Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thứ tư, 24/11/2021 14:41

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà.

20211124-u7.jpg

Nông nghiệp công nghệ cao – xu thế tất yếu

 
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin; quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. 
 
Giải bài toán cho các vấn đề này, theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà.
 
Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững. 
 
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
 
Theo báo cáo, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,...). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).
 
Nhận định về sự đóng góp của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp nước ta, nhiều chuyên gia, nhà khoa học chung nhận định, khoa học và công nghệ thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
 
Sản xuất phát triển nhờ ứng dụng công nghệ cao
 
Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW,  05/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học - công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng”…
 
Định hướng này cùng với những chính sách được ban hành trước đó về nông nghiệp công nghệ cao như Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010, phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, góp phần tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2019, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại.

Trong lĩnh vực trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; do làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, giúp nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Đặc biệt, giống gạo ST25 được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Phi-lip-pin. 

Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị …

Ngành lâm nghiệp có sự phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng ổn định; đã làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, tạo ra các dây chuyền chế biến, bảo quản có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu; hình thành ngành công nghiệp chế biến lâm sản đứng thứ hai Châu Á và đứng thứ năm trên thế giới.

Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Công nghệ chế biến thủy sản ngày càng được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.

Với sự giúp sức của khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng... Các kết quả này góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng nhanh qua các năm, năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức 10,4 tỷ USD.

Gỡ rào cản để phát huy nguồn lực 
 
Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. 

Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp phải không ít khó khăn. Mô hình sản xuất nông nghiệp này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất trong khi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại nước ta còn thấp. Bên cạnh đó, thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân lực còn hạn chế… là những rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua.

Tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao từ lâu được hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/4/2010,của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với chính sách cho vay tín chấp ở hạn mức phù hợp; Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 7/3/2017, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5% -1,5% đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đặc biệt, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có nhiều điểm đột phá mới về cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao như: cho doanh nghiệp được vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70% -80% giá trị dự án nông nghiệp công nghệ cao với hình thức cho vay linh hoạt; ưu đãi về tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính…
 
Bên cạnh đó, nhiều chính sách để nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp cũng được thực thi. Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, ngành nông nghiệp triển khai đào tạo được trên 2,3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp. Nông dân sau khi học nghề đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất; nhiều lao động sau học nghề mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3-4 lần trước đây.
 
Cùng với đó, Chính phủ cũng dành nhiều nguồn lực tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyên giao công nghệ năng suất chất lượng nông sản; thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người sử dụng, tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt là những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước. Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cho thấy sự tích cực của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Nông sản Việt Nam từng bước xâm nhập vào những thị trường có sức mua lớn, đòi hỏi cao về chất lượng như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Australia...
 
Những chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển đã khẳng định sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. 
 
Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững./.
PV
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top