Việt Nam mới khai thác được 17,5% tiềm năng kinh tế số
Phân tích của Access Partnership Analytics được thực hiện trong năm 2021 với dữ liệu thu thập tại Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Pakistan, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Kết quả cho thấy, quy mô nền kinh tế số của các quốc gia này là 586 tỷ USD, trong khi nếu khai thác hết tiềm năng, lợi ích từ kinh tế số mang lại có thể lên đến 1.400 tỷ USD.
Với riêng Việt Nam, chúng ta chỉ có 10% GDP gắn liền với nền kinh tế số. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam hiện là 7 tỷ USD, chiếm 17,5% so với tiềm năng.
Báo cáo của Access Partnership Analytics cũng đưa ra dự đoán, nếu khai thác được đầy đủ lợi ích của kinh tế số, 12 quốc gia trong khu vực có thể kiếm thêm được tổng cộng 2.200 tỷ USD vào năm 2030. Với Việt Nam, tiềm năng kinh tế số nếu được khai thác triệt để sẽ là 91 tỷ USD vào năm 2030.
Việt Nam đang ở mức độ sẵn sàng cao trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng số, nhưng năng lực cung cấp dịch vụ phải cải thiện hơn, trong khi các chỉ số về cạnh tranh và yếu tố chính sách vẫn dừng lại ở mức độ tiềm năng, Access Partnership Analytics đưa ra nhận định.
Những ý tưởng “chắp cánh” cho kinh tế số Việt Nam
Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam), các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đều cho rằng, đầu tư phát triển hạ tầng số chính là con đường đúng đắn nhất để thúc đẩy kinh tế số.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có lợi thế lớn nhờ vị trí địa chính trị cùng dân số trẻ, hệ sinh thái công nghệ phát triển nhanh. Song chúng ta chưa khai thác tốt tiềm năng của mình.
Tính trung bình trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10 sự cố liên quan đến các tuyến cáp quang biển. Thời gian khắc phục trung bình của mỗi sự cố kéo dài khoảng 1 tháng. Đây rõ ràng là một yếu điểm về hạ tầng phải cải thiện.
Việt Nam vẫn chưa kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Đây là một khái niệm mới, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng nguồn lực bên ngoài để đổi mới sáng tạo nhằm cải tiến dịch vụ.
Bên cạnh đó, Việt Nam nên có chính sách cụ thể, ví dụ như miễn thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực ICT trong 10 năm để thu hút các nhân sự giỏi từ nước ngoài trở về. Cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi cao nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng số; khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước (đặt hàng sử dụng) và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số.