Quảng Trị lần đầu tiên đưa máy sạ cụm vào trồng lúa
Vụ hè thu 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị phối hợp với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng thử nghiệm công cụ sạ cụm vào trồng lúa trên diện tích 2ha tại HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Đây là lần đầu tiên địa phương áp dụng tiến bộ kỹ thuật này vào trồng lúa nhằm chuyển giao phương thức canh tác mới cho người dân sản xuất, từ đó đánh giá hiệu quả kinh tế, xem xét khả năng nhân rộng trong các vụ tiếp theo.
Ngày 28/8, các đơn vị đã tổ chức nghiệm thu và hội nghị đầu bờ để đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa sử dụng máy sạ cụm tại địa bàn tỉnh Quảng Trị vụ hè thu 2023.
Sau khi làm đất xong xuôi, ngày 27/5, các hộ tham gia mô hình bắt đầu sử dụng máy sạ cụm cầm tay để gieo. Lượng giống lúa gieo sạ từ 50-60 kg/ha. Tại ruộng trình diễn máy sạ lúa theo cụm, người dân được nhìn thấy thực tế quá trình máy hoạt động cũng như được nhân viên kỹ thuật phía công ty hướng dẫn cách điều chỉnh máy, cách khởi động máy, điều chỉnh lượng giống gieo sạ theo từng cụm.
Về năng suất làm việc, qua thực tế sản xuất cho thấy, máy sạ lúa theo cụm có năng suất làm việc khá cao. Trong điều kiện bình thường có thể đạt 6 - 8 ha/ngày, gấp đôi năng suất làm việc của máy cấy lúa hiện nay, qua đó giúp đẩy nhanh lịch thời vụ.
Máy sạ lúa theo cụm hoạt động sạ bằng hạt giống, quy trình hoạt động, cách thức vận hành của máy sạ lúa theo cụm đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp nhận của người nông dân.
Về lợi ích, máy sạ lúa theo cụm cũng như máy cấy, giúp người nông dân giảm được một lượng giống khá cao, từ 60 – 70% so với tập quán sạ dày hiện nay. Nếu như lượng giống lúa bà con nông dân sử dụng phổ biến là 100 – 120 kg/ha thậm chí 130 kg/ha, thì khi sử dụng máy sạ lúa theo cụm chỉ cần 50 – 60 kg/ha.
Quan trọng hơn, việc giảm lượng lúa giống đã giúp bà con tiết kiệm chi phí mua giống, kéo theo giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân... Đặc biệt là các khóm lúa gieo với mật độ phù hợp nên thông thoáng, cứng cây, giảm tình trạng lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn vào giai đoạn trỗ - chín.
Một số hộ tham gia mô hình cho biết, với việc sử dụng máy sạ cụm, lợi ích lớn nhất là lượng giống gieo giảm nhiều, từ chỗ trung bình 100kg/ha giảm chỉ còn 60kg/ha, có ruộng có thể thấp hơn (giảm được ít nhất là 40kg/ha).
Công suất làm việc của thiết bị tối thiểu 3- 4ha/ngày (với những mảnh ruộng nhỏ) và từ 6-7ha/ngày (nếu đất liền thửa); phù hợp cho việc gieo cấy trong vụ hè thu nhờ rút ngắn thời gian gieo cấy.
Nhờ sạ thưa nên các ruộng trong mô hình đã giảm áp lực sâu bệnh đáng kể (vụ hè thu chủ yếu phun phòng một số bệnh chính). Lúa lên thẳng hàng, thông thoáng nhờ được tiếp nhận đầy đủ ánh sáng, cây đẻ nhánh tốt.
Tuy nhiên bà con cũng chỉ ra một số hạn chế, do máy sạ cụm lần đầu được áp dụng trên đồng đất HTX HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy nên bà con nhận thấy cây lúa thưa thớt, lo sợ sẽ ảnh hưởng đến năng suất cuối cùng. Một số thửa ruộng nhỏ, sử dụng máy nhỏ đồng thời chỉ có 1 máy, do vậy thời gian gieo kéo dài, trong khi đó đất làm xong, thời tiết nắng nóng nên một số bà con sốt ruột, lo lắng.
Nhưng qua gặt thử cho thấy, năng suất của ruộng lúa sạ cụm và sạ hàng như nhau, nhưng do chi phí của sạ cụm thấp hơn nên cho lợi nhuận cao hơn. Theo hoạch toán ban đầu, lãi thuần khi sản xuất lúa sử dụng công cụ sạ cụm đạt trên 29 triệu đồng/ha, trong khi lãi thuần khi sản xuất lúa bằng công cụ sạ hàng, sạ lan đạt lần lượt trên 27 triệu đồng/ha và 22 triệu đồng/ha.
So với giải pháp cấy truyền thống, phương pháp sạ cụm giảm đáng kể chi phí gieo cấy, chỉ mất khoảng 1 triệu đồng/ha, trong khi công cấy thông thường 5 triệu đồng/ha. Đồng thời, năm nay giá lúa bán tại ruộng khá cao so với mọi năm nên lợi nhuận cũng theo đó tăng thêm rất nhiều, bà con rất phấn khởi.
Máy sạ cụm "Bắc tiến", bà con đón nhận
Ngày 25/4/2022, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã đưa mô hình sạ cụm vào quy trình canh tác lúa giảm chi phí tại quyết định số 73/QĐ-TT-VPPN. Sau sự kiện Agritechnica Asia live 2022, máy sạ cụm bắt đầu “Bắc tiến " theo nhu cầu “nóng” của các địa phương miền Trung và phía Bắc. Tại các địa phương phía Bắc, ngay từ vụ Đông Xuân 2022 – 2023, nhiều đơn vị khuyến nông, thậm chí nhiều bà con nông dân tự liên hệ với Sài Gòn Kim Hồng đặt hàng làm thử nghiệm mô hình sạ lúa theo cụm, như Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Hà Tỉnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình...
Qua kết quả thử nghiệm, nhiều địa phương đánh giá rất cao máy sạ cụm, ruộng sạ cụm và đã có chủ trương đầu tư cho sản xuất, như Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Hà Nội, Hưng Yên…