ảnh minh họa
Nhập viện vì sử dụng thuốc lá điện tử
Việc sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở học đường hiện nay đang là hiện tượng đáng báo động. Nhất là trong thời gian gần đây, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới ngày càng phổ biến ở trường học, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, lối sống, hành vi của học sinh tuổi vị thành niên.
Ghi nhận tại các bệnh viện gần đây cho thấy, nhiều trẻ bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Mới nhất ngày 9/11, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu cho một học sinh 12 tuổi ở Hà Nội đến viện trong trong tình trạng hoảng sợ, khó thở và co giật sau khi hút thuốc lá điện tử.
Học sinh này được bạn bè rủ rê sử dụng thuốc lá điện tử cùng với học sinh lớp lớn. Sau đó, em có tự mua trên mạng về để được tự do hút. Cùng với việc hút thuốc lá điện tử thường xuyên, em cũng có biểu hiện học sa sút hơn, bướng bỉnh, có hành vi chống đối với bố mẹ.
Trước đó, một nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn cũng lên cơn co giật, mất ý thức, hôn mê và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Bác sĩ chẩn đoán nữ sinh bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại, theo dõi ngộ độc nicotine khi hút thử thuốc lá điện tử.
Các bác sĩ tại đây cho biết đã tiếp nhận ít nhất 5 trường hợp bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh, sinh viên nhập viện do ngộ độc nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử.
Theo các bác sĩ, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khoẻ, nhiều hóa chất tương tự như thuốc lá truyền thống. Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng chỉ ra, các sản phẩm thuốc lá truyền thống hay thế hệ mới đều độc hại đối với sức khỏe và cho đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới.
Quản lý việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội thế nào?
Mặc dù thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử nói riêng là mặt hàng cấm quảng cáo nhưng trên thực tế không khó để bắt gặp các quảng cáo thuốc lá trên nền tảng mạng xã hội.
Chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc lá điện tử” trên Google là có thể nhận về hàng chục triệu kết quả. Tại các nền tảng mạng xã hội mà giới trẻ hay dùng như TikTok, Facebook, Zalo, việc quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gần như tự do và ít bị kiểm soát.
Tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, một số group chuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về thuốc lá thế hệ mới có tới hàng chục nghìn thành viên, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ. Thậm chí, cũng có không ít tài khoản đăng tải clip người nổi tiếng sử dụng thuốc lá điện tử.
Đáng nói là, đối tượng của các quảng cáo này nhắm đến là giới trẻ. Sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn như kẹo, trái cây, trà sữa… cùng những lời quảng cáo: “không gây hại”, “hút thuốc lành mạnh”, “sành điệu”, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện bản thân của tuổi mới lớn và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.
Thực tế kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội thời gian qua được ứng dụng mạnh mẽ. Điều này có ưu điểm nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ. Một trong những nguy cơ đó là quản lý thông tin với những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin không được đưa ra bởi những nguồn tin chính thống. Trong số này, đáng ngại nhất là việc quảng cáo, kinh doanh những sản phẩm gây hại cho sức khoẻ trên môi trường mạng.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, trên thực tế đã có luật, nghị định hướng dẫn thực hiện kinh doanh trên môi trường mạng nhưng chưa có quy định đặc thù cho một số nhóm sản phẩm, một số loại hình cung cấp thông tin. Một trong số đó là quảng cáo rượu bia, thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới.
Để giải quyết bài toán này, bà Trang cho rằng cần phải hoàn thiện công cụ về mặt pháp luật để quản lý việc tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin và kinh doanh trên môi trường mạng.
Giải pháp thứ hai là phải kiểm soát được đối tượng của người dùng. Ví dụ như với rượu bia là không bán/không quảng cáo rượu bia cho người dưới 18 tuổi, trên các trang mạng xã hội có quy định: không quảng cáo tự do và quảng cáo ẩn sau khi kiểm tra và chứng minh độ tuổi không phù hợp. Thế nhưng hiện nay mạng xã hội Facebook chưa làm được việc đó.
Ngoài ra, theo bà Trang là cần có sự kiểm soát của cha mẹ đối với trẻ em và vai trò của các cơ quan quản lý về các hoạt động trên mạng xã hội, yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng phải có biện pháp bảo vệ trẻ em không tiếp cận với những thông tin về thuốc lá. Đồng thời, cần có quy định trách nhiệm đối với những nhà cung cấp nền tảng dịch vụ này dưới hình thức quảng cáo, bán hàng.
Tại hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cách đây 1 ngày, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ.
Hiện ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Bà Trang cho rằng, quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực, trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trước bối cảnh các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội.