Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Thuê dịch vụ CNTT: Vướng nhất là ở tư tưởng”

Thứ năm, 23/11/2017 13:40

Phát biểu chỉ đạo cụ thể về việc ứng dụng CNTT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc triển khai thuê dịch vụ CNTT còn nhiều cái vướng, vướng về luật pháp, vướng về thủ tục, vướng về giá thuê, về kinh phí thuê, nhưng điểm vướng nhất vẫn là tư tưởng.

20171123-m18.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực thi Luật CNTT vào sáng 23/11/2017. Ảnh: Minh Quyết
 
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT do Bộ TT&TT tổ chức vào sáng ngày 23/11/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá cao Bộ TT&TT tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT. Phó Thủ tướng nhắc lại thời kỳ xây dựng Luật từ năm 2006 đã rất vất vả bởi lần đầu tiên Việt Nam đã đưa các nội dung về CNTT vào Luật, lần đầu đưa ra đầy đủ các trụ cột theo định nghĩa của toàn thế giới ra toàn xã hội và những người nào CNTT làm quen và thống nhất với những khái niệm mới.
 
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, 10 năm qua kinh tế xã hội nước ta đã tăng trưởng nhanh và được thế giới đánh giá cao, GDP tăng trưởng tốt vì chúng ta đã dành nhiều nguồn lực và đạt được thành tựu trong hỗ trợ, quan tâm cho những đối tượng nghèo. Về CNTT, trong cả 4 trụ cột từ hạ tầng, nguồn nhân lực, ứng dụng, công nghiệp CNTT đều phát triển hơn các mức trung bình chung của các ngành.
 
Phải đánh giá thực thi Luật CNTT một cách tổng thể
 
Nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng  thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế, những điểm vướng mắc trong quá trình phát triển CNTT của 10 năm qua. Phó Thủ tướng cho rằng, trong 4 trụ cột, trừ công nghiệp CNTT do có sự góp mặt của các tập đoàn kinh tế lớn như Intel, Samsung là có phát triển đột phá mạnh mẽ hơn, còn lại nhìn chung CNTT Việt Nam còn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Về kinh tế Việt Nam phát triển tính theo GDP bình quân đầu người đứng ở mức 120 của thế giới, vẫn xếp ở nhóm có mức thu nhập trung bình thấp. Về các mặt CNTT từ hạ tầng tới đào tạo có thứ hạng khá hơn ở mức 80.
 
“Nhưng có thể thấy là chúng ta không hài lòng với sự phát triển của CNTT trong 10 năm qua. Không phải chỉ lãnh đạo không hài lòng, mà tự bản thân anh em làm CNTT cũng không hài lòng. Vì trong thời gian qua mặc dù những người làm CNTT đã rất nỗ lực nhưng qua quá trình làm còn thấy vướng rất nhiều. Vướng có phải vì do Luật CNTT không? Mới nghe qua tưởng do Luật CNTT nhưng mà nghe kỹ hơn từ anh em trực tiếp làm CNTT thì vướng không phải chỉ do Luật CNTT mà còn do rất nhiều thứ khác. Do đó, khi thực hiện đánh giá Luật, phải nhìn nhận theo phương thức nên đặt kết quả phát triển CNTT với đánh giá toàn diện các hệ thống pháp luật chung có liên quan đến CNTT để có cái nhìn toàn diện hơn”, Phó thủ tướng nhân mạnh.
 
Cái vướng thứ hai được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra không chỉ do khuôn khổ pháp luật mà còn do tổ chức thực thi luật. Hiện nay việc thực thi luật có 2 tầng nấc, việc ra các văn bản dưới Luật theo báo cáo còn có nhiều điều chưa được hướng dẫn, hoặc có điểm bị kẹt không hướng dẫn được, điển hình là Nghị định 112 mà giờ đang phải tìm cách tháo gỡ. Thêm đó, còn có những hạn chế mà kể cả có khuôn khổ pháp lý rồi nhưng ta làm chưa tốt. Nguyên nhân có những thứ do khó khăn từ tình hình kinh tế xã hội chung, do thói quen của người tiêu dùng, nhưng cũng có trường hợp thực thi không tốt do chính những người làm CNTT. Do đó rất cần xem xét nghiêm túc đánh giá lại một cách toàn diện khi thực hiện trong những năm tới. Sau khi tổng kết Luật CNTT phải tạo những bước chuyển biến mới mà có những điều chưa cần phải sửa Luật.
 
