Mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh là mô hình đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí cấp tỉnh và hiện có tới 30 địa phương trên toàn quốc đến tham quan, tìm hiểu mô hình này của Quảng Ninh
Trước xu thế phát triển, hội nhập, sự đổi mới trong công tác quản lý điều hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy, việc hợp nhất các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là tất yếu đáp ứng yêu cầu phát triển, tinh gọn đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới. Tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động báo chí của tỉnh Quảng Ninh trên các kênh truyền thông: Báo Quảng Ninh, Đài PTTH Quảng Ninh, phù hợp với xu thế phát triển của nền báo chí thế giới và xu hướng vận động của báo chí cách mạng Việt Nam; tăng tính chủ động về tài chính đối với hoạt động của Trung tâm thông qua cơ chế tỉnh đặt hàng thông tin; tiết kiệm kinh phí và cơ sở vật chất hạ tầng, do việc thống nhất các dự án về hạ tầng riêng rẽ của các đơn vị thành một dự án chung.
Việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU ngày 03/03/2015 “về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”; Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 05/02/2018 “về thực hiện các Nghị quyết 18, 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII”; triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/12/2017 “về một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới”, Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Tỉnh ủy “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu khách quan cần thiết phải đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí của tỉnh.
Do là mô hình mới, chưa có tiền lệ, trong quá trình triển khai xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã báo cáo, xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông về chủ trương này. Trên cơ sở đó, ngày 07/8/2018, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh tại Công văn số 1388-CV/TU ngày 07/8/2018 và được Ban Bí thư Trung ương Đảng “hoan nghênh, đánh giá cao và đồng ý về chủ trương thành lập Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Ninh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh.
Triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành các quyết định phê duyệt đề án thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy; quyết định thành lập ban chỉ đạo, các tiểu ban giúp việc ban chỉ đạo; quyết định thành lập Trung tâm; ban hành quy định tổ chức, bộ máy các phòng chuyên môn trực thuộc Trung tâm; quyết định điều động, phân công và bổ nhiệm đối với các đồng chí lãnh đạo Trung tâm Truyền thông tỉnh; đồng bộ kiện toàn tổ chức đảng và các đoàn thể; chỉ đạo tổ chức Lễ công bố thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2019.
Sau gần một năm thành lập, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã từng bước đi vào hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả hoạt động theo mô hình "Tòa soạn hội tụ" ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp truyền thông đa phương tiện, sản xuất sản phẩm báo chí đa loại hình với tổ chức bộ máy tinh gọn (giảm từ 22 đầu mối phòng chuyên môn xuống còn 14 phòng trực thuộc (giảm 08 phòng)) hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã giúp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin báo chí của các cấp ủy đảng; nâng cao vị thế, vai trò của các cơ quan, báo chí của tỉnh qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh. Đồng thời bước đầu khắc phục được tình trạng dàn trải trong đầu tư, tình trạng chồng chéo trong tổ chức sản xuất các chương trình; duy trì ổn định và ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động xuất bản báo, phát sóng các kênh phát thanh, truyền hình.
Đặc biệt, chất lượng các tác phẩm báo chí, các chương trình phát thanh, truyền hình có sự nâng lên rõ rệt bảo đảm phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; thông tin sâu, đồng bộ, kịp thời, hình ảnh chuyên nghiệp hơn. Phát huy được các sản phẩm truyền thông báo chí truyền thống, bước đầu đa dạng hóa các loại hình báo chí, nhất là các sản phẩm truyền thông hiện đại, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu, để xây dựng mô hình "Tòa soạn hội tụ"; số lượng tin bài tăng hơn 30% so với trước khi hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí. Hiện, Trung tâm tiếp tục duy trì ổn định các kênh truyền thông, gồm: (j1) Truyền hình có 2 kênh QTV1, QTV3; (j2) Phát thanh có 2 kênh QNR1, QNR2; (j3) báo in, gồm: báo Quảng Ninh hằng ngày, báo Quảng Ninh Cuối tuần, báo Hạ Long, đặc san Hoa Sen; (j4) báo Quảng Ninh điện tử (baoquangninh.vn, baoquangninh.org.vn, baoquangninh.com.vn); (j5) Cổng thông tin điện tử (quangninh.gov.vn); (j6) các trang: QTV tube, QTVFanpage.
