Qualcomm muốn thúc đẩy công nghệ 4,5G vào Việt Nam

Thứ năm, 24/09/2015 11:31

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, hiện xu hướng trên thế giới chuyển sang mạng 4,5G vì công nghệ này có tốc độ vượt trội. Qualcomm muốn thúc đẩy công nghệ 4,5G tại Việt Nam trong bối cảnh các nhà mạng sắp triển khai 4G.

img

Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương

Ông Thiều Phương Nam cho biết, hiện có 422 mạng 4G ở 143 quốc gia được thương mại hóa, cung cấp dịch vụ tới người dân trong tổng số 670 nhà mạng ở 181 quốc gia đầu tư cho 4G. Trong đó, có hơn 70 nhà mạng trên thế giới chuyển dịch công nghệ từ 4G lên 4G+ (4,5G). Ông Thiều Phương Nam cũng cho biết hiện ở một số quốc gia đã triển khai 4G đang có xu hướng chuyển sang giai đoạn tiếp theo là 4G+. Nếu như vào tháng 1/2015 chỉ có 20 mạng chuyển sang 4G+ thì tới tháng 7, con số này là 73 mạng, tốc độ cao nhất của 4G+ là 600Mbps.

Qualcomm đã nghiên cứu công nghệ ghép 2 sóng mang để có thể tăng tốc độ 4,5G.  Với công nghệ 4,5G, người dùng chỉ mất gần 2 phút để tải một video dung lượng 500 MB. Trên thực tế, tốc độ của nó còn vượt xa cả mạng kết nối bằng cáp quang phổ biến hiện nay.

Ông Thiều Phương Nam cho biết, để đảm bảo tốc độ của công nghệ 4,5G thì cần quy hoạch băng tần đủ lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ nếu không tốc độ của 4,5G sẽ không được cải thiện nhiều so với 3G hiện nay.

“Nhu cầu người dùng sẽ quyết định thời điểm nhà mạng Việt Nam đưa công nghệ 4G+ vào khai thác. Điều này cũng giống như trước đây, vào năm 2009, các nhà mạng bắt đầu tung ra 3G với tốc độ là 7,2 Mbps, sau đó đã nâng cấp lên 3G+ có tốc độ 42 Mbps. Nhiệm vụ hàng đầu của Qualcomm tại Việt Nam sẽ thúc đẩy công nghệ 4,5G. Hiện hầu hết các chipset của Qualcomm đã hỗ trợ 4G+” ông Thiều Phương Nam nói .

Trước câu hỏi liệu các nhà mạng có nên chờ thu hồi vốn triển khai 3G rồi mới tính đến kế hoạch nâng cấp mạng 4G, ông Thiều Phương Nam cho rằng trong lĩnh vực di động, để thúc đẩy ứng dụng trong ngành di động thì hạ tầng mạng đóng vai trò quan trọng vì hạ tầng mạng tốt thì nhà mạng sẽ có doanh thu và lợi nhuận mới cao được. Do đó, việc triển khai 4G kịp thời sẽ giúp kích thích người dùng sử dụng dịch vụ và từ đó các nhà mạng mới tăng thêm nguồn thu để bù vốn và thu lãi.

Trước đó, Bộ TT&TT cho rằng mạng 4G LTE đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu. Với ưu thế vượt bậc về khả năng cung cấp các dịch vụ truy nhập tốc độ cao, cùng với xu hướng dần phổ cập các thiết bị đầu cuối, có thể khẳng định mạng 4G LTE sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới, Tuy nhiên, triển khai 4G tại Việt Nam sao cho hiệu quả, bền vững là một vấn đề cần được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng.

Bộ TT&TT đã thực hiện quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 4G từ năm 2010. Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công  nghệ , thiết bị và các điều kiện khác, Việt Nam dự kiến sẽ tiến hành cấp phép cho các mạng thông tin di động này  từ 2016. Trong đó đảm bảo mục tiêu:  sử dụng hiệu quả băng tần cao để có thể tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Qualcomm vừa giới thiệu bộ vi xử lý mới nhất Snapdragon 820 tại thị trường Việt Nam. Trong thế hệ chip mới nhất của mình, Qualcomm đã tích hợp modem X12 LTE mới được nâng cấp vào bộ vi xử lý Snapdragon 820. Thiết bị này tích hợp cả công nghệ 4G LTE và Wi-Fi vào trong các thiết bị di động cao cấp. Nhờ đó điện thoại sẽ có thể hoạt động và gọi điện trên cả 2 mạng 4G và Wi-Fi để khi bước vào vùng không có sóng di động thì cuộc gọi vẫn được thực hiện mà không có sự gián đoạn. Tuy nhiên, công nghệ này mới chỉ được thực hiện tại các nước phát triển, Việt Nam chưa thể sử dụng được.
 
T.K
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top