Nội dung cuốn sách gồm ba phần:
Phần I: Những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, giới thiệu khái quát những thành tựu mà nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã “gặt hái” được sau 75 năm giành độc lập dân tộc, trong đó tập trung nêu bật những thành tựu đạt được trong 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Những thành tựu nổi bật đó được trình bày thành 6 nội dung, tương ướng với các lĩnh vực của đời sống xã hội: Nền kinh tế Việt Nam phát triển năng động, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới - năng lực, tiềm lực kinh tế được tăng cường; Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đạt nhiều thành tựu, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế; Củng cổ, tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật trự, an toàn xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được củng cố, dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy; Xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phần II: Vị thế và uy tín của Việt Nam. Trong phần này, các tác giả tập trung làm rõ vị thế và khẳng định uy tín của Việt Nam ngày nay thông qua quá trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ một nước hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, tích cực đóng góp vào các công việc của thế giới, trở thành hình mẫu mang thông điệp hòa bình và nhân văn. Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; thiết lập quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP, EVFTA... qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển.
Không chỉ tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng, nhất là chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ (1997), ASEAN (1998, 2010, 2020), ASEM (2005), APEC (2006, 2017), Việt Nam còn chủ động, tích cực đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến, góp phần vào giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, nhất là ASEAN, ASEM, APEC và Liên hợp quốc, G7 (Nhóm các nước công nghiệp phát triển), G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới)... được bạn bè, đối tác đánh giá cao.
Cùng với việc khẳng định được, vị thế quốc tế của đất nước, uy tín của Việt Nam cũng như từng bước được nâng cao. Dư luận quốc tế đánh giá cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt chiều dài xây dựng, bảo vệ, phát triển và nâng cao vị thế đất nước; ca ngợi Việt Nam luôn đặt quyền lợi người dân lên hàng đầu, đặc biệt trong công tác phòng, chống đại dịch covid-19 với tinh thần “vì người dân” và chính sách nhân văn “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện. Bên cạnh đó, dư luận quốc tế đánh giá sức mạnh tổng hợp của Việt Nam đã được nâng cao đáng kể cả về kinh tế, đối ngoại, quân sự - an ninh quốc gia.
Phần III với tiêu đề Tầm nhìn và khát vọng Việt Nam như lời khẳng định quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục phấn đấu, tiếp tục làm rạng danh non sông, gấm vóc Việt Nam. Đặc biệt, trong phần này, cuốn sách đã nêu lên sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược mà Đảng đã đề ra: Về nhiệm vụ: (1) Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; (2) Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; (3) Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; (4) Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam; thực hiện tốt chính sách xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người; (5) Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; tăng cường phát chế bảo đảm kỷ cương xã hội; (6) Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ và cải thiện môi trường; chủ động tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ba bước đột phá chiến lược đó là: (1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; (2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
75 năm là quãng thời gian không dài so với lịch sử hàng nghìn năm rực rỡ của dân tộc, song ¾ thế kỷ qua thực sự đã chứng kiến những đổi thay lớn lao, những bước chuyển mình đầy ấn tượng của đất nước và dân tộc, cùng nhìn lại chặng đường đã qua bằng thái độ khách quan, trân trọng quá khứ, chúng ta càng thêm quyết tâm đoàn kết một lòng, đồng tâm nhất trí bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nỗ lực phấn đấu phát triển đất nước, tiếp tục làm rạng danh non sông gấm vóc mà bao thế hệ người Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh xương máu để gìn giữ.
Cuốn sách Rạng danh tổ quốc, cơ đồ Việt Nam là một trong những công trình thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; mừng mùa Xuân mới của đất nước. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.