Các hoạt động nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong năm 2018
Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số
Ngày 15/02/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Sau hơn 10 năm thi hành, Nghị định số 26/2007/NĐ-CP đã thực sự phát huy vai trò là cơ sở pháp lý quan trọng và là nền tảng cho sự hình thành, phát triển thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số và các ứng dụng chữ ký số, góp phần đảm bảo an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử và thương mại điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, một số quy định của nghị định này đã bộc lộ những hạn chế, bất cập không phù hợp với tình hình thực tế, nhiều chính sách quản lý mới được ban hành nhưng chưa được quy định trong Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.
Vì vậy việc xây dựng và ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số để thay thế Nghị định số 26/2007/NĐ-CP là hết sức cần thiết, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, góp phần đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động kinh tế - xã hội và trong cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử.
Ngày 27/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Nghị định 130 tuân thủ các quy định tại Luật giao dịch điện tử, đồng thời, kế thừa tối đa các nội dung của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP còn phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, các khái niệm liên quan đến chữ ký số, chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số, cách phân loại các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và các điều kiện, thủ tục cấp phép cơ bản giữ nguyên như trong Nghị định số 26/2007/NĐ-CP.
Những điểm mới trong nội dung Nghị định số 130/2018/NĐ-CP bao gồm:
(1) Bổ sung quy định về phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
(2) Bổ sung quy định về điều kiện, quyền và trách nhiệm của đại lý dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
(3) Bổ sung, làm rõ nội dung hoạt động cung cấp dịch vụ và quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, đặc biệt là trong trường hợp bị tạm đình chỉ giấy phép, tạm dừng chứng thư số.
(4) Bổ sung quy định về quy trình xử lý trong trường hợp doanh nghiệp gặp sự cố, không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ.
(5) Bổ sung quy định chi tiết về quy trình, thủ tục cấp, quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thực hiện.
(6) Bổ sung quy định về trách nhiệm của các bên tham gia sử dụng chữ ký số bao gồm: người ký, người nhận, các tổ chức, cá nhân phát triển ứng dụng sử dụng chữ ký số để đảm bảo việc ứng dụng chữ ký số thông suốt và an toàn.
Từ thực tiễn triển khai các quy định tại Nghị định số 26/2007/NĐ-CP, dự thảo nghị định đã điều chỉnh các nội dung liên quan đến cấp phép, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số để công tác quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số chặt chẽ và hiệu quả hơn, cụ thể như sau:
(7) Điều chỉnh quy định về giá trị pháp lý của chữ ký số trong Nghị định số 26/2007/NĐ-CP để tuân thủ quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử tại Luật giao dịch điện tử, đồng thời phù hợp với việc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước và hiện trạng sử dụng chữ ký số trong doanh nghiệp.
(8) Điều chỉnh quy định về điều kiện cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo hướng nâng cao điều kiện cấp phép so với giai đoạn trước.
Nghị định quy định rõ, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là tổ chức trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan Đảng và Nhà nước. Theo đó, Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm quản lý, duy trì, vận hành hệ thống kỹ thuật để cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan Đảng và Nhà nước; tự cấp chứng thư số cho mình; xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
Định kỳ hàng năm, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo và tổ chức tổng kết công tác quản lý, triển khai sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP cũng quy định, Nhà nước sẽ bố trí, đảm bảo nhân sự, kinh phí và trụ sở làm việc để đảm bảo triển khai các nhiệm vụ theo quy định.
Các dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ gồm: tạo và phân phối các cặp khóa; cấp chứng thư số; gia hạn chứng thư số; thay đổi nội dung thông tin của chứng thư số; thu hồi chứng thư số; khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật; dịch vụ công bố và duy trì trực tuyến cơ sở dữ liệu về chứng thư số; dịch vụ kiểm tra chứng thư số trực tuyến; cấp dấu thời gian.
Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định, các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước nếu áp dụng chữ ký số thì sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp.
Nghị định cũng quy định về việc tạo và phân phối các cặp khóa; thời hạn của chứng thư số; điều kiện cấp mới chứng thư số; hồ sơ, thụ tục, trình tự cấp chứng thư số; các quy định về điều kiện gia hạn, trình tự, thủ tục gia hạn chứng thư số; các điều kiện, trường hợp, trình tự, thủ tục thay đổi nội dung thông tin của chứng thư số; các trường hợp, thẩm quyền đề nghị, hồ sơ, thủ tục, trình tự thu hồi chứng thư số.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về thu hồi thiết bị lưu khóa bí mật sau khi chứng thư số hết hạn sử dụng hoặc chứng thư số bị thu hồi; việc cấp chứng thư số sau khi chứng thư số cũ hết hạn hoặc bị thu hồi; việc khôi phục và quản lý thiết bị lưu khóa bí mật.
