Phiên họp thứ nhất của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số

Thứ tư, 01/12/2021 06:31

Chiều ngày 30/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ nhất của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các điểm cầu các bộ, ngành, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự phiên họp tại đầu cầu Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; các thành viên của Ủy ban; lãnh đạo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số/xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Cùng tham dự tại đầu cầu Chính phủ,  còn có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phạm Anh Tuấn, Phạm Đức Long. Tại đầu cầu Bộ TT&TT 18 Nguyễn Du, Hà Nội có Thứ trưởng Phan Tâm và đại diện lãnh đạo các cục vụ đơn vị chức năng của Bộ.

20211130-pg11-TT.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp thứ nhất Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số. 

Mở đầu Phiên họp, các đại biểu đã được nghe công bố Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Theo đó, ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. 

Tại Phiên họp thứ nhất, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tập trung thảo luận về Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 và một số kiến nghị về chính sách.

Đối với kế hoạch năm 2022, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đặt ra 53 chỉ tiêu định hướng đến năm 2025. Tất cả 53 chỉ tiêu này cần được tổ chức triển khai đồng bộ ngay từ năm 2022. Trong đó lưu ý, có 18 chỉ tiêu quan trọng đề xuất ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2022.

20211130-pg10-BT.jpg

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp

Dự thảo Kế hoạch đề xuất 34 nhiệm vụ trong năm 2022. Tinh thần là đặt mục tiêu cao, quyết tâm hành động cao, mỗi nhiệm vụ có một đơn vị chủ trì, có kết quả rõ ràng, có chỉ số đo lường cụ thể. Dự thảo Kế hoạch phân công nhiệm vụ cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương. Trong đó: Dự thảo kế hoạch đề xuất 8 nhiệm vụ nhằm xây dựng thể chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho 5 nhóm vấn đề: Giao dịch điện tử; định danh và xác thực điện tử; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, thanh toán số, tiền kỹ thuật số; phân bổ và quản lý kinh phí chi cho chuyển đổi số; đại học số.

Đồng thời, dự thảo Kế hoạch đề xuất 18 nhiệm vụ đột phá năm 2022: Phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe toàn dân; phổ cập dạy học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; phổ cập hóa đơn điện tử; phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phổ biến kỹ năng số; thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; thúc đẩy thương mại điện tử; quy hoạch đô thị thông minh; phát triển Hệ thống thông tin báo cáo; cơ chế đặc thù cho Quỹ phát triển khoa học công nghệ; phát triển Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; điều phối phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu; điều phối phát triển, sử dụng các nền tảng số.

20211130-pg10-tc.jpg

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đến từ các Bộ ngành, địa phương  đều đồng tình, nhất trí cao với đề xuất Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022. Một số đại biểu đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các địa phương hỗ trợ xây dựng Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, Chính phủ quan tâm hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn…

Nhận định về tiến trình chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã thể hiện sự quan tâm, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với chuyển đổi số. Đại dịch Covid-19 cũng là một cú huých mạnh mẽ đối với quá trình triển khai chuyển đổi số, việc họp trực tuyến, ứng dụng công nghệ số đã diễn ra rất nhanh trên phạm vi toàn quốc, động chạm đến hàng chục, hàng trăm triệu người dân, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nếu cách làm vẫn như thời CNTT đã làm nảy sinh các vấn đề về kết nối, liên thông giữa các Bộ, ngành địa phương. Công nghệ thì nơi dùng, nơi không, dữ liệu không được cập nhập, thiếu chính xác. Từ đó, “nhiều vấn đề đã lộ ra và chúng ta đã nhanh chóng khắc phục. Những bài học được rút ra sẽ là hành trang quan trọng để chúng ta bước vào giai đoạn chuyển đổi số”, Bộ trưởng nhận định.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, việc chuyển đổi số là xu thế mang tính toàn cầu, do đó cần có cách tiếp cận mang tính toàn cầu, không nước nào có thể đứng ngoài cuộc. Do đó, cả hệ thống chính trị cần phải đoàn kết, thống nhất cùng thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Chuyển đổi số có tác động  đến mọi người dân, vì vậy, phải lấy người dân làm trung tâm, mọi chính sách khi xây dựng đều phải hướng tới người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận.

Về các công việc cụ thể cần phải triển khai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số ở các cấp, các ngành và địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách; triển khai chương trình phát triển công dân số; xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia; tích cực hợp tác hỗ trợ giữa các địa phương, các bộ ngành. Bộ TT&TT cần sớm hoàn thiện kế hoạch hành động năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, kế hoạch phải cụ thể, chi tiết, được đánh giá kết quả thực hiện theo quý và tổng kết cuối năm, Thủ tướng chỉ đạo.  

Giang Phạm, Ảnh: VGP
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top