Phát triển công nghiệp nội dung số: Giải “bài toán” bảo vệ bản quyền số

Thứ sáu, 12/05/2023 01:52

Sáng tạo nội dung số đang trở thành mảnh đất mới đầy tiềm năng dành cho các nhà sản xuất nội dung và các nhãn hàng, các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số Việt Nam. Tuy nhiên, “sân chơi” này cũng đặt ra “bài toán” về bảo vệ bản quyền số đối với mỗi sản phẩm nội dung số, không riêng ở thị trường trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu...

20230612-ta30.png

Ngành kinh doanh nội dung số rất đa dạng. Hiện nay sản phẩm nội dung số tồn tại chủ yếu ở nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok; kinh doanh trên nền tảng âm nhạc trực tuyến như Spotify, Apple Music, Amazon Music và khoảng 52 nền tảng nhạc số khác; bán hình ảnh, tranh, bản vẽ thiết kế, hình ảnh - video 2D - 3D, giáo dục trực tuyến; game online phát hành trên Apple Store và CH Play.

Trong đó, YouTube là nền tảng được người Việt sáng tạo nội dung nhiều nhất. Năm 2022, khoảng 20.000 người kiếm tiền trên hạ tầng này, với hàng triệu người liên quan, mang về khoản doanh thu ngoại tệ tương đương 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt “nút” vàng (hơn 1 triệu người đăng ký) và 8 kênh đạt “nút” kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).

NHIỀU TIỀM NĂNG ĐỂ PHÁT TRIỂN

Về tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA), Tổng giám đốc Sconnect Việt Nam, cho biết tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu so với năm 2022. Số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu kết nối, tương đương với 164,0% tổng dân số, tăng 4,7 triệu so với năm 2022. Số người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người, tương ứng với 71% dân số Việt Nam, trong đó 68% trên 18 tuổi.

Sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận với công chúng một cách dễ dàng hơn. Tại Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng YouTube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng Tik Tok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix.

Với “bệ đỡ” để phát triển ngành công nghiệp nội dung số như trên, theo Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, hành vi tiêu dùng số của người Việt đã và đang có sự dịch chuyển đáng kể. Theo đó, có bốn xu hướng ảnh hưởng mạnh mẽ tới hành vi tiêu dùng số: một, mua sắm trên mạng xã hội; hai, trải nghiệm VR/AR (75% người dùng cho biết VR/AR làm gia tăng trải nghiệm trực tuyến của họ; ba, social video (90% người dùng tương tác với video sau khi xem); bốn, trí tuệ nhân tạo (hơn 100 triệu người sử dụng Chat GPT sau 2 tháng).

Bên cạnh đó, thị trường phim hoạt hình trên toàn cầu cũng tăng trưởng ngoạn mục, ước đạt 391,19 tỷ USD năm 2022 và dự kiến lên tới 587,1 USD vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 5,2%. Riêng lĩnh vực hoạt hình 3D đang tăng tốc phát triển rất nhanh, doanh thu hoạt hình 3D dự kiến tăng đến 47,021 triệu USD vào năm 2030 với CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 12,5% trong giai đoạn 2022 - 2030. Thị trường Bắc Mỹ dẫn đầu với thị phần chiếm hơn 37,4% vào năm 2021; Asia-Pacific dự kiến tăng với CAGR hơn 13,2% (2022-2030); ngành media & entertainment (ngành truyền thông) chiếm hơn 34,8% thị phần; về technique type, 3D modeling (mô hình 3D) chiếm khoảng 30,9% thị phần năm 2021.

Trên phạm vi toàn cầu, ngành công nghiệp nội dung số đã có bước phát triển rất nhanh trong nhiều lĩnh vực như truyền thông, công nghệ, thiết kế, nghệ thuật, giải trí và nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, các quốc gia có sự thành công đáng kể như: Trung Quốc (doanh thu 104,2 tỷ USD năm 2022); Mỹ (doanh thu 65,8 tỷ USD năm 2022); Nhật Bản (doanh thu 42,8 tỷ USD năm 2020); Hàn Quốc (gần 1 tỷ USD năm 2022)...