Nghị định số 130/2018/NĐ-CP đã đơn giản hóa rất nhiều thủ tục hành chính, gộp nhiều điều, khoản liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ, quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; bỏ yêu cầu một số giấy tờ trong hồ sơ xin cấp phép, cấp giấy chứng nhận hoạt động, giấy phép sử dụng.
Như vậy, có thể khẳng định, với những điều chỉnh, bổ sung chủ yếu như trên, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP đã tuân thủ chặt chẽ các quan điểm chỉ đạo xây dựng nghị định, đồng thời, cơ bản khắc phục được các hạn chế của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2007/NĐ-CP. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/11/2018.
Bộ TT&TT ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT ngày 19/12/2017 quy định về sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước
Qua quá trình triển khai ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan nhà nước, đa số các cơ quan đều nhận thức được ưu điểm của việc sử dụng chữ ký số, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc khi sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử để trao đổi giữa các cơ quan nhà nước.
Để hoàn thiện quy định pháp lý về chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước, ngày 19/12/2017, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước.
Nội dung của Thông tư quy định các nội dung chính về quy trình ký số, kiểm tra chữ ký số, lưu trữ thông tin kèm theo văn bản điện tử có chữ ký số; quy định về yêu cầu kỹ thuật và chức năng của phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số; các yêu cầu đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số; yêu cầu đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử.
Thông tư số 41/2017/TT-BTTTT được ban hành sẽ làm căn cứ xác định giá trị pháp lý văn bản điện tử được ký số.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BTC ngày 09/02/2018 sửa đổi Thông tư số 305/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số
Ngày 15/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 305/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số. Theo đó, mức phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số: 3.000 đồng/ chữ ký số/tháng. Chứng thư số phát sinh hiệu lực hoạt động tại bất cứ thời điểm nào của tháng được tính là 01 (một) tháng sử dụng.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, Bộ TT&TT đã khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết để tiến hành thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
Trong quá trình thực hiện, nhằm giải quyết các kiến nghị, khó khăn của các CA công cộng trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 305/2016/TT-BTC, Bộ TT&TT đã phối hợp với Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 305/2016/TT-BTC.
Ngày 09/02/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 305/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số.
Theo Thông tư số 17/2018/TT-BTC, đối tượng áp dụng là “các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thu, nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số. Không áp dụng đối với trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số ký hợp đồng với thuê bao trước ngày 01/01/2017. Trường hợp gia hạn hợp đồng hoặc ký mới phải nộp phí theo quy định”.
Ngoài ra, Thông tư số 17/2018/TT-BTC cũng quy định rõ mức thu phí là “3.000 đồng/ tháng/01 chứng thư số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp (không bao gồm cá nhân), trừ chứng thư số đang còn hiệu lực theo hợp đồng ký trước ngày 01/01/2017”.
Như vậy, Thông tư số 17/2018/TT-BTC ban hành đã giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc của các CA công cộng, hỗ trợ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp.
Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 2433/QĐBTTTT quy định định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm tra, đánh giá hệ thống chứng thực chữ ký số
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, hàng năm Bộ TT&TT (Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia) duy trì hoạt động kiểm tra, đánh giá các CA công cộng.
Ngày 29/12/2017, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 2433/QĐBTTTT công bố định mức kinh tế - kỹ thuật kiểm tra, đánh giá hệ thống chứng thực chữ ký số.
Ban hành kèm theo quyết định là định mức và quy định hiện hành để xây dựng đơn giá, dự toán kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá hệ thống chứng thực chữ ký số theo quy định.
Các định mức cụ thể gồm: kiểm tra, đánh giá hoạt động công bố thông tin, công tác quản lý các hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động kiểm soát môi trường, công tác kiểm soát vòng đời khoá của CA, hoạt động kiểm soát vòng đời khoá thuê bao, hoạt động kiểm soát vòng đời chứng thư số.
