Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. (Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)
Cuốn sách là một hệ thống 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho đến nay; nội dung xuyên suốt là sự phân tích biện chứng, lập luận chặt chẽ, sắc bén, lý giải sâu sắc, thấu đáo nhiều câu hỏi lớn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tinh thần của cuốn sách cũng là những giá trị cốt lõi của đường lối lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, là sự đúc kết về mặt lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới và có giá trị định hướng chiến lược lâu dài của Đảng. Điều đó được thể hiện rõ trong từng bài viết của cuốn sách trên các bình diện chính trị, kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Trên cơ sở những giá trị cốt lõi chung, nền tảng căn bản của khát vọng nhân loại, tác giả cuốn sách đã tổng kết lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những trụ cột: (i) xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; (ii) do nhân dân làm chủ; (iii) có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; (iv) có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; (v) con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; (vi) các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; (vii) có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; (viii) có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Để xây dựng được xã hội phù hợp với những giá trị tiến bộ của nhân loại ở Việt Nam, chúng ta cần thực hiện một hệ thống các giải pháp toàn diện và hoàn chỉnh. Hai giải pháp đầu tiên mà đồng chí Tổng Bí thư đề cập trong cuốn sách là: (i) đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; và (ii) phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa là giải pháp để đạt mục tiêu, vừa là nhiệm vụ cần thực hiện trong suốt chặng đường phát triển đất nước.
Việc khẳng định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, thêm một lần nữa chúng ta tuyên ngôn với thế giới về một mô hình kinh tế thị trường được tiếp thu, kế thừa các giá trị của các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới, tôn trọng những quy luật và nguyên tắc chung của kinh tế thị trường nhưng mang bản sắc Việt, phù hợp với lịch sử phát triển cũng như hiện trạng nền kinh tế, phù hợp với con đường mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn để hướng tới.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là một phiên bản “không đầy đủ” của kinh tế thị trường, mà hơn thế, là một kiểu kinh tế thị trường mới, là một mô hình tiến bộ, thể hiện rõ ở mục tiêu hướng tới, là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rõ ràng là kết quả của sự tìm tòi, học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm hay, trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, và là một thành quả lý luận quan trọng của Đảng ta qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới. Xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc của thế giới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã được hình thành và phát triển qua nhiều nấc thang khác nhau. Nội hàm của khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được phát triển qua hơn ba thập kỷ đổi mới và phát triển của nước ta.
Đã không ít ý kiến nghi ngờ về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một mô hình kinh tế thị trường chưa có tiền lệ về tính khoa học, tính thực tiễn. Bằng những đột phá về lý luận, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong nền kinh tế này, các tổ chức kinh tế vừa tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường vừa được điều chỉnh và dẫn dắt bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội ở ba phương diện: sở hữu, quản lý và phân phối.
Theo tác giả, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa toàn diện.
Một trong những nội dung chính của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là làm rõ nội hàm, bản chất của sở hữu và thành phần kinh tế, theo đó, mô hình này còn nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, chúng đan xen, cùng vận động trong một thể thống nhất, cùng hợp tác và phát triển. Các thành phần kinh tế là những bộ phận hữu cơ của nền kinh tế và hoạt động bình đẳng trước pháp luật.
Nhà nước có vai trò tạo lập môi trường thể chế phù hợp để các thành phần kinh tế phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với nhau. Một trong những đặc điểm khá nổi bật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa khi so sánh với các nền kinh tế thị trường khác là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Một trong ba mặt của quan hệ sản xuất, đó chính là quan hệ phân phối. Quan hệ phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thực hiện chủ yếu dựa trên kết quả lao động, bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Việc thiết kế hệ thống phân phối hai tầng (phân phối lần đầu và phân phối lại), vừa bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau, vừa hướng tới mục tiêu mọi người đều được hưởng thành quả của tăng trưởng.
Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng tương tự vai trò của Nhà nước trong các mô hình kinh tế thị trường khác, đó là Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng các công cụ của mình, bao gồm: (i) pháp luật; (ii) chiến lược; (iii) quy hoạch; (iv) kế hoạch; (v) chính sách; và (vi) lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tính ưu việt, giá trị nhân văn sâu sắc, tính nhân bản và tiến bộ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn được thể hiện ở thuộc tính “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế thị trường, theo đó, thuộc tính, đặc trưng này thể hiện ở tiến bộ và công bằng xã hội trong từng giai đoạn phát triển, trong mỗi chính sách phát triển, cụ thể: (i) gắn kinh tế với xã hội; (ii) thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội; (iii) tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Thuộc tính đó được thể hiện thông qua: (i) mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; (ii) mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; và (iii) khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn.
Có thể nói rằng, những luận điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã đề cập toàn diện và sâu sắc các mặt, các khía cạnh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và đã luận giải về vai trò của nền kinh tế này trong con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tác giả đã khẳng định một cách thuyết phục việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là một tất yếu khách quan, là sự đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn phát triển Việt Nam, là sự sáng tạo mang tính đột phá về lý luận trên cơ sở những kinh nghiệm thế giới và thực tiễn phát triển Việt Nam. Lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá về mặt lý luận của Đảng ta, bổ sung vào kho tàng lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.