Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao

Thứ bảy, 24/12/2022 05:48

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực nông công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thực phẩm và sử dụng có hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp là hướng đi tất yếu, nhằm phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

u20.jpg

Thời gian qua, phát triển nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Nâng cao năng suất; biến đổi khí hậu; sâu bệnh; hệ thống tưới tiêu, giám sát sức khỏe đất và cây trồng…

Việc ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, thân thiện với môi trường, có vai trò quan trọng đối với việc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có… được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm của ngành Nông nghiệp.

Các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp gồm: Cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, tin học hóa... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Hiện, nhiều địa phương, doanh nghiệp lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, với các công nghệ: Sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa…

HTX Dâu tây Xuân Quế, bản Tân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn hiện có 20 lao động phổ thông và 2 kỹ sư nông nghiệp chất lượng cao. Khác với lao động phổ thông, kỹ sư nông nghiệp được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động sản xuất chung, lấy kiến thức, trình độ để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Anh Triệu Duy Dương, vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội trở về địa phương, được HTX dâu tây Xuân Quế mời về làm quản lý, chịu trách nhiệm hoạt động sản xuất cho HTX. Anh Dương chia sẻ: Theo sát hoạt động sản xuất tại vườn, tôi thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây trồng, sản xuất cây giống, kiểm tra sâu bệnh hại và hướng dẫn lao động phổ thông chăm sóc cây trồng đúng cách, hiệu quả.

Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất thực tiễn, nhưng các kiến thức được học ở trường đã giúp tôi rất nhiều trong việc áp dụng vào thực tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, hiện có 736 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó 638 HTX đang hoạt động. Dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng lao động chất lượng cao đang làm việc tại các HTX trên địa bàn, song điều dễ nhận thấy là các HTX đã thay đổi nhận thức, quan tâm sử dụng lao động chất lượng cao nhằm phục vụ chuyên môn hóa các quy trình, khâu sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đã bố trí cán bộ trẻ về làm việc tại 5 HTX, gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Phượng, huyện Sốp Cộp; HTX nông nghiệp Tô Múa, huyện Vân Hồ; HTX chanh leo huyện Thuận Châu; HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Lâm, huyện Bắc Yên; HTX trồng cam Văn Yên, huyện Phù Yên.

Mỗi HTX được hỗ trợ 1 trí thức trẻ làm việc trong thời gian 36 tháng, mức hỗ trợ tối đa cho 1 HTX bằng mức lương tối thiểu vùng nhân với số tháng được hỗ trợ, trong 3 năm đã giải ngân kinh phí hỗ trợ gần 224 triệu đồng cho các HTX.

Để nhân rộng mô hình, năm 2023, Sở NN-PTNT Sơn La tiếp tục tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025, dự kiến hỗ trợ cho 20 HTX các sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc trong thời hạn 2 năm tại HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La chia sẻ: "Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các HTX cũng có nhiều chính sách đãi ngộ, thu hút lao động chất lượng cao vào làm việc tại HTX, nhằm phát huy sự năng động, sáng tạo trong tổ chức, quản lý đơn vị, tạo động lực cho các HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Để phát triển sản xuất trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Sơn La, ngoài khó khăn chung do thiên tai, dịch bệnh, thì bản thân việc ứng dụng công nghệ cao cũng đang có những thách thức nội tại. Triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất trên quy mô tương đối lớn và phải đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ…".

 

 

theonongnghiephuucovn.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top