Định mức xác định các nội dung hao phí trong hoạt động kiểm tra, đánh giá hệ thống chứng thực chữ ký số bao gồm hao phí nhân công trực tiếp, hao phí vật liệu, hao phí thiết bị.
Triển khai kế hoạch chuyển đổi chuẩn hàm băm an toàn của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1411/QĐ-BTTTT ngày 11/8/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi chuẩn hàm băm an toàn của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia) đã bám sát kế hoạch đã đề ra, cụ thể:
- Cấp chứng thư số thử nghiệm sử dụng chuẩn hàm băm an toàn SHA - 256 (gọi tắt là chứng thư số thử nghiệm) đối với các CA công cộng đã được cấp giấy phép mới trong năm 2015.
- Thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép mới và cấp chứng thư số thử nghiệm đối với các CA công cộng hết giấy phép trong năm 2016.
Thông qua quá trình thử nghiệm, cho thấy hệ thống của các CA công cộng cơ bản đã đáp ứng việc chuyển đổi chuẩn hàm băm SHA - 256. Tính đến 30/6/2018, NEAC đã hoàn tất việc cấp chứng thư số thử nghiệm cho 08/08 CA công cộng đang hoạt động trên thị trường.
- Phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Bảo hiểm xã hội và các đơn vị cung cấp ứng dụng sử dụng chữ ký số để xác thực tiến hành kiểm thử chứng thư số thử nghiệm thông qua các buổi làm việc, trao đổi và thử nghiệm hệ thống kỹ thuật của các bên ứng dụng.
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến ban hành quyết định điều chỉnh kế hoạch trong Quyết định số 1411/QĐ-BTTTT với một số nội dung:
- NEAC phối hợp cùng các CA công cộng thống nhất quy định về định dạng chứng thư số và tiến hành cấp chứng thư số cho các CA công cộng theo chuẩn hàm băm an toàn SHA-256 trong năm 2018.
- Các CA công cộng cấp cho thuê bao chứng thư số SHA-256 và ngừng cấp chứng thư số SHA-1 cho thuê bao từ ngày 30/6/2019.
- NEAC phối hợp cùng các CA công cộng hỗ trợ Tổng cục Hải quan và một số ngân hàng lớn (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) chuyển đổi sang SHA-256.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước; năm 2017, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng và triển khai chữ ký số tại các cơ quan nhà nước.
Đoàn công tác đã kiểm tra, đánh giá tại 09 đầu mối cơ quan nhà nước gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 07 địa phương trên cả nước (Cà Mau, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Lào Cai, Nghệ An, Trà Vinh).
Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ quan được kiểm tra đã cơ bản chấp hành tốt và triển khai đầy đủ các văn bản của Nhà nước liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp.
Hầu hết các cơ quan nhà nước đã thể chế hoá việc áp dụng chữ ký số thông qua việc ban hành các văn bản quy định. Các cơ quan được kiểm tra đã tích cực trong việc tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về chữ ký số.
Các cơ quan, đơn vị đã tập trung áp dụng văn bản điện tử có chữ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp dùng chung. Một số đầu mối đạt tỷ lệ trên 90% văn bản điện tử gửi nhận giữa các đơn vị trong nội bộ có chữ ký số.
Qua quá trình kiểm tra, cũng nhận thấy bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập. Vì vậy trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ iếp tục phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các chính sách, biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng chữ ký số.
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động
Hiện nay, chữ ký số dành cho doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, chủ yếu phục vụ cho việc kê khai thuế điện tử, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội điện tử. Trong khi chữ ký số dành cho cá nhân còn khá ít. Trong khi đó, năm 2017 có hơn 120 triệu thuê bao di động phát sinh lưu lượng trên cả nước, trong đó có 47.750.657 thuê bao phát sinh lưu lượng dữ liệu (điện thoại thông minh) vì vậy nhu cầu và tiềm năng sử dụng chữ ký số trên các thiết bị di động tại Việt Nam là rất lớn và thực sự cần thiết trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chữ ký số, NEAC đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước đi trước, tham khảo tiêu chuẩn và khuyến nghị của các tổ chức tiêu chuẩn như NIST, ITU...
Bên cạnh đó, NEAC cũng tổ chức các buổi làm việc, phối hợp với một số tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã nghiên cứu, thử nghiệm các giải pháp Mobile PKI trong nội bộ CA.
