Phát triển kinh tế số: Đào tạo nhân lực là “chìa khóa” thành công

Thứ tư, 20/10/2021 22:32

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết: “Với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 đã cho thấy, chúng ta cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Nhấn mạnh vai trò thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nền kinh tế số tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Vũ Quốc Huy cho biết, trong thời gian qua, NIC đã phối hợp với các đối tác như Google, Amazon…tổ chức các chương trình, tập huấn trực tuyến và nâng cao năng lực công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số cho nguồn nhân lực và DN Việt Nam như: Retail University, Phát triển nguồn nhân lực cho DN về lập trình viên, kỹ năng số (AI, Machine Learning, game mobile …). “Trong thời gian tới, NIC sẽ tiếp tục đồng hành bằng việc xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho DN nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN phát triển về công nghệ số.

20211021-pg9.jpg

Quang cảnh hội thảo Tiềm năng kinh tế số Việt Nam chiều 18/10

Khái quát nền kinh tế số Việt Nam, chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Jacques Morisset cho biết: “Để hướng tới nền kinh tế không cần tiếp xúc và trở thành nền kinh tế bậc cao, Việt Nam cần tập trung 3 ưu tiên để khai thác chuyển đổi số, gồm: Nâng cấp kỹ năng số cho người lao động, khuyến khích các DN đổi mới sáng tạo và tăng cường khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin.

Đồng thời, ông Jacques Morisset cũng phân tích những điểm sáng trong cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 như: 60% các DN sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến; Chính phủ điện tử đang cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến đã làm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở Việt Nam...

Lan tỏa kiến thức kinh tế số

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, diễn giả đồng tình quan điểm kỹ năng số là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển nền kinh tế số.

Để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số, PGS.TS Trần Trọng Nguyên – Giám đốc Học viện Chính sách&Phát triển cho rằng, cần có cơ chế, chính sách để phát triển nhân lực đáp ứng ngắn hạn. Cụ thể là cần có nhiều hơn khóa bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo để lan tỏa thông tin, khái niệm, kiến thức về kinh tế số đến tất cả đối tượng; phải có những chương trình, kế hoạch để bồi dưỡng, lan tỏa kiến thức về kinh tế số để có mọi người có nhận thức về kinh tế số từ đội ngũ lãnh đạo quản lý cho đến các người triển khai thực hiện. Khi có những hiểu biết nhất định về kinh tế số thì sẽ thay đổi về tư duy và có sự phát triển kinh tế số tốt hơn.

Giải pháp thứ hai là cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Chiến lược phát triển phải đến từ cấp T.Ư và Bộ GD&ĐT đóng vai trò chủ trì. Bên cạnh đó, cũng cần có chiến lược phát triển cả trong đào tạo nghề.

“Ở cấp phổ thông, Bộ GD&ĐT đã có chương trình đào tạo nghề, khuyến khích phát triển kiến thức về công nghệ như nền tảng toán học cho học sinh sau khi tốt nghiệp để tiếp cận kỹ năng số. Vậy, ở cấp Đại học, tôi nghĩ các trường Đại học cần tăng cường các môn học liên quan đến nền tảng công nghệ, nền tảng toán học” – ông Trần Trọng Nguyên nhấn mạnh.

Thứ ba là, cần tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực kỹ thuật và lao động nghề để có thể làm việc trong các lĩnh vực về kinh tế số.

“Nắm bắt xu hướng này, trong những năm qua, Học viện Chính sách & Phát triển cũng đã tiên phong đào tạo nhân lực cho ngành kinh tế số. Ngay từ năm 2019, Học viện đã mở chuyên ngành đào tạo phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong kinh doanh để đáp ứng nhu cầu xã hội; năm 2021, Học viện được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo ngành kinh tế số, là đơn vị đầu tiên đào tạo trong lĩnh vực này” – vị Giám đốc Học viện Chính sách & Phát triển cho hay.

Hướng tới mục tiêu đào tạo 1 triệu công dân toàn cầu

Đưa ra các khuyến nghị về giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết, hiện nay, có 4 nhóm nhân lực mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.

Nhóm thứ nhất là hàng triệu lao động trẻ trong lĩnh vực may mặc, da giày, lắp ghép linh kiện điện tử. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có hàng triệu lao động trẻ có nguy cơ mất việc làm bởi kinh tế số. Trong đó gồm 2,7 triệu công nhân may, hơn 1 triệu công nhân lĩnh vực giày da, hơn 1 triệu công nhân liên quan đến lắp ghép linh kiện điện tử. Về cơ bản 70% số lượng trong nhóm công nhân này sẽ thất nghiệp trong vòng 10 năm tới. Lý do bởi khi đó người máy sẽ thay thế.

“Nếu như trước khi dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư còn băn khoăn về việc đưa người máy vào các nhà máy sản xuất tại Việt Nam thì sau cuộc khủng khoảng đại dịch Covid-19, hàng loạt người máy sẽ được các tập đoàn đưa vào Việt Nam. Khi đó công nhân của chúng ta không có cách nào để chạy đua về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, về thời gian làm việc liên tục của người máy. Vì vậy, vấn đề đào tạo hàng triệu người trong những nghề mới sẽ là trách nhiệm thuộc Chính phủ” – ông Hoàng Nam Tiến lý giải.

Nhóm thứ hai là cần phải hướng tới mục tiêu đào tạo 1 triệu công dân toàn cầu. Để làm được điều này cần đến vai trò nòng cốt của các trường Đại học và các DN lớn. Đơ cử như FPT Telecom, đang có khoảng 20.000 người làm việc cho thị trường Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Singapore. Điều này cho thấy mục tiêu 1 triệu người trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh song phẳng với thế giới về công nghệ, về trình độ.

Nhóm thứ ba là đào tạo cho những người làm chủ. Người làm chủ bao gồm cả các quan chức Nhà nước, các lãnh đạo địa phương và đặc biệt là chủ các DN về việc sử dụng kỹ thuật số, sử dụng công nghệ.

Nhóm thứ tư là trẻ em. Việt Nam có gần 20 triệu học sinh, sinh viên. Thực tế này đòi hỏi đất nước phải đưa phương pháp giáo dục mới. Chẳng hạn như đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, cả thầy cô và học sinh phải thực hiện kỹ năng học trực tuyến như thế nào. “Chúng ta phải có thế hệ mới về đào tạo và vấn đề này không chỉ là việc của Chính phủ, Bộ GD&ĐT mà phải có sự tham gia của cả xã hội, đặc biệt là các DN công nghệ” – ông Hoàng Nam Tiến khẳng định.

Hội thảo trực tuyến “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” nhằm đánh giá tổng quan về thực trạng kinh tế số Việt Nam hiện nay, khả năng phát triển trong tương lai và những cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế số. Hội thảo gồm hai tọa đàm: “Đòn bẩy chính sách để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế số Việt Nam” và “Thách thức và giải pháp hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tham gia thị trường toàn cầu”.
Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế như đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Tập đoàn Google, Học viện Chính sách và Phát triển cùng các diễn giả là lãnh đạo các tập đoàn, DN lớn, DN đổi mới sáng tạo như: FPT Telecom, Haravan, Clever Group…

theo kinhtedothi.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top