Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận về thực trạng chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; đồng thời giới thiệu, chia sẻ các mô hình, giải pháp tham khảo đưa vào chương trình, kế hoạch tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương.
Tham dự Hội thảo có ông Hoàng Hữu Thái, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hội, đoàn thể, các doanh nghiệp viễn thông - CNTT trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất, kinh doanh dựa trên công nghệ số, dữ liệu số. Chuyển đổi số chính là sự hội tụ của khoa học công nghệ, của kinh tế tri thức, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện.
Tại Quảng Bình, trong Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cũng xác định: "Chuyển đổi số trong bối cảnh Cuộc cách mạng 4.0 là xu thế tất yếu nhằm đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân; phát triển môi trường số văn minh, an toàn, rộng khắp, bao trùm; là cơ hội giải quyết các điểm nghẽn; tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ."
Triển khai Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, hoạt động chuyển đổi số tại tỉnh Quảng Bình, đã có những chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành, giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội ngày càng sâu rộng. Các tổ chức, doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn việc sử dụng công nghệ và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để đổi mới mô hình kinh doanh, tăng năng suất lao động. Người dân đã tăng cường tiếp cận, rèn luyện kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình vẫn còn những khó khăn, hạn chế liên quan đến hạ tầng số và việc phát triển, tổ chức ứng dụng số trong các cơ quan của hệ thống chính trị, tại doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Với chủ đề Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024 "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động", các chuyên gia đến từ các tập đoàn viễn thông: VNPT, Viettel, Mobifone đã giới thiệu, chia sẻ các giải pháp tổng thể, chuyên sâu về chuyển đổi số như: Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu (Data Lakehouse); Viettel Cloud: Hiện đại hóa hạ tầng thông tin; Xây dựng hệ sinh thái xã thông minh; Giải pháp số hóa không gian, di tích, điểm du lịch; Đề xuất bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số tại các đơn vị chính quyền, doanh nghiệp; Nền tảng quản lý và giám sát thông tin không gian.
Hội thảo đã đem lại những kiến thức, thông tin hữu ích về chuyển đổi số, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về vai trò quan trọng của hạ tầng số, ứng dụng số trong phát triển kinh tế - xã hội; là dịp để các cơ quan, đơn vị ngành thông tin và truyền thông trao đổi, học hỏi và tìm hiểu sâu hơn về các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong thời gian tới./.