Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama; cùng đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ thông tin-truyền thông trong nước và quốc tế.
Đổi mới mạnh mẽ, với các tiêu chí minh bạch, cụ thể và có lộ trình mang tính bắt buộc
Với chủ đề “CNTT và quản trị thông minh” - Vietnam ICT Summit 2015 đã tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản trị các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội như: Dịch vụ công; y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị và nguồn nhân lực CNTT. Các nội dung này sẽ được trao đổi và thảo luận trong 4 tọa đàm chuyên đề của Diễn đàn: CNTT nâng cao năng lực ngành y tế; phát triển nguồn nhân lực CNTT; CNTT nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng dịch vụ công; CNTT- phát triển giao thông thông minh, xây dựng đô thị đáng sống.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ vui mừng về sự phát triển của CNTT-TT trong những năm qua. Theo đó, CNTT có tốc độ tăng trưởng 16% trong năm 2014, đứng trong top 5 nước có tốc độ tăng trưởng CNTT - TT nhanh nhất thế giới… Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, một vấn đề còn trăn trở là trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc (LHQ), thứ hạng của Việt Nam đã tụt 19 bậc (đứng thứ 99). Nguyên nhân chủ yếu là do hai nhóm chỉ số: Do thống kê của LHQ về nguồn nhân lực, trong đó có 2 chỉ số là số năm học kỳ vọng của trẻ em và số năm học thực tế của người lớn (chỉ số này chiếm ½ đánh giá của LHQ). Chỉ số tiếp theo là về hạ tầng, do Việt Nam siết chặt về thuê bao (từ 200 triệu xuống còn khoảng 130 triệu) nên chỉ số tụt xuống.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hiện tại đang đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT và hiểu được những vấn đề của ngành CNTT nước nhà. Phó Thủ tướng đã đặt ra một yêu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam rằng, các doanh nghiệp CNTT – TT cần phải thay đổi.
“Chúng ta đã có đầy đủ các văn bản, từ Đảng, Nhà nước, các chiến lược cụ thể. Nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện nó như thế nào. Tôi cho rằng, bám sát các tiêu chí trên, chúng ta sẽ có các bước đi cụ thể”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Chẳng hạn, bảo hiểm y tế đang chi trả tới 50.000 tỷ đồng/năm. Việc không ứng dụng CNTT có thể để xảy ra thất thoát và nếu chỉ cần một vài phần trăm số liệu không minh bạch thì số tiền này sẽ lên tới bao nhiêu? Bộ Xây dựng cũng đang muốn thiết lập hệ thống cấp giấy phép xây dựng qua mạng trên toàn quốc để khắc phục các khó khăn và bất cập trong việc cấp giấy phép.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ đã đưa ra các quy định về thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực liên quan đến người dân như: Y tế, bảo hiểm, giáo dục, giao thông, thuế… Quan điểm của Chính phủ là đổi mới mạnh mẽ, với các tiêu chí minh bạch, cụ thể và có lộ trình mang tính bắt buộc. Các chuyên gia, các nhà quản lý sẽ chỉ ra những những khó khăn và giải pháp tháo gỡ khó khăn dựa trên việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, những giải pháp đột phá, lâu dài và bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước.
Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin
Cũng tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2015, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết: Trong thời gian vừa qua, sự phát triển CNTT đã có một số kết quả đáng ghi nhận. Công nghiệp CNTT luôn duy trì là ngành kinh tế kỹ thuật đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Trong năm 2014 vừa qua, tổng doanh thu công nghiệp CNTT ước tính đạt hơn 27 tỷ đô la Mỹ. Các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT tiếp tục phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ. Đến nay, 100% cơ quan Nhà nước có trang/cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nguồn nhân lực CNTT đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tổng số nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt khoảng 350.000 người. Hệ thống đào tạo nhân lực CNTT tiếp tục được duy trì ổn định với khoảng 290 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề về CNTT - truyền thông. Hạ tầng CNTT và viễn thông ngày càng phát triển đã giúp cho việc kết nối liên thông giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội trở nên nhanh chóng, kịp thời, an toàn, bảo mật. Công tác bảo đảm an toàn thông tin được nâng cao về nhận thức và hành động, góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên thông tin và giữ vững chủ quyền số quốc gia. Số lượng thuê bao Internet băng rộng đạt khoảng 12 triệu thuê bao.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, trong thời gian tới, Bộ sẽ cùng các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp có liên quan tiếp tục tham mưu, triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong đó, chú trọng tới việc kiện toàn, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phương thức chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin và các Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin. Người đứng đầu các cấp, các ngành sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị và địa phương mình.
Vietnam ICT Summit 2015 cũng đón tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn phát triển của Nhật Bản trong việc ứng dụng CNTT-TT vào đời sống và xã hội. Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham gia của trên 500 đại biểu, với khoảng 2/3 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp cao của các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước, tập đoàn, đơn vị ứng dụng CNTT và 1/3 là lãnh đạo các doanh nghiệp phát triển giải pháp CNTT.
Được tổ chức thường niên từ năm 2011, Vietnam ICT Summit đã trở thành một diễn đàn chính sách, công nghệ và hợp tác kinh doanh quan trọng nhất của ngành CNTT Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng chủ trương của Đảng và các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy việc ứng dụng CNTT tạo lập phương thức phát triển mới, nâng cao sức cạnh tranh và hiện đại hóa đất nước trên tất cả các ngành, các lĩnh vực. Bên cạnh đó, diễn đàn còn là nơi gặp gỡ của lãnh đạo cấp cao trong các lĩnh vực chủ chốt liên quan: Các cơ quan hoạch định và thi hành chính sách ở trung ương và địa phương; các ngành, đơn vị cần ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh; các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hàng đầu trong ngành CNTT - Truyền thông; các cơ sở nghiên cứu, giáo dục và đào tạo nhân lực…