Đó là nhấn mạnh của TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam tại Hội thảo "CĐS - Nền tảng xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) diễn ra ngày 17/12. Sự kiện dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức, thu hút được đông đảo các đại biểu, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về CĐS, ĐTTM tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay công nghệ số đã tích hợp một cách hữu cơ các thực thể vật lý xã hội để tạo ra một thực thể thông minh và đồng thời, giờ đây môi trường hoạt động của con người, các tổ chức đã và đang thay đổi bởi công nghệ số, nền tảng số - đó là kết nối vạn vật, không dây, dữ liệu số…
"Chúng ta dùng công nghệ thông tin từ chỗ là công cụ hữu ích làm nhiệm vụ cũ, cách cũ thì nay đã mới hơn, trở thành hợp phần hữu cơ trong mọi thực thể, tổ chức…", TS. Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Vì những thay đổi này, theo TS. Đặng Việt Dũng, sự tiến bộ của công nghệ số đã hình thành, tạo nên các thuật ngữ thông minh phổ biến, trở thành thực thể quen thuộc hợp chung hướng đến vì mục tiêu để phục vụ cuộc sống, nhu cầu con người ngày càng cao, chất lượng hơn.
Hơn nữa, chính công nghệ số đã chiếm chỗ nhiều vị trí quan trọng của con người theo hướng tích cực và xu hướng thương mại hóa nhờ sự CĐS đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong môi trường sống, làm việc của con người… Do đó, đến lúc chúng ta cần tích cực thay đổi, khai thác, tạo các cơ hội mới cho môi trường sống mới, nhất là môi trường sống trong các đô thị.
"CĐS chính là quá trình định hình tích cực lại sự thay đổi của các tổ chức, doanh nghiệp (DN), địa phương, đô thị, các ngành và điều này là cần thiết, cấp bách. Đây chính là một cơ hội "sáng" buộc chúng ta phải làm chủ, chủ động sử dụng các công nghệ, nền tảng số để tối ưu hóa các phương thức vận hành, quản trị, nhân rộng các hiệu quả, mong muốn", TS. Đặng Việt Dũng nêu quan điểm.
Cũng trong xu thế này, dù muốn hay không, các tổ chức trong ngành, nghề xây dựng, DN tư vấn, thiết kế, thi công, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đô thị, xây dựng cần phải đẩy nhanh hơn nữa trách nhiệm của mình để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ CĐS toàn diện, hiệu quả.
Đồng tình cao với quan điểm của TS. Đặng Việt Dũng, TS. Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng nhấn mạnh thêm, hội thảo có ý nghĩa lớn, tạo thêm các cơ hội, kinh nghiệm, giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển các đô thị Việt Nam ngày càng toàn diện, bền vững, chất lượng, hiệu quả.
Để đảm bảo quá trình phát triển này, chúng ta cần phải có sự tính toán, điều chỉnh phù hợp để tạo phương thức tối ưu, hiệu quả nhất đối với vấn đề: Quản lý đô thị, quy hoạch đô thị, xây dựng đô thị, phát triển bền vững xanh cho các đô thị.
Trong quá trình chúng ta thực hiện nhiệm vụ, điều tạo nên thành công chính là cần bám sát thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành xây dựng. Đặc biệt, cần vận dụng, sử dụng các công nghệ số, nền tảng số phù hợp và phải đồng bộ với 03 nội dung của công tác: Quy hoạch (dựa trên dữ liệu nền tảng có tính xác thực, thực tế), quản lý sử dụng biện pháp nền tảng trang web (CMS), ứng dụng tiện ích số (camera, thanh toán số, online…).
"Các nền tảng, ứng dụng số khi sử dụng, vận hành, phát triển trong các ĐTTM cần dựa trên cơ sở, nguyên tắc dữ liệu số và đảm bảo kết nối, liên thông, đồng bộ với hạ tầng", TS. Trần Quốc Thái nhấn mạnh.