Thuê dịch vụ CNTT: Vướng mắc lớn nhất là tư tưởng
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tập trung đánh giá việc thực thi từng trụ cột một trong 4 trụ cột của CNTT và đã có những chỉ đạo rất cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới.
 
Đầu tiên là về ứng dụng CNTT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tại sao lại chúng ta lại đặt ứng dụng  CNTT quan trọng hơn các trụ cột khác, vì ứng dụng CNTT là nền tảng của nền tảng, nếu ứng dụng tốt sẽ tác động tới trực tiếp tới việc ứng dụng CNTT trong tất cả các doanh nghiệp các ngành khác, ứng dụng CNTT thì bộ máy hành chính phải gương mẫu đầu tiên.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc chậm triển khai CNTT trong bộ máy hành chính không phải do lỗi của anh em làm tin học. Phó Thủ tướng nhắc lại chuyện trước đây, hồi Phó Thủ tướng đang làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, khi đó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thế Thảo đã giao nhiệm vụ: “Riêng về CNTT là anh Đam chỉ đạo không phải Chủ tịch chỉ đạo”. Chỉ khi lãnh đạo tỉnh quyết tâm, khi đó thì việc ứng dụng CNTT ở Bắc Ninh mới triển khai nhanh và hiệu quả được.
 
Việc ứng dụng CNTT ở các địa phương, các bộ ngành, quan trọng nhất là bộ máy phải chấp nhận thay đổi, chấp nhận mọi thứ phải công khai minh bạch. Ví dụ trước đây một người xử lý tài liệu, ngâm cả tháng không ai biết, khi đưa CNTT vào ai chậm, ai lười sẽ lộ ra ngay. Đấy là nói về thời gian thôi, còn việc khi đưa CNTT vào sẽ không có chuyện mờ ám được. Sẽ không có chuyện hôm nay phê “đồng ý” nhưng phải ghi thêm “cần lưu ý”, CNTT sẽ làm cho mọi việc được giải quyết minh bạch hơn.
 
Phó Thủ tướng nói: "Đối với những người làm CNTT cũng phải sửa bằng được thói quen ở Sở, ở Cục, hay Trung tâm không được nghĩ "ta là người giỏi nhất". Tất cả anh em làm CNTT thừa biết thế nào là triết lý thuê ngoài, thế nào là đám mây. Ở các Sở CNTT dù có tuyển nhân lực giỏi đến đây, thì mấy năm sau anh em cũng không thể cập nhật tất cả các kiến thức mới nhất ở bên ngoài được. Vì thế, Chính phủ đã khuyến khích nên thuê ngoài, phải thuê ngoài để cung cấp dịch vụ CNTT. Tuy nhiên có cơ quan sáng tác ra thuê máy, thuê phần mềm và cho rằng đó là thuê ngoài là không đúng, nếu chúng ta thuê máy, thuê phần mềm nhưng không ra dịch vụ cung cấp cho người dân cũng là lãng phí, mà phải thuê cung cấp các dịch vụ cuối cùng".
 
Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, các sở phải đặc biệt lưu ý điều này. Làm CNTT không như làm một con đường, nếu năm nay ta làm con đường có ít xe đi nhưng con đường nó còn nguyên đó đó. Nhưng CNTT thì khác, chúng ta mua máy mua phần mềm, bỏ tiền làm dữ liệu nhưng không ra được dịch vụ, một hai năm sau giá trị mua máy, thuê làm dữ liệu đó chỉ còn giá trị một nửa. Việc thuê máy, thuê phần mềm rồi để đó ít nhất là mắc lỗi lãng phí, chưa nói đến tiêu cực. “Các đồng chí bỏ ngay cái kiểu đi báo cáo lãnh đạo rằng, thuê doanh nghiệp ngoài làm sẽ không bảo đảm an ninh. Tôi hỏi các đồng chí có trung tâm nào tự làm con chip, tự làm ra máy tính, tự viết phần mềm hay không hay vẫn phải đi mua. Không phải cái máy chủ đặt tại trụ sở tỉnh, ở Sở mới đảm bảo an ninh, cái này phải quán triệt tới tất cả các tỉnh. Hiện nay việc thuê dịch vụ CNTT có thể còn vướng về luật pháp, vướng về thủ tục, vướng về giá thuê, nhưng điểm vướng nhất vẫn là tư tưởng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ICTnews
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top