PTIT triển khai chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số

Thứ sáu, 09/08/2024 16:39

Ngày 8/8/2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings (VMO) đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số theo mô hình kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nhà trường, một bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

PTIT và VMO hợp tác triển khai chuyên ngành đào tạo thiết kế vi mạch và bán dẫn

Nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong 5 trường Đại học được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Theo đó, từ năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã đào tạo chuyên ngành thiết kế chip với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức chuyên ngành và kỹ năng thực chiến theo chuẩn quốc tế, giúp sinh viên tự tin bước vào thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

PTIT triển khai chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số - Ảnh 1.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số theo mô hình kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nhà trường

Theo nội dung Biên bản hợp tác vừa được hai bên ký kết, với sự hỗ trợ chuyên môn từ hãng ARM- tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới, sinh viên sẽ được tiếp cận và thực hành trực tiếp trên cấu trúc chip bán dẫn của ARM. Giảng viên của chương trình là các chuyên gia của PTIT và VMO được đào tạo ở nước ngoài và có kinh nghiệm nghiên cứu về thiết kế FPGA tại Úc và Mỹ. Chương trình tập trung vào trải nghiệm thực tế, giúp sinh viên thực hành bài bản về cách thiết kế - kiểm thử vi mạch và ứng dụng trong ngành công nghệ bán dẫn một cách hiệu quả.

Đây là bước tiến quan trọng trong hợp tác giữa PTIT và VMO - Đối tác Đào tạo (AATP) mới của ARM tại Việt Nam. Chương trình nhằm đưa sinh viên tiếp cận công nghệ bán dẫn qua các chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao và ngành công nghệ bán dẫn cho Việt Nam. Theo đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu đến năm 2030 là đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ ngành bán dẫn. VMO và PTIT dự kiến sẽ đào tạo và cung cấp nhân sự thiết kế vi mạch cho các dự án của VMO nói riêng và thị trường nhân sự ngành bán dẫn nói chung.

PTIT triển khai chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số - Ảnh 2.

PGS.TS Đặng Hoài Bắc

Phát biểu tại Lễ ký kết PGS.TS Đặng Hoài Bắc chia sẻ: Tháng 11/ 2023, tại Anh Quốc, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông PTIT và Hãng ARM đã ký kết Biên bản hợp tác tăng cường mối quan hệ chiến lược nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hành trong giáo dục và nghiên cứu CEI và STEM, với sự tham gia của các đối tác công nghiệp, tổ chức giáo dục đại học (ĐH) và các đối tác khác. VMO mới đây đã chính thức trở thành Đối tác Đào tạo của ARM. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các bên bằng những cam kết mạnh mẽ hứa hẹn mang lại những giá trị to lớn cho người học, đó là những cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất thế giới cho sinh viên, môi trường trải nghiệm doanh nghiệp ngay từ sớm, những cơ hội việc làm trong nước và quốc tế…

PTIT triển khai chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số - Ảnh 3.

Ông Hoàng Tuấn Hải – Tổng Giám đốc VMO Holdings

Đồng quan điểm với Giám đốc Học viện, ông Hoàng Tuấn Hải – Tổng Giám đốc VMO Holdings cũng tin tưởng rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa PTIT và VMO khẳng định: "Với tiềm năng và lợi thế sẵn có của hai đơn vị, thời gian qua PTIT và VMO đã có những hoạt động hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Việc triển khai chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch cũng là bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa PTIT và VMO, nhằm mục tiêu chung trong việc giúp sinh viên tiếp cận và học về thiết kế vi mạch thông qua việc triển khai các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế; từ đó phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao nói chung và ngành công nghệ bán dẫn nói riêng cho Việt Nam".

Chủ tịch Arm Korea và Arm Việt Nam, Ông SW Hwang gửi lời chúc mừng tại lễ ký kết: "PTIT và VMO là hai đối tác đặc biệt nhất của Arm. PTIT là thành viên đầu tiên của chương trình Arm Academy Access tại Việt Nam, và VMO là Đối tác đào tạo chính thức của Arm tại Việt Nam. Tôi tin rằng chương trình đào tạo IC Design của PTIT và VMO sẽ góp phần đạt được mục tiêu của chính phủ Việt Nam, đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn có trình độ cao vào năm 2030. Việt Nam là một quốc gia trẻ với rất nhiều tài năng công nghệ, và Arm cùng các đối tác sẽ đảm bảo sự thành công của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam."

Chính thức ra mắt chứng chỉ "Thiết kế và Kiểm thử vi mạch bán dẫn chuyên sâu", xây dựng nền tảng cho tương lai công nghệ bán dẫn

Tại buổi ký kết, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã chính thức ra mắt chứng chỉ Thiết kế và Kiểm thử Vi mạch bán dẫn chuyên sâu và khoá đào tạo STEM cho sinh viên. Đây là một bước tiến quan trọng trong chiến lược đào tạo của PTIT, đồng thời góp phần vào mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam theo đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Sở hữu chứng chỉ Thiết kế và Kiểm thử Vi mạch bán dẫn chuyên sâu sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, đồng thời giúp các doanh nghiệp công nghệ cao có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Ban nguồn lực VMO Holdings tin rằng với nguồn lực mạnh mẽ từ PTIT, VMO và Arm, chương trình đào tạo thiết kế vi mạch và bán dẫn không chỉ hướng đến việc xây dựng nguồn nhân sự chuyên môn cao, mà còn chú trọng nuôi dưỡng tư duy đổi mới, phát triển năng lực sáng tạo, truyền cảm hứng khai phá công nghệ toàn cầu cho sinh viên Việt Nam.

PTIT triển khai chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số - Ảnh 4.

Theo TS. Nguyễn Trung Hiếu – Phó Khoa Phụ trách Khoa Kỹ thuật Điện tử 1: "Trở thành kỹ sư ngành vi mạch bán dẫn không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn mà còn cần đến đam mê và sự tận tâm học hỏi, tuy nhiên mức thu nhập lại rất đáng để kỳ vọng. Đây là một ngành nghề đầy tiềm năng để đầu tư cho những sinh viên/ kỹ sư mong muốn phát triển sâu và theo đuổi lâu dài trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với việc ra mắt chứng chỉ Thiết kế và Kiểm thử Vi mạch bán dẫn chuyên sâu và khoá đào tạo STEM cho sinh viên sẽ là hành trang cần thiết cho sinh viên, mở ra những cơ hội mới cho sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử nói chung và chuyên ngành Thiết kế chip nói riêng".

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ PTIT và các đối tác doanh nghiệp cũng công bố Biên bản hợp tác chiến lược trong liên minh đào tạo thiết kế vi mạch với Công ty TNHH Dolphin Technology Vietnam Center và Công ty TNHH Qorvo Việt Nam - những doanh nghiệp quốc tế đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển và hình thành hệ sinh thái ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp vi mạch bán dẫn là một trong những đột phá cho phát triển, là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hợp tác giữa PTIT - VMO - Arm ra mắt chứng chỉ Thiết kế và Kiểm thử vi mạch bán dẫn chuyên sâu một lần nữa khẳng định mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành vi mạch bán dẫn nói riêng và công nghệ thông tin nói chung của Việt Nam ra thế giới./.

Thảo Anh
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top