đương trình độ trung học cơ sở hiện nay), bằng con đường tự học với một nghị lực phi thường, Đào Duy Anh đã để lại khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ. Những công trình của Đào Duy Anh trải rộng trên nhiều lĩnh vực như sử học, văn học, từ điển học, ngôn ngữ học, văn hóa học… và đặt những dấu mốc có tính chất mở đường cho nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.
Nhớ đến Đào Duy Anh là nhớ đến hai bộ từ điển để đời Hán Việt và Pháp Việt; nhớ đến nguồn gốc người Việt, lãnh thổ Việt Nam qua các đời; nhớ đến Việt Nam văn hóa sử cương; nhớ đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Chú, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn… là những danh nhân lịch sử văn hóa tương đồng thanh khí với ông. Thế hệ sau gọi Đào Duy Anh bằng những danh xưng: nhà sử học, nhà khảo cổ học, nhà từ điển học, nhà Hán Nôm học, nhà ngôn ngữ học, nhà văn bản học, nhà nghiên cứu văn học, nhà địa lý học lịch sử; và còn là: nhà dịch thuật, nhà Nho học… Năm 2000, Đào Duy Anh đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh do những cống hiến của ông qua cụm công trình về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Quá trình biên soạn, hai tác giả tự bạch: Tập sách gồm những bài viết về một học giả, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam trong thế kỉ XX – Giáo sư Đào Duy Anh. Bài viết sớm nhất được tập hợp đã xuất hiện từ 71 năm trước (1943) của nhà văn Lê Thanh. Khi biên soạn cuốn sách này, chúng tôi đã chỉnh lí để tạo nên tính thống nhất tương đối trong cách thức trình bày văn bản