Ảnh minh họa
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2021 Phú Thọ có 70% lực lượng lao động đã qua đào tạo, trong đó 28% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo; 85% dân số có điện thoại thông minh. Toàn tỉnh hiện có 100% cán bộ, công chức (CBCC) cấp tỉnh sử dụng thành thạo máy tính phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ và trong quản lý điều hành; 100% sở, ban, ngành bố trí cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT). CBCC tại các sở, ban, ngành được đào tạo, hướng dẫn, khai thác và sử dụng các hệ thống phần mềm dùng chung; đào tạo chuẩn kỹ năng về CNTT và tập huấn nâng cao trình độ về an toàn thông tin mạng. Đây là nguồn nhân lực quan trọng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của tỉnh với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu hụt một số lượng lớn lực lượng lao động có tay nghề cao. Kỹ năng ứng dụng CNTT của một bộ phận CBCC, nhất là ở cấp xã và kỹ năng sử dụng, khai thác thông tin trên môi trường mạng của người dân, doanh nghiệp ở một số nơi còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại này, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu lực, hiệu quả; trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số.
Ông Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Chuyển đổi số là một nhiệm vụ mới và là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, ngay khi bắt tay vào quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, chúng tôi xác định phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận và đảm bảo sự vào cuộc của cả cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số; nhất là trong việc sử dụng các phương tiện thông minh để tương tác với chính quyền, hình thành tầng lớp công dân điện tử.
Xác định rõ điều này, những năm gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị, chương trình làm việc về chuyển đổi số; tập huấn về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho đội ngũ cán bộ bộ phận một cửa, một cửa hiện đại cấp huyện, cấp xã. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân và toàn xã hội nâng cao nhận thức, hiểu sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu của chuyển đổi số. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận, khai thác các dịch vụ số để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đời sống.
Qua đó từng bước thay đổi tư duy và phát huy mạnh mẽ vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị; kịp thời cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử - chính quyền số.
Hòa chung dòng chảy chuyển đổi số của tỉnh, Trường Đại học Hùng Vương đã có những bước đi tích cực, phù hợp với tình hình thực tiễn.
“Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, nhà trường đã liên kết hợp tác với nhiều trường đại học, trung tâm đào tạo uy tín trong nước và quốc tế như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Quốc lập Đông Hoa (Đài Loan, Trung Quốc); Trung tâm đào tạo Nông nghiệp Ramat Negev (Israel)… Nhà trường đã và đang đào tạo, liên kết đào tạo hàng nghìn sinh viên chuyên ngành CNTT và nông nghiệp công nghệ cao; trong đó trên 90% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên có việc làm đúng chuyên môn ngay khi còn theo học trên giảng đường. Đặc biệt, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh, nhà trường đã xây dựng một học phần riêng về chuyển đổi số, dự kiến được giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật - Công nghệ của trường trong thời gian tới” - Tiến sĩ Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho biết.
Tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh, việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số, xã hội số cũng được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2021, toàn tỉnh có trên 800.000 người dân được đào tạo kỹ năng số cơ bản. Nhiều cán bộ chuyên môn của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch, tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa và quản lý chất lượng sản phẩm. Thông qua các hoạt động này góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số mà tỉnh đã đề ra.
Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực số, tạo mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có trên 3.400 cán bộ, công chức, viên chức các cấp được bồi dưỡng về Tin học; từ nay đến hết năm 2025 đảm bảo phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, dịch vụ mạng di động 5G và trên 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.