Thầy Lê Xuân Thiều, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ea Trol (huyện Sông Hinh) hướng dẫn học sinh học trực tuyến. Ảnh: NGÔ XUÂN
Nỗ lực dạy và học linh hoạt
Không may mắn như bạn, gia đình Lê Ô Hờ Ru Tơ không có ti vi, điện thoại, cũng chẳng biết đến cái máy tính. Mặc dù cha mẹ Hờ Ru Tơ rất muốn cho con được học trực tuyến như bạn bè, nhưng đành bất lực. Để theo đuổi việc học, Hờ Ru Tơ đã tự mày mò học theo tài liệu linh hoạt mà các thầy cô gửi. Hờ Ru Tơ chia sẻ: “Em cũng muốn học trực tuyến như các bạn, nhưng gia đình khó khăn nên em cố gắng tự học theo bài thầy cô gửi. Với em, được tiếp tục đi học đã là vui lắm rồi”.
Tại Trường tiểu học và THCS Ea Trol (huyện Sông Hinh), để giúp các em tiếp cận phương pháp dạy học linh hoạt, nhà trường đã tập huấn, phân công giáo viên phụ trách từng thôn buôn; đến từng nhà tìm hiểu điều kiện, hướng dẫn phụ huynh, học sinh cài đặt, sử dụng thiết bị, chương trình học. Cô Nguyễn Thị Minh Hiếu, giáo viên Trường tiểu học và THCS Ea Trol, cho biết: Ở miền núi, đường truyền internet thường không ổn định; các em học sinh lại không có đủ thiết bị học tập nên việc tổ chức dạy học trực tuyến rất khó khăn. Với những học sinh không có thiết bị học, giáo viên phải in tài liệu mang đến tận nhà học sinh, với mong muốn các em không bỏ lớp.
Theo ông Phạm Huy Văn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện nay, đơn vị vẫn đang chờ hướng dẫn, phân bổ thiết bị học trực tuyến của Chính phủ và các tổ chức hỗ trợ theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đồng thời, Sở GD-ĐT đã huy động trong nội bộ ngành, giáo viên ủng hộ 1 ngày lương mua máy tính; kêu gọi các hội cựu học sinh, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ máy tính và thiết bị học tập cho học sinh khó khăn. Tuy nhiên, việc vận động, kêu gọi trong thời điểm này rất hạn chế. Hiện toàn tỉnh có khoảng 19.310 học sinh không có thiết bị học trực tuyến, 20.029 học sinh không được tiếp cận sóng học trực tuyến, chủ yếu thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi.
Củng cố hạ tầng viễn thông
Bên cạnh việc đảm bảo thiết bị thì việc đảm bảo hạ tầng viễn thông cho việc dạy và học trực tuyến cũng cần được đặc biệt quan tâm. Theo Sở TT-TT, đơn vị đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để tìm giải pháp đảm bảo đường truyền internet phục vụ việc học trực tuyến. Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, Mobifone đều đã rà soát, xác định toàn tỉnh có 115 thôn chất lượng đường truyền internet không dây không ổn định; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp như tối ưu nâng cao chất lượng phủ sóng; mở thêm hướng từ trạm lân cận để phát sóng; bổ sung trạm lưu động 3G/4G; phát triển trạm BTS 3G/4G mới…
Ông Dương Quang Bình, Tổ trưởng Tổ Viễn thông Mobifone Phú Yên, cho biết: Đơn vị vừa bổ sung 3 trạm 3G/4G lưu động tại các vùng lõm sóng thuộc xã An Xuân, An Định (huyện Tuy An) và Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu), đồng thời tăng dung lượng, mở rộng băng thông để đảm bảo đường truyền; mở thêm hướng các trạm lân cận để phát sóng... Về lâu dài, đơn vị cũng lên kế hoạch bổ sung khoảng 20 trạm BTS, nhưng đến nay mới chỉ được chấp thuận 7 vị trí. Việc xây dựng các trạm BTS cũng vô cùng khó khăn vì vấp phải sự phản đối của người dân. Ngoài ra, Mobifone Phú Yên cũng tặng 750 sim miễn phí cho các học sinh nghèo, cận nghèo được truy cập 3G với dung lượng 4GB/ngày để các em học trực tuyến; tích hợp 2 tài khoản học online miễn phí. Với những học sinh đã có sim Mobifone cũng sẽ được tặng gói hỗ trợ tương tự.
Bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho biết: Hiện nay, mặc dù trên toàn tỉnh không còn địa bàn hoàn toàn không có sóng internet, nhưng vẫn còn một số khu vực bị “lõm” sóng hoặc đường truyền, dung lượng không đảm bảo. Sở TT-TT đã làm việc, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông mở rộng, nâng cao chất lượng đường truyền, đáp ứng được nhu cầu dạy và học trực tuyến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động triển khai các gói cước hỗ trợ, để mỗi học sinh đều được tiếp cận với chương trình hỗ trợ “Sóng và máy tính cho em” đầy tính nhân văn của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Chính phủ phát động, với mục đích hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia học trực tuyến. Về lâu dài, chương trình còn kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị hạ tầng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Sở TT-TT
|