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), lĩnh vực sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam, với mức doanh thu ghi nhận đến 800 triệu USD năm 2022. Ông Nghĩa cho biết năm 2023 cũng là năm Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu “phất cờ” để giúp các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực phần mềm, phần cứng và nội dung số đi ra nước ngoài để phát triển, mở rộng thị trường.

Theo số liệu của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), trong khi số người tiêu thụ nội dung số tăng thì số người dùng trái phép nội dung vi phạm bản quyền cũng tăng. VDCA ước tính số lượng người tiêu thụ nội dung video vi phạm bản quyền năm 2022 là 15,5 triệu người, làm thất thoát gần 350 triệu USD, chiếm 18% doanh thu ngành video hợp pháp. Đến năm 2027, con số này có thể tăng đến hơn 19 triệu, làm thất thoát hơn 450 triệu USD.

"CUỘC CHIẾN" BẢN QUYỀN SỐ

Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam, cho rằng hiện nay với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ, một cá nhân, tổ chức có thể tạo ra hàng chục, thậm chí hàng trăm nội dung số mỗi tháng. Thực tế này dẫn đến việc phải làm thế nào để chứng minh nội dung của mình không vi phạm của người khác, hay rà quét ra sao để xem có ai vi phạm. Ông Chung cho rằng đây là thách thức không chỉ cho các chủ sở hữu nội dung, mà còn của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian.

Lấy ví dụ trực tiếp từ chính doanh nghiệp mình, ông Tạ Mạnh Hoàng chia sẻ, vụ việc tranh chấp bản quyền số giữa hai nhân vật hoạt hình sói Wolfoo của Sconnect và lợn Peppa Pig của Entertaiment One (EO) có trụ sở ở Anh năm 2022 đã gây thiệt hại rất lớn cho Wolfoo và khiến Sconnect đã tốn khoảng 1 triệu USD cho vụ kiện, thậm chí tòa án Nga đã công nhận Sconnect thắng kiện thì tòa án Anh lại không công nhận.

Vị lãnh đạo Sconnect - nhà sản xuất video hoạt hình xuất bản trên các nền tảng mạng xã hội - chia sẻ sau thời gian đầu không quan tâm nhiều đến vấn đề bản quyền, doanh nghiệp đi đến những thời điểm phải dành 2/3 doanh thu cho việc tổ chức lại các tài sản sở hữu trí tuệ và theo đuổi các vụ kiện bản quyền tại các quốc gia khác nhau.

Ông Tạ Mạnh Hoàng cũng nhìn nhận: một trong những khó khăn của doanh nghiệp Việt là sức cạnh tranh yếu, dễ bị tổn thương khi gia nhập thị trường quốc tế. Việt Nam không những bị gán nhãn là nước có vi phạm bản quyền phổ biến mà nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số cũng chưa cao, dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền. “Bảo vệ bản quyền số cũng như hiểu biết về các quyền sở hữu trí tuệ là những bài toán đặt ra cho mỗi doanh nghiệp nội dung số. Bản quyền và sở hữu trí tuệ sẽ là vấn đề thiết yếu nếu muốn phát triển bền vững trong lĩnh vực nội dung số”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (VDCA) Hoàng Đình Chung, một khó khăn nữa là việc chứng minh hành vi và xử lý vi phạm, bởi pháp luật hiện nay chưa công nhận bằng chứng điện tử, trong khi việc lập vi bằng là biện pháp được công nhận lại gây tốn kém cả thời gian và tiền bạc, tạo ra cản trở trong việc tự bảo vệ nội dung của các chủ sở hữu khi biết nội dung của mình bị xâm phạm. “Pháp luật cũng nên xem xét công nhận bằng chứng điện tử trong vấn đề vi phạm bản quyền trên môi trường số”, ông Chung nêu quan điểm.

Tựu trung, theo giới chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nội dung số Việt nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức khi đã có hành lang pháp lý nhưng lại rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới. Ngoài ra cũng thiếu công cụ, hành lang pháp lý hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng và cũng chưa có các phương án bảo vệ trước tranh chấp có thể xảy ra...

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top