Nhằm đề xuất ban hành các chính sách cần thiết để có thể triển khai chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam, ngày 12/4/2018, NEAC đã tổ chức Hội thảo “Chính sách và giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam” với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực chữ ký số, các CA công cộng, CA chuyên dùng, các đơn vị phát triển phần mềm và các tổ chức, cơ quan có liên quan.
Trên cơ sở kết quả Hội thảo và kết quả nghiên cứu trong thời gian vừa qua, NEAC đề xuất bổ sung một số quy định, danh mục tiêu chuẩn bắt buộc về chữ ký số và triển khai đề án “Nghiên cứu, đề xuất và triển khai thí điểm dịch vụ chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam”.
Bên cạnh các hoạt động trên là công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức và trình độ ứng dụng chữ ký số.
Một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới chữ ký số ban hành giai đoạn 2017 - 2018
Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước
Quyết định quy định việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (bao gồm: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc).
Theo đó quyết định quy định giá trị của văn bản điện tử; nguyên tắc gửi, nhận văn bản điện tử; yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử; các loại văn bản điện tử và đầu mối gửi, nhận văn bản điện tử; quy trình gửi, nhận văn bản điện tử, nội dung và yêu cầu thông tin của văn bản điện tử; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, bảo đảm an toàn thông tin, bảo đảm giải pháp kết nối, liên thông.
Quyết định cũng quy định trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện quyết định này. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 9 năm 2018.
Thông tư số 133/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước
Thông tư này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước và áp dụng đối với các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước, các đơn vị giao dịch có giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước, các cơ quan trong ngành tài chính có giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản, các đơn vị cung cấp thông tin để lập Báo cáo tài chính nhà nước, các tổ chức có giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước và các giao dịch điện tử khác trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước (nếu có).
Thông tư quy định về chữ ký số, chứng từ điện tử, văn bản điện tử và bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử. Đồng thời, thông tư cũng quy định chứng từ điện tử, văn bản điện tử, hồ sơ giao dịch đều phải có đầy đủ chữ ký số theo quy định tại thông tư.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2018 và thay thế Thông tư số 209/2010/ TT-BTC ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính quy định giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc nhà nước.
Thông tư số 134/2017/TT-BTC ngày 19/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán
Thông tư này hướng dẫn hoạt động giao dịch chứng khoán trực tuyến, hoạt động trao đổi thông tin điện tử trên thị trường chứng khoán và các hoạt động khác liên quan đến giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán.
Thông tư quy định về yêu cầu hạ tầng, kỹ thuật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến đối với công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến. Hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến phải tích hợp giải pháp có sử dụng chứng thư số, chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và các giải pháp xác thực khác (nếu có) theo quy định tại thông tư.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định về phiếu lệnh điện tử, cụ thể “Phiếu lệnh điện tử phải được ký bằng chữ ký số hoặc gắn liền, kết hợp một cách lô gíc với thông tin xác thực của nhà đầu tư theo quy định tại Điều 8 Thông tư này trước khi được gửi vào hệ thống”.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2018 và thay thế Thông tư số 87/2013/ TT-BTC ngày 28/6/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán.
Nghị định 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật giao dịch điện tử; quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật liên quan.
Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc thủ tục hành chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Việc sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Nghị định quy định cụ thể việc chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử. Theo đó, về phương thức chuyển đổi, chứng từ giấy được chuyển thành điện tử bằng hình thức sao chụp và chuyển thành tệp tin trên hệ thống thông tin, hoặc nội dung của chứng từ giấy được chuyển thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông tin.
Chứng từ điện tử phải đáp ứng các điều kiện: Phản ánh đầy đủ nội dung của chứng từ giấy; đối tượng thực hiện (hoặc chịu trách nhiệm) việc chuyển đổi chứng từ giấy thành chứng từ điện tử thực hiện ký số trên chứng từ điện tử sau khi được chuyển đổi từ chứng từ giấy hoặc được xác thực bằng một trong các biện pháp xác thực được quy định.
Chứng từ điện tử phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Hình thức thể hiện, việc khởi tạo, gửi, nhận chứng từ điện tử và giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được thực hiện theo Luật giao dịch điện tử.
Chứng từ điện tử được chuyển đổi từ chứng từ giấy có giá trị như chứng từ giấy, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác. Theo đó, Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2019.