Biên chế "thủy quân"
Không biết từ bao giờ, họ nhà cẩu được đưa ra với lính đảo rồi trở nên thân thiết như những người bạn. Có thể nói không ngoa rằng, nhắc đến quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) mà không nói đến "quân khuyển" là một thiếu sót lớn.
Hôm chúng tôi tới thăm các điểm đảo của tuyến phía Nam, từng đàn chó từ lớn tới bé, con đực tới cả con đang mang bầu lũ lượt kéo ra tận mép biển chờ. Có lẽ vì quanh năm chỉ được nhìn thấy sóng gió, nên đàn chó ở đây rất "thèm hơi đất liền". Nhiều chú chó sẵn sàng lao xuống biển, vượt sóng mừng đón đoàn dù chẳng biết người lạ hay quen.
Tại đảo Đá Lát, khi bước chân lên đảo, chúng tôi bắt gặp những chú chó hiền lành cùng đứng "gác" với người chiến sĩ trẻ bên bia chủ quyền. Trung úy Nguyễn Thành Trung chia sẻ: "Chó đây không những là biên chế "thủy quân" đặc biệt mà còn là những người bạn thân thương, trung thành với người lính đảo. Ban ngày, chúng vẩn vơ trên cầu tàu, hay lang thang ở bờ cát nhưng ban đêm chính là… đội quân tinh nhuệ của đảo. Đêm về, cả hòn đảo chìm trong thinh lặng, nhưng chỉ cần tiếng động rất nhẹ của cá quẫy, âm thanh khác lạ của tiếng sóng vỗ là những chú chó đã vùng dậy, đôi mắt sáng quắc như hai đốm lửa xuyên đêm. Mỗi chú chó đều có tên riêng với những tính cách riêng, chúng khôn và bơi lội rất giỏi. Cuối năm ngoái, 6 chú chó của đảo bơi ra bãi cạn, lúc mải chơi quên đường về. Hôm đấy, biển động dữ dội, cứ tưởng chúng sẽ bị cuốn ra biển, nhưng sau đó đều bơi trở vào đảo an toàn".
Mỗi chú chó trên đảo đều có chiến sĩ chăm nuôi riêng theo phân công, nhưng mọi người thường xuyên cho ăn uống và yêu quý vật nuôi chung này.
Người cũ về lại bàn giao cho người mới nuôi.
Trong số các điểm đóng quân, chúng tôi ấn tượng nhất có lẽ là đàn chó trên đảo Thuyền Chài. Những chú chó ở đây cao lớn, mập mạp và rất quấn người. Đặc biệt là chú chó hiếm hoi còn sót lại sau cơn bão Tembin quét qua đảo hồi cuối năm 2017 được đặt tên là "Bảy chột". Theo cán bộ, chiến sỹ trên đảo, với đôi tai thính, mắt sáng và khả năng phát hiện mục tiêu từ xa, đặc biệt là mục tiêu lạ trên biển, những chú chó luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sỹ trong những ca gác hay đi tuần tra..
Ở đảo Đá Tây, chúng tôi được một phen "mắt tròn mắt dẹt" khi chứng kiến lũ chó tinh khôn biết… chăn vịt. Vì là đảo chìm, nên đàn vịt mà các chiến sĩ ở đây mất rất nhiều công sức mới gây dựng được, cứ sểnh ra là lại nhảy xuống biển để thỏa sức vẫy vùng. Tuy nhiên, nhiều lúc sóng gió bất ngờ, vịt ta không kịp quay về bờ nên bị sóng đánh dạt ra ngoài biển và chìm dần. Thật may đám khuyển ở đây không cần người huấn luyện vẫn biết luôn theo sát đám vịt. Con nào hễ có ý định bỏ đàn để bơi ra xa liền bị đuổi lên bờ ngay tắp lự.
Đảo trưởng đảo Đá Đông Hồ Anh Tuấn còn khoe với chúng tôi: "Biệt tài của các chú chó ở đây là bắt cá như hải cẩu. Đôi lúc không phải để ăn hay "phục vụ bếp" mà đơn thuần chỉ do thích. Để bắt được mồi, có chú kiên trì "phục" dưới nước cả giờ và chỉ cần có chú cá nào lượn lờ qua những rặng đá san hô trước mắt thì "phốc", một cú tấn công trực diện xuống nước, chú cá đã nằm vẫy vùng trên miệng. Và thêm một cú hất đầu ra sau nữa là con cá đã dãy đành đạch trên bờ và những chiến sĩ ta sau đó ra thu lượm… chiến lợi phẩm. Ban đầu, đàn chó theo anh em chiến sĩ đi lùa cá, bắt cá ở vùng bãi san hô ngầm, sau dần quen và tự đi "tác chiến" một mình".
