Phú Thọ: Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở TT&TT về triển khai chuyển đổi số

Thứ hai, 21/03/2022 14:48

Ngày 17/3/2022 vừa, đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì hội nghị nghe Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) báo cáo nội dung triển khai Chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

IMG-6293.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang ghi nhận vai trò chủ đạo, sự nỗ lực quyết tâm của Sở TT&TT trong công tác tham mưu, triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Đồng chí nhấn mạnh một số kết quả quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua như: Góp phần thay đổi tác phong làm việc của các cơ quan nhà nước; đổi mới hình thức thông tin truyền thông, nắm bắt, định hướng dư luận; đóng góp thiết thực trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19…Đồng chíkhẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị trong năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025 với tinh thần “càng đi sớm thì càng có lợi thế”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang yêu cầu: Thời gian tới, Sở TT&TT cần tập trung nâng cao hoạt động của chính quyền điện tử, chính quyền số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực; quan tâm xây dựng kinh tế số, xã hội số. Trong đó, nâng cao nhận thức, khuyến khích mọi thành phần kinh tế ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp. Đông thời, cần sự vào cuộc của tất cả các sở, ngành, đơn vị của tỉnh để triển khai các nhiệm vụ khó như: Triển khai dịch vụ công trực tuyếnđể nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức 4 đối với cả cấp tỉnh, huyện và cấp xã; thực hiện rà soát, cắt giảm, chuẩn hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công có số lượng hồ sơ thực hiện lớn.

Xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh để lưu trữ, phân tích, tổng hợp, xử lý dữ liệu về kinh tế, xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền; cung cấp dữ liệu mở và tiếp nhận thông tin phản hồi, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, hộ tịch. Khai thác hiệu quả, liên thông dữ liệu về dân cư, căn cước công dân.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số, phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang giao Sở TT&TT tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh theo yêu cầu của Chính phủ để thống nhất chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các cấp, các ngành, địa phương; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban Chỉ đạo về kết quả tại địa phương, đơn vị quản lý. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất đai, dân cư để cung cấp cho Kho dữ liệu số của tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai ứng dụng quản lý đầu tư; cung cấp dữ liệu, rút ngắn thời gian tìm hiểu, quyết định đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Đồng thời, Chủ tịch tỉnh yêu cầu, Sở TT&TT đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi số. Việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên cả hai lĩnh vực: Xây dựng chính quyền điện tử - chính quyền số và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tỉnh đã từng bước xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp với hệ thống một cửa điện tử được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Cổng Dịch vụ công của tỉnh kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để giải quyết thủ tục hành chính. Đến tháng 3/2022, hệ thống đã có 647 thủ tục hành chính được tích hợp, liên thông tiếp nhận, giải quyết với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.Năm 2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 349.887 hồ sơ, đạt 87,86%; UBND các huyện, thành, thị tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 56.732 hồ sơ, đạt 34,1%; UBND các xã, phường, thị trấntiếp nhận và giải quyết trực tuyến 48.069 hồ sơ, đạt 16,55%.

IMG-2704.jpg

Quang cảnh hội nghị.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh hoạt động ổn định; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có cổng/trang thông tin điện tử. Thị xã Phú Thọ và các huyện Yên Lập, Tam Nông, Cẩm Khê xây dựng trang thông tin điện tử thành phần tích hợp trên Cổng thông tin điện tử cấp huyện.100% các cơ quan nhà nước của tỉnh thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế văn bản giấy.Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh được khai thác và sử dụng hiệu quả, trong năm 2021 tổ chức 541 cuộc họp trực tuyến với hơn 3.000 điểm cầu, số đại biểu dự họp trên 250.000 người.

Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ được triển khai đồng bộ đến 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện, xã góp phần giảm tải đáng kể công tác báo cáo của các cấp chính quyền. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) từng bước được triển khai với 12 module khác nhau. Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) của tỉnh đảm bảo duy trì hoạt động ổn định đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ.

Đặc biệt, tỉnh đã chủ động triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: Hệ thống bản đồ COVID-19 của tỉnh (bando.phutho.gov.vn); hệ thống camera thông minh tại 21 chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; thành lập Trang thông tin “Phú Thọ với doanh nghiệp” trên nền tảng ứng dụng Zalo nhằm cung cấp các thông tin chủ trương, chỉ đạo của tỉnh về giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; triển khai Cổng Thông tin F0 (https://F0.phutho.vn) hỗ trợ quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà, nơi cư trú trên địa bàn tỉnh.

Nhiều ngành, lĩnh vực của tỉnh đã thực hiện hiệu quả chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động: Công an tỉnh triển khai Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh. Ngành Y tế triển khai cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, khai báo y tế điện tử, sổ sức khỏe điện tử; hệ thống camera thông minh tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh. Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai ứng dụng quản lý trường học, quản lý thư viện, thiết kế bài giảng điện tử. Các cơ quan báo chí của tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết bị; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, quản trị, biên tập, xuất bản các bản tin, chương trình trên các nền tảng số, từng bước xây dựng tòa soạn hội tụ, đa phương tiện…

Đối với vấn đề phát triển kinh tế số, xã hội số, tỉnh Phú Thọ hiện có trên 250 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 18.000 tỷ đồng, tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD. Nộp ngân sách nhà nước từ sản xuất, kinh doanh công nghệ thông tin đạt 120 tỷ đồng.

Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, người dân. Hỗ trợ xây dựng 5 bộ giải pháp kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh và giao dịch kinh doanh trên Internet. Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa.

Sở TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai ứng dụng thanh toán trực tuyến như VNPT-Pay, Viettel Pay, Mobile money; chỉ đạo tuyên truyền, quảng bá thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nông sản OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; phối hợp, hỗ trợ các nhà cung cấp, nhà sản xuất, các hợp tác xã, làng nghề, trang trại tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm OCOP đưa lên các sàn thương mại điện tử như: sàn Postmart.vn (VNPost), sàn Voso.vn (Viettel Post) trên địa bàn tỉnh; Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ (giaothuong.net.vn).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ  Bùi Văn Quang đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại như: Việc triển khai chuyển đổi số của tỉnh còn một số khó khăn như: Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 ở cấp xã chưa cao. Các cơ sở dữ liệu số của tỉnh và các ngành được triển khai còn ít so với nhu cầu phát triển. Việc khai thác các nền tảng, hệ thống, ứng dụng dùng chung còn hạn chế ở một số địa phương, đơn vị, nhất là ở cấp xã…

 

Bích Khuê/CTV Sở TT&TT Phú Thọ
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top