Lãnh đạo các quốc gia ASEAN vừa qua tiếp tục phản đối các hành động đơn phương gây gia tăng căng thẳng, suy giảm lòng tin, cũng như hủy hoại môi trường trên Biển Đông. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 vào cuối tháng trước tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Cùng với đó, lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tiếp tục được ASEAN nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cùng tái khẳng định rằng, việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) có tầm quan trọng rất lớn. Đồng thời hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cùng với đó là sự cần thiết phải duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC để đạt được tính hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS.
Nhấn mạnh lập trường nguyên tắc về Biển Đông, ASEAN tiếp tục khẳng định sự nhất quán trong việc thúc đẩy mạnh mẽ cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình. Điều này đòi hỏi cần thúc đẩy sớm việc hoàn thành COC với nỗ lực cao nhất. Mặt khác, ASEAN tiếp tục nhấn mạnh rằng, UNCLOS là Hiến pháp của đại dương, là khuôn khổ điều chỉnh các hành vi, hoạt động trên biển và đại dương.
Lập trường, bản lĩnh và vai trò tự chủ của ASEAN tiếp tục nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các đối tác ASEAN. Cuối tháng trước, trong Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ “sát cánh” với các nước tại khu vực để bảo đảm tự do hàng hải. Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia cũng nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện rằng, Australia muốn đóng vai trò lớn hơn nữa trong khu vực. Thủ tướng Australia Scott Morrison bày tỏ hy vọng, việc nâng cao mối quan hệ với ASAEN sẽ giúp quan hệ ngoại giao và an ninh được nâng tầm.
Theo bình luận của giới quan sát Biển Đông, Mỹ và Australia cho thấy sự ủng hộ ASEAN ngày càng tăng, chú trọng tới lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông. Các nước này cũng hoan nghênh việc ASEAN thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thông qua tăng cường hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, nhất là việc bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS.
Ý chí thống nhất về thượng tôn luật pháp quốc tế
Cùng với Mỹ và Australia, Ấn Độ cũng nêu cao tầm quan trọng của việc thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực thông qua những biện pháp duy trì tuân thủ luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS. Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ vào cuối tháng trước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh ở Biển Đông, cũng như đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS tiếp tục được các nhà lãnh đạo quốc tế đề cao. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trong của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm. Bên cạnh EAS, trước truyền thông quốc tế, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thể hiện quan điểm và lập trường cứng rắn của nước này về vấn đề an ninh hàng hải tại khu vực, đặc biệt ủng hộ quan điểm và lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Đồng thời hoan nghênh vai trò của ASEAN trong việc thủ đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.
Bình luận về các các hoạt động an ninh hàng hải trên Biển Đông của Mỹ và Nhật Bản thời gian gần đây, giới chuyên gia quốc tế về Luật Biển nhấn mạnh, mọi hoạt động an ninh hàng hải phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều này cũng đang được hầu hết các quốc gia đề cao. Nổi bật trong đó, Tuyên bố của Hải quân Mỹ vừa qua nhấn mạnh: “Chúng tôi thể hiện cam kết kiên định của mình trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trên biển và trên không và đảm bảo tất cả các quốc gia có thể làm điều tương tự mà không lo sợ hoặc đối đầu”.
Về phía Nhật Bản, giới chức hải quân nước này đánh giá, các hoạt động an ninh hàng hải cần chú trọng tới việc tăng cường mối quan hệ hợp tác, thống nhất và ý chí mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu tự do, rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế.
Theo giới chuyên gia quốc tế, các hành vi, diễn biến gây bất ổn trên biển tại khu vực đang tạo ra động lực lớn để cộng đồng quốc tế tham gia vào nỗ lực chung nhằm thiết lập môi trường an ninh ổn đinh, hòa bình hướng tới sự thịnh vượng chung của quốc tế. Biển Đông vốn là vùng biển trung chuyển khoảng 80% khối lượng và 70% giá trị thương mại toàn cầu nên cần sự đoàn kết quốc tế để ngăn chặn những hành vi gây ra hậu quả lớn đối với những hoạt động hàng hải, đảm bảo môi trường trật tự, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS.
Dù sự tham gia của cộng đồng quốc tế tại khu vực có mạnh mẽ đến đâu cũng cần xoay quanh một vai trò trung tâm. Xuyên suốt thời gian qua, ASEAN luôn thể hiện ngày càng mạnh mẽ hơn vai trò trung tâm của mình tại khu vực. Một trong những minh chứng rõ nét cho điều này thể hiện ở việc lập trường, bản lĩnh và vai trò tự chủ của ASEAN tại khu vực ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của cộng đồng quốc tế. Điều này cũng chính là chiếc “chìa khóa vàng” giúp khu vực mở ra cánh cửa thời đại mới ổn định, hòa bình và thịnh vượng không chỉ đối với các quốc gia tại khu vực mà đối với toàn cầu.