Quảng bá, tiêu thụ nông sản: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số

Thứ bảy, 23/10/2021 16:03

Cùng với các kênh tiêu thụ truyền thống, việc đa dạng các hình thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào khâu quảng bá, phân phối và tiêu thụ hiện đang là hướng đi đúng, giúp tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Không những thế, đây còn là tiền đề cho các giải pháp bền vững nhằm tiêu thụ sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ số.

20211021-m17.jpg

Siêu thị Minh Cầu - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh với trang web và ứng dụng đặt hàng trực tuyết chạy trên nền tảng thiết bị thông minh thu hút hàng trăm lượt đơn hàng mỗi ngày. Trong ảnh: Nhân viên Siêu thị chuẩn bị hàng hóa giao tại địa chỉ theo yêu cầu của khách đặt hàng.

Có lẽ, chưa bao giờ việc ứng dụng công nghệ số vào khâu quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm lại được triển khai mạnh mẽ như thời gian vừa qua, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp dẫn đến các chuỗi tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy. Đối với Thái Nguyên, tỉnh ta đã thực hiện rất thành công chương trình hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ na Võ Nhai. Vụ na vừa qua, các chương trình quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm dựa trên các nền tảng số như: Thương mại điện tử, báo mạng điện tử, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử… đã giúp người dân Võ Nhai tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng trên 4,5 nghìn tấn na. 

Bà Vũ Thị Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai thông tin: Việc quảng bá qua các kênh trên nền tảng số đã giúp cho quả na được tiêu thụ thuận lợi hơn, không những vậy, nhiều người tiêu dùng biết đến đặc sản na Võ Nhai hơn. 

Kết quả này phần nào cho thấy việc ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đã giúp kết nối cung - cầu được thuận lợi hơn và giải được bài toán trước mắt là tiêu thụ nông sản trong bối cảnh chuỗi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bị đứt gãy do dịch COVID-19. Về lâu dài, đây được đánh giá là giải pháp phù hợp để kết nối cung - cầu và là tiền đề cho các giải pháp bền vững tiêu thụ sản phẩm, giúp hàng hóa, nông sản giảm sự phụ thuộc vào kênh tiêu thụ truyền thống.

Ông Hà Quang Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đánh giá: Khi ứng dụng công nghệ số như: Sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online… nông sản sẽ có cơ hội tiếp cận được với người tiêu dùng trên phạm vi rộng lớn hơn, không chỉ là thị trường nội tỉnh mà là trong cả nước và vươn ra nước ngoài. Bên cạnh đó, sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý sẽ tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch, được quản lý chặt chẽ về mọi mặt. Sản phẩm có thể trực tiếp đi từ tay người sản xuất đến người tiêu dùng mà không cần qua kênh trung gian, nên cả người bán và người tiêu dùng đều được hưởng lợi.

Theo thống kê của ngành Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 2 sàn thương mại điện tử và 75 trang web bán hàng trực tuyến. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Siêu thị Minh Cầu, HTX Tâm Trà Thái, Công ty CP Đầu tư phát triển IMUS, Công ty TNHH Dũng Thành… là những doanh nghiệp đi đầu về phát triển thương mại điện tử. Bên cạnh đó còn có hàng nghìn hộ kinh doanh nhỏ lẻ qua hình thức trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử như: Tiki, Shopee, Voso.vn, Postmart.vn... hay mạng xã hội: Zalo, Facebook... 

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thực hiện chương trình chuyển đổi số, tỉnh coi trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số và một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực. Với định hướng đó, các ngành chức năng của tỉnh đã đưa vào sử dụng các website OCOP Thái Nguyên, Chè Thái Nguyên, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh… Đồng thời, đưa toàn bộ 76 sản phẩm OCOP của tỉnh lên Sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn; hỗ trợ 180 nghìn tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn… 

Thời gian tới, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và hoạt động trên không gian mạng cho 70% các hộ sản xuất nông nghiệp; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận cho 60% các hộ. Riêng ngành Thông tin và Truyền thông hiện đang phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn phù hợp về chuyển đổi số, thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top