Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nhanh mạnh, bền vững. Kết quả của lĩnh vực này cũng được thể hiện qua những chỉ số đánh giá xếp hạng, cụ thể: Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT Index 3 năm liền đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố, năm 2019 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2018 Quảng Ninh đã được Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) trao tặng giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số, với những thành công và kết quả trong xây dựng Chính quyền điện tử.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, phát biểu khai mạc
Hội nghị quốc tế chuyển đổi số và thành phố thông minh - Quảng Ninh ngày 20/11/2019
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu: Để có được những kết quả đó, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực xây dựng những tiền đề quan trọng, từ năm 2012 tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho thành phố thông minh; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và liên thông với Chính phủ; làm cơ sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính với mô hình 15 trung tâm hành chính công (HCC) từ tỉnh đến cấp huyện và 186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước được Trung ương, các tỉnh bạn đánh giá cao, và được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu (người thứ 3 từ trái sang) cùng các chuyên gia công nghệ tọa đàm tại Hội nghị quốc tế
chuyển đổi số và thành phố thông minh đang diễn ra từ ngày 19 đến 22/11/2019 (tại TP Hạ Long)
Bên cạnh những thành công đã đạt được của Chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh xác định việc ứng dụng CNTT-TT phải hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả trong quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa xã hội, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” của Tỉnh. Do đó, từ năm 2016 tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án thành phố thông minh với mục tiêu: Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân làm trung tâm, các ứng dụng công nghệ thông tin phải cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội. Hiện nay, tỉnh tiếp tục xây dựng Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, đảm bảo phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT trong việc tiếp tục phát triển chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung tại phường Tuần Châu - Thành phố Hạ Long với tổng diện tích khoảng 8,64ha; UBND Thành phố Hạ Long đã thực hiện phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu công viên công nghệ thông tin tập trung, đồng thời Sở TT&TT đang chủ trì lập Đề án thành lập Khu công viên công nghệ thông tin tập trung với mục tiêu có đầy đủ các phân khu về phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, ATTT... và đặc biệt là phân khu dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh xác định việc xây dựng và hình thành Khu công nghệ thông tin tập trung là một trụ cột để phát triển dịch vụ thông minh sáng tạo, đặc biệt xây dựng khu phần mềm chính là đòn bẩy và là điểm kết nối để tạo ra các năng lực mới về thành phố thông minh và sáng tạo, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế tri thức thông tin của khu vực.
Nằm trong khuôn khổ chương trình Giải thưởng công nghệ thông tin Châu Á – Thái Bình Dương APICTA 2019 được tổ chức tại Quảng Ninh,
ngày 20/11, tại TP Hạ Long đã diễn ra Hội nghị quốc tế chuyển đổi số và thành phố thông minh – Quảng Ninh
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, đẩy mạnh và tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tạo cơ hội tiếp cận, tận dụng năng lực, thế mạnh của các đối tác; nâng cao hiểu biết nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để có cách tiếp cận, có các giải pháp phù hợp, hiệu quả; đồng thời, chủ trương ưu tiên nguồn lực đầu tư tạo sự phát triển bứt phá về hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đón nhận làn sóng vạn vật kết nối Internet (IoT); phát triển các hệ thống thông tin ứng dụng theo công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, di động hóa,...) để đáp ứng các mô hình phát triển mới, chuyển dịch kinh tế, nâng cao đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang triển khai các chương trình hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực (Vingroup, Sungroup, FLC, AIC, FPT,...) nhằm phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh các bên tạo sự phát triển bền vững của tỉnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng chào đón các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước quan tâm và đầu tư tại Quảng Ninh, đặc biệt là khi Khu Công nghệ thông tin tập trung tại phường Tuần Châu - Thành phố Hạ Long đi vào hoạt động, sẽ rất cần những tập đoàn công nghệ tham gia để trở thành những thành viên nòng cốt của khu Công nghệ thông tin tập trung tỉnh Quảng Ninh, cũng như có những sản phẩm giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cao được ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã có kế hoạch tổng thể phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó trọng tâm là việc tỉnh đang triển khai xây dựng Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019 - 2025 và sẵn sàng các tiền đề quan trọng để phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.