*PV: Cuộc TĐTKT năm 2021 nhằm mục đích gì và có những điểm mới nào, thưa ông ?
*Ông Trần Quốc Lợi: Cuộc TĐTKT này đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương.
TĐT sẽ tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2020 theo đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia.
Cuộc TĐT còn cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế-xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương.
Cuộc TĐT được thực hiện trong bối cảnh nhu cầu thông tin thống kê ngày càng yêu cầu cao hơn, mức độ phân tổ chi tiết hơn, trong khi nguồn lực con người và kinh phí ngày càng hạn chế. Do đó, việc thiết kế nội dung phiếu và công tác tổ chức thực hiện TĐT phải được cải tiến để đáp ứng với những yêu cầu mới, thay đổi mới. Cuộc TĐT đã cải tiến nội dung và số lượng thông tin thu thập trong TĐT; sử dụng triệt để các dữ liệu hành chính, trong đó có cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) nhằm giảm thiểu các thông tin yêu cầu thu thập trong TĐT; bổ sung thêm thông tin để đánh giá đầy đủ hơn hoạt động của các đơn vị và đánh giá kinh tế số.
TĐT cập nhật và áp dụng khái niệm chuẩn quốc tế về đơn vị cơ sở; thu thập thông tin chi tiết đến đơn vị cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động đến cấp quản lý hành chính nhỏ nhất (cấp xã). Nhờ vậy, đánh giá tốt hơn về tình hình sản xuất kinh doanh và sản phẩm đặc thù của từng địa phương, đồng thời đáp ứng yêu cầu của hệ thống tài khoản quốc gia để biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của các địa phương.
TĐT ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn từ công tác chuẩn bị, thu thập thông tin, xử lý và công bố kết quả. Trong đó, sử dụng phiếu điều tra điện tử để thu thập thông tin bao gồm phiếu điều tra trực tuyến và phiếu điều tra cài đặt trên máy tính bảng, điện thoại thông minh của điều tra viên nhằm kiểm soát tốt hơn thông tin được thu thập, nâng cao chất lượng thông tin và rút ngắn thời gian xử lý dữ liệu.
Cán bộ Cục Thống kê tỉnh thực hiện thu thập thông tin qua phiếu trực tuyến sử dụng internet (Web-form)
*PV: Công tác chuẩn bị cho cuộc TĐTKT năm 2021 được triển khai thực hiện như thế nào?
*Ông Trần Quốc Lợi: Thực hiện Quyết định số 307/QĐ-TTg, ngày 27-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức TĐTKT năm 2021 và Quyết định số 1096/QĐ-BNV, ngày 23-12-2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức điều tra cơ sở hành chính năm 2021, ngày 1-9-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3169/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) TĐTKT và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 gồm 14 thành viên, do đồng Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Công tác thành lập BCĐ TĐT cấp huyện, cấp xã cũng đã được kiện toàn.
Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho cuộc TĐT được tổ chức thực hiện nghiêm túc theo đúng kế hoạch của BCĐ TĐT Trung ương và BCĐ TĐT tỉnh. BCĐ đã hoàn thành công tác rà soát các đơn vị điều tra đến thời điểm 31-12-2020, hoàn thành công tác tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia TĐT, thực hiện công tác tuyên truyền TĐT…Từ ngày 1-3-2021 đến nay, điều tra viên đã tiến hành hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở hành chính, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội thực hiện tự kê khai bằng phiếu Web-form; theo kế hoạch thời gian kết thúc là ngày 30-4-2021 đối với phiếu điều tra toàn bộ và ngày 30-5-2021 đối với phiếu điều tra mẫu.
*PV: Để cuộc TĐTKT năm 2021 diễn ra thành công cần những yếu tố nào?
*Ông Trần Quốc Lợi: Để cuộc TĐTKT năm 2021 diễn ra thành công, trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về TĐT để nâng cao trách nhiệm của đối tượng điều tra trong việc thực hiện tự cung cấp thông tin. Cùng với đó, việc tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên các cấp phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung tập huấn cần có trọng tâm, trọng điểm để giúp điều tra viên nắm bắt tốt nhất các nội dung của phiếu hỏi và quy trình thực hiện trên phần mềm thu thập thông tin.
Cục Thống kê tỉnh cũng yêu cầu điều tra viên phải thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội để hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc của các đơn vị trong quá trình điền thông tin phiếu điều tra trực tuyến. Sự hợp tác, phối hợp của các cơ sở kinh tế là hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của cuộc TĐT. Đối với những đơn vị không hợp tác để cung cấp thông tin, điều tra viên phải báo cáo ngay với tổ thường trực, BCĐ để có các phương án xử lý phù hợp. Công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên, liên tục và có kế hoạch cụ thể trong từng khâu công việc của quá trình TĐT.
Để công tác thu thập thông tin được bảo đảm hoạt động an toàn, bảo mật, ổn định và thông suốt trong thời gian điều tra, BCĐ TĐT tỉnh đã yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường lực lượng để hỗ trợ Cục Thống kê tỉnh và BCĐ các cấp trong quá trình xử lý số liệu bằng công nghệ thông tin, bảo đảm đường truyền thông suốt; kết hợp với Cục Thống kê tỉnh và các địa phương để xử lý kịp thời nếu có sự cố kết nối Internet xảy ra.
*PV: Thưa ông, dịch Covid-19 liệu có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động TĐTKT năm 2021?
*Ông Trần Quốc Lợi: Đối với Quảng Bình, do dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt nên ít bị ảnh hưởng đến hoạt động của cuộc TĐT. Tuy vậy, để chủ động ứng phó dịch bệnh Covid-19, BCĐ TĐT các cấp đã phổ biến, quán triệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho điều tra viên, công chức và người lao động, tuân thủ các quy định phòng dịch tại địa bàn, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình tiến hành thu thập số liệu tại cơ sở.
*PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!