Song song với đó, đội ngũ cán bộ, phóng viên của Trung tâm được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và đã nhanh chóng tiếp cận được với mô hình “Tòa soạn hội tụ” phóng viên đa phương tiện. Đời sống, việc làm của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên được đảm bảo và từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh còn gặp một số khó khăn, trở ngại như: Do mô hình mới, chưa có tiền lệ, hợp nhất giữa 02 cơ quan thuộc khối Đảng và chính quyền nên các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính chưa thể xử lý ngay được; trình độ kỹ năng nghề nghiệp, công nghệ của các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Trung tâm trình độ chưa đồng đều, đòi hỏi tiếp tục được đào tạo, đào tạo lại...
Để có được kết quả bước đầu nêu trên, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh Mai Vũ Tuấn chia sẻ. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, bộ ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, sở ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh và sự chủ động, năng động, quyết tâm của tập thể lãnh đạo Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trong xây dựng khối đoàn kết thống nhất, tạo đồng thuận trong Trung tâm trên cơ sở cơ chế vận hành dân chủ, công khai, minh bạch; gắn trách nhiệm và đề cao vai trò của từng cá nhân, bộ phận với các công việc, nhiệm vụ được giao, trong tập trung thực hiện đổi mới mô hình hoạt động “Toàn soạn hội tụ” phóng viên đa phương tiện, áp dụng khoa học kỹ thuật để cho ra đời các sản phẩm báo chí đa phương tiện.
Cũng theo ông Mai Vũ Tuấn, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao, sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông hiện đại và sự đa dạng, bùng nổ về thông tin tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội. Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được định hướng phải trở thành một cơ quan báo chí đa phương tiện, mỗi sản phẩm báo chí có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau, như văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… để mang lại tính tương tác cao, cung cấp thông tin cho độc giả một cách linh hoạt. Những kết quả thời gian vừa qua của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trong sản xuất các tác phẩm báo chí đa phương tiện thể hiện quyết tâm lớn của Tỉnh ủy, Ban lãnh đạo Trung tâm, sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, phóng viên. Tuy nhiên, để tạo ra được đội ngũ phóng viên, nhà báo đa phương tiện, đòi hỏi đội ngũ phóng viên, nhà báo phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp; hoặc phải được đào tạo lại một cách chính quy, hiện đại; để góp phần sản xuất ra được những tác phẩm báo chí đa phương tiện có chất lượng cao.
Để đáp ứng tốt nhiệm vụ trước yêu cầu mới, Ban lãnh đạo Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh xác định: Tiếp tục duy trì ổn định hoạt động, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, tác phẩm báo chí đa phương tiện; Tăng cường thông tin về tỉnh Quảng Ninh trên mạng xã hội bằng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp); Đổi mới công tác quản lý hoạt động quảng cáo, dịch vụ bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; xây dựng cơ chế đặt hàng sát thực tiễn phù hợp với cơ quan báo chí hiện đại; Đón đầu xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và vai trò của báo điện tử, mạng xã hội xây dựng lộ trình, kế hoạch thu hút quảng cáo, dịch vụ trên các loại hình báo chí; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ ở tất cả các vị trí công tác; Nâng cao chất lượng quản lý sản lượng báo phát hành, chất lượng sản xuất và phát sóng chương trình theo tiêu chuẩn HD, mở rộng vùng và kênh phủ sóng phát thanh, truyền hình Quảng Ninh.
Để triển khai mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đạt hiệu quả theo kỳ vọng của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Giám đốc Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh Mai Vũ Tuấn kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về báo chí, viễn thông cho phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí. Có cơ chế hướng dẫn cụ thể đối với việc thành lập, cấp phép hoạt động đối với các cơ quan báo chí có tính chất đặc thù (như việc thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh). Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường hướng dẫn hoạt động báo chí, nhất là trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, báo điện tử; nghiên cứu xây dựng bộ đơn giá mới phát thanh, truyền hình phù hợp với sự thay đổi về mô hình, tác nghiệp báo chí mới làm cơ sở cấp địa phương xây dựng cơ chế đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công; có hướng dẫn về định mức sử dụng phương tiện phục vụ hoạt động tác nghiệp đối với hoạt động báo chí đặc thù, nhất là hoạt động phát thanh, truyền hình; chỉ đạo các cơ sở đào tạo báo chí trong cả nước tăng cường công tác đào tạo mới, đạo tạo lại nguồn nhân lực báo chí một cách bài bản, chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu hoạt động, tác nghiệp trong môi trường công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.