BIM là xu hướng tất yếu trong quá trình CĐS của ngành xây dựng
Tại hội thảo, nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận, trình bày. Trong số các ý kiến đó, khi nói về thực trạng, giải pháp để phát triển các ĐTTM tại Việt Nam hiện nay, TS. Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho rằng, công tác này nhìn chung những năm qua đã có những kết quả tích cực. Hầu hết trong công tác này đều có điểm chung là các địa phương đang bắt đầu từ hoàn thiện Chính quyền điện tử trong đó xây dựng trung tâm hành chính công, triển khai dịch vụ công trực tuyến theo các cấp độ. Các hoạt động triển khai phát triển ĐTTM chủ yếu là xây dựng đề án, tại một số khu vực đã có những bước đầu triển khai tập trung vào chính quyền điện tử.
Tuy nhiên, trong những nỗ lực chung và kết quả đã đạt được trên, việc phát triển ĐTTM tại Việt Nam vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại sau: Các địa phương chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, nội dung thực hiện chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho ĐTTM, các nội dung liên quan đến quy hoạch thông minh và quản lý xây dựng phát triển ĐTTM còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện (do hạn chế về nguồn lực, dữ liệu cho ĐTTM...); cơ chế nguồn lực cho phát triển ĐTTM còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối DN, kinh tế tư nhân trong phát triển ĐTTM nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa; tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị đang tiến hành xây dựng ĐTTM còn chưa cao.
Nêu ra nguyên nhân, TS. Lê Hoàng Trung cho rằng, chúng ta chưa có nhiều thực tiễn tốt để làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng cho xây ĐTTM. Việc triển khai hiện nay vẫn đang thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đầu tư công, ứng dụng CNTT; chưa có các chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích phát triển ĐTTM, nhất là việc huy động vốn và phân bổ nguồn lực, chưa xác định rõ các hạng mục sử dụng ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) và hạng mục sử dụng nguồn lực xã hội, DN….
Để giải quyết những hạn chế, bất cập trên, TS. Lê Hoàng Trung cho rằng, chúng ta cần phải chú trọng các vấn đề sau để có thể triển khai: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển ĐTTM bền vững; phát triển ĐTTM cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch, có các quy chế, quy chuẩn đảm bảo các cấu phần ĐTTM có thể kết nối với nhau thành một tổng thể ĐTTM bền vững; xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và các công trình kiến trúc đô thị theo Đồ án quy hoạch được duyệt một cách thông minh; đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp các ngành …
Cụ thể hơn, trong đề xuất về công tác quy hoạch, TS. Lê Hoàng Trung nhấn mạnh việc quy hoạch đô thị phải được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu đầu vào sát thực. "Muốn vậy cần phải số hóa toàn bộ dữ liệu về đô thị để có thể tích hợp vào các giao diện xử lý nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) chính là một trong các giao diện hiệu quả để tích hợp và phân tích các dữ liệu đô thị. Hiện nay Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn áp dụng công cụ này".
Ở quan điểm khác, chuyên gia tư vấn giải pháp CĐS Đỗ Hữu Binh, Hội Kết cấu và Công nghệ xây dựng (KC&CNXD) Việt Nam cho rằng, khi CĐS ngành xây dựng các lợi ích mang lại là rất lớn, góp phần: Tăng năng suất; tăng tính an toàn và giảm thiểu rủi ro của dự án; xây dựng được các tòa nhà chất lượng cao; nâng cao tính tương tác…
Đồng thời, để quá trình CĐS ngành xây dựng hiệu quả, bền vững cần áp dụng, sử dụng mạnh mẽ các công nghệ như: dữ liệu lớn (big data); trí tuệ nhân tạo và học máy (AI & ML); Internet của vạn vật (IoT); mô hình hóa thông tin của tòa nhà (BIM)…
Đặc biệt, khi nói về việc sử dụng công nghệ BIM đối với ngành xây dựng, chuyên gia Đỗ Hữu Binh cho rằng, BIM là công nghệ mới được phát triển trên nền tảng công nghệ số và được ứng dụng vào các lĩnh vực thiết kế, thi công và quản lý xây dựng. Do đó, việc sử dụng BIM là xu hướng tất yếu trong quá trình CĐS của ngành xây dựng hiện nay và việc áp dụng BIM trong đầu tư xây dựng mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả đầu tư.
"Cần đưa BIM vào đào tạo, nhất là ở khối đại học ngành xây dựng, đồng thời, cần tích hợp mô hình thông tin công trình (BIM) vào chương trình đào tạo trong quá trình học của sinh viên", Chuyên gia Đỗ Hữu Binh nhấn mạnh./.