Đến đảo Trường Sa lớn, chúng tôi được chiêm ngưỡng những chú chó chiến binh hùng dũng. Những "đặc nhiệm chính quy" này được huấn luyện bài bản, được đưa từ trường Trung cấp Huấn luyện Chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ra đảo. Nhưng ngày đầu tiên ra đảo, do quen sống ở môi trường tác chiến trên bộ, hưởng không khí mát mẻ, nên các "đặc nhiệm" õng ẹo, lơ ăn. Để thích nghi môi trường sống và địa bàn tác chiến, cán bộ huấn luyện phải tập cho các "đặc nhiệm" này không những làm quen với gió biển, chạy được trên cát, không sợ sóng lớn, có thể vừa bơi vừa chiến đấu được mà còn phải ăn được cả cá biển, cơm, rau, thịt hộp… Bây giờ cả hai đội quân "đặc nhiệm" và "thủy quân" đều thuần thục các phương án tác chiến.
"Khuyển mã" chi tình
Mỗi khi có khách từ đất liền ra thăm, những chú chó ở quần đảo Trường Sa cùng các cán bộ, chiến sỹ ra tận mép biển đón. Ảnh: Cao Tuân
Chiến sỹ trẻ Lý Văn Cảnh, đảo Thuyền Chài vẫn nhớ như in ngày đầu ra đảo nhiều bỡ ngỡ, lo lắng. Nhưng khi bước chân lên đảo, Cảnh và đồng đội đã nhận được sự chào đón nhiệt thành của cán bộ, chiến sỹ và những chú chó được nuôi ở trên đảo. "Khi em đứng gác, chó nằm dưới chân bầu bạn cùng. Trong sinh hoạt đời thường, chúng cũng luôn đồng hành cùng chiến sỹ. Công tác ở đảo xa, tuy nhớ nhà nhưng có những chú chó ở bên làm bạn đã giúp em vơi đi nỗi nhớ quê hương, vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Chó ở Trường Sa là vậy, thân thương, gần gũi nên có những chiến sĩ khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa về với đất liền ngoài nỗi nhớ đồng đội, nhớ trái bàng vuông, nhớ cây bão táp, nhớ những đêm thức trắng bồng súng đứng gác… còn nhớ đến những chú chó luôn quanh quẩn bên mình. Lính Trường Sa còn kể cho chúng tôi rằng, chó mang từ đất liền ra Trường Sa thì có thể sống khỏe mạnh. Ấy thế nhưng nếu ai đó mang chúng về đất liền nuôi thì đều lơ ngơ rồi sinh bệnh tật ốm yếu, gầy mòn mà chết.
Ngoài tính kỷ luật, giác quan vô cùng nhạy bén và tài bơi biển, săn cá thì chó ở Trường Sa luôn dành tình cảm vô điều kiện cho các chiến sĩ. Ngay cả khi đoàn đến thăm, khách chỉ lưu lại một buổi hay vài tiếng và rời đi, đàn chó lại tiễn ra tận mép nước, dõi ánh mắt theo chiếc xuồng ngày càng xa dần.
Rồi một năm có hai đợt thay thu quân, chia tay các chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ. Những chú chó cố hết sức bơi theo chiếc xuồng máy chở các chiến sĩ về đất liền như không bao giờ muốn rời xa. Cảnh tượng này khiến những người lính dạn dày sương gió cũng phải quay mặt đi, sợ không nén nổi lòng mình khi nhìn thấy…
Cách đây mấy năm, Trung tá Trần Văn Nhật nhận nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh cũng là lúc một người bạn hoàn thành nghĩa vụ đã tặng chú chó tên Trắng. Lúc ấy, nó còn rất bé và bị ốm. Mấy ngày liền nó bỏ ăn, người cứ rũ như tàu lá héo. Thương quá, anh Nhật lấy khẩu phần sữa của mình pha cho nó uống. Rồi lại ghiền cơm với thịt hộp, cá hộp cho nó ăn. Được một tuần thì nó dứt bệnh.
Trắng ta phổng phao dần và trở thành chú chó đẹp nhất đảo. Và cũng từ đó, nó rất quyến luyến anh Nhật, đi đâu nó cũng bám theo. Chủ ngồi đâu thì nó ngồi xuống canh chừng. Hôm biết tin được về đất liền, anh Nhật gọi nó ra một góc, rồi tâm sự "Mày ở lại nhé, tao phải về với vợ con thôi". Thế là suốt một tháng sau đó, khuôn mặt Trắng lúc nào cũng rầu rầu, như chực khóc